Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Quỳnh Chi - 09:00, 31/01/2021

TheLEADERBộ Thông tin và truyền thông vừa khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx 2021) với sự cam kết tham gia của 15 doanh nghiệp nền tảng số xuất sắc.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Chuyển đổi số là chìa khoá quan trọng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khủng hoảng Covid-19.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng khoảng 70% lao động và đóng góp khoảng 50% GDP.

Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. “Nỗi đau” hiện nay của các doanh nghiệp này là không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp do giãn cách, sự phụ thuộc vào các bên trung gian, đồng thời, vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động dù doanh thu sụt giảm nặng nề. 

Doanh thu đã sụt giảm trên 50%. Số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm 15%. 

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, có khoảng 47% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát cho biết coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Thông tin từ Trung tâm dữ liệu internet (IDC) châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, 69% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực đang đẩy nhanh chuyển đổi số như một giải pháp để đối phó với Covid-19 nhằm không chỉ sống sót, phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. 

Doanh nghiệp chuyển đổi số ghi nhận năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với doanh nghiệp chưa chuyển đổi số. Đồng thời, 3,1 nghìn tỷ USD được công thêm vào GDP của châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quá trình này ở Việt Nam được dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với câu chuyện chuyển đổi số và chưa biết bắt đầu từ đâu. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, nền tảng số là chìa khoá để giải bài toán chuyển đổi số. Do đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số được cơ quan này khởi động ngày 29/1/2021 sẽ có sự tham gia của 15 doanh nghiệp nền tảng số xuất sắc "make in Việt Nam" được lựa chọn. 

Các doanh nghiệp này cam kết sẵn sàng đồng hành với gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết các “nỗi đau”, các vấn đề mà bất kỳ một doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cũng có thể gặp phải.

Theo ông Dũng, các nền tảng số tham gia chương trình với năng lực tốt về công nghệ sẵn sàng khả năng mở rộng nhanh chóng, cung cấp dịch vụ tốt, ổn định cho số lượng khách hàng tăng đột biến với chi phí thấp. Chương trình sẽ như một phép thử đối với doanh nghiệp số và các nền tảng số "make in Việt Nam". Phần thưởng khi vượt qua được phép thử này chính là cơ hội được khách hàng biết đến và sử dụng lâu dài, ổn định.

Chương trình hướng tới mục tiêu kép, đó là vừa góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ năng lực chiếm lĩnh thị trường trong nước và tiến ra toàn cầu.

Chương trình với tên gọi SMEdx sẽ được triển khai xuyên suốt cả năm 2021 một cách hệ thống, bài bản, có đánh giá hàng tháng, hàng quý để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp. Đây cũng là cơ hội để quảng bá và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác trên thế giới, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam năng động và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Bộ Thông tin và truyền thông đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với chương trình, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Hiện nay, dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam và dự báo có thể có nhiều diễn biến phức tạp hơn so với các giai đoạn trước đây, trong khi cả xã hội đang bước vào dịp cận Tết, dịp cao điểm để các SMEs đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh. 

Thấu hiểu được những khó khăn đã và đang xảy đến với các doanh nghiệp SMEs, ban chỉ đạo chương trình quyết định phải sớm hoàn thiện và khởi động khẩn trương cổng kết nối để các doanh nghiệp có thể đăng ký ngay các công cụ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị tốt trong bối cảnh giãn cách của đại dịch.

Ông Dũng cũng lưu ý, doanh nghiệp nhỏ và vừa như “trăm hoa đua nở”. Các doanh nghiệp có những vấn đề chung và cả những vấn đề rất riêng. Chương trình hiện nay mới đáp ứng phần nào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục giải quyết các vấn đề cơ bản, chương trình cần tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động cụ thể.