Hỗ trợ ngành hàng không: Không để sống qua ngày đoạn tháng

Phương Linh - 11:54, 08/02/2021

TheLEADERTheo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Chính phủ phải có chiến lược hỗ trợ các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia, để họ lớn nhanh, vươn ra thế giới.

Hỗ trợ ngành hàng không: Không để sống qua ngày đoạn tháng
Hàng không có vai trò vô cùng quan trọng trong thế giới hội nhập hiện nay

Trong đại dịch Covid 19, doanh nghiệp nào cũng có quyền được hỗ trợ, quyền được sống, nhưng Chính phủ có thể phải lựa chọn các doanh nghiệp, lĩnh vực góp phần cứu sống nền kinh tế, có khả năng trỗi dậy nhanh nhất, có vị thế cạnh tranh quốc tế và tạo dựng tương lai đất nước tốt hơn sau dịch để ưu tiên hỗ trợ. 

Khi đã xác định được lĩnh vực và doanh nghiệp cần ưu tiên ở tầm quốc gia thì lúc đó, theo đúng nghĩa, phải chấp nhận sự hy sinh. Trong sự lựa chọn ấy, hàng không là ngành xứng đáng được ưu tiên.

PGS.TS Trần Đình Thiên đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với TheLEADER trước thềm năm Tân Sửu.

Theo ông Thiên, hàng không có vai trò vô cùng quan trọng trong thế giới hội nhập hiện nay. Những gì kết nối được với thế giới nhanh nhất thì hàng không là công cụ trực tiếp, cao nhất.

Đó là chưa kể, hàng không tác động trực tiếp và gián tiếp đến khả năng phát triển của nhiều, ngành, lĩnh vực. Hàng không là động lực phát triển kinh tế. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 20.000 tỷ đồng thuế và phí/năm, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước.

Quan trọng hơn, dù gặp phải rất nhiều khó khăn trong đại dịch nhưng tới thời điểm này, các hãng hàng không vẫn đang nỗ lực hết mình để vượt qua. Họ sẵn sàng dốc những nguồn lực của mình để giữ cho được các chuyến bay.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua đang làm cho các hãng hàng không khó đứng dậy nhanh, bền vững. Trước tình hình ấy, ông Thiên cho rằng: "Chính phủ phải có chiến lược làm sao cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia chứ không phải để họ cố gắng qua ngày đoạn tháng, thêm được ngày nào hay ngày đấy".

"Không thể đặt ngành hàng không như những ngành khác là phải chia đều cho mỗi ông một tí để ốm đói với nhau, cùng thoi thóp. Rồi đến khi sống được nhưng thiên hạ đứng dậy được, mình vẫn nằm im, vật vờ. Hàng không thế giới phục hồi nhanh sẽ lấn át hàng không trong nước. Do đó, việc hỗ trợ hàng không cần được xem như ưu tiên quốc gia.

Trong lúc này, quan trọng là phải lựa chọn ưu tiên cho những yếu tố giúp cho đất nước đứng dậy được, khẳng định vị thế sau dịch. Nếu làm được như vậy thì mới thật sự hiệu quả, mới thật sự vượt qua được thách thức hiện nay", ông Thiên nhận định.

Cơ hội khẳng định vị thế trên trường quốc tế sau dịch

Theo ông Thiên, nếu được hỗ trợ tốt, các hãng hàng không Việt Nam có cơ hội lớn để khẳng định vị thế tốt hơn trên thị trường quốc tế. 

"Trong đại dịch Covid-19, ngành hàng không dù ở tình thế rất nguy, nhưng tôi vẫn thấy cơ trong nguy", vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho rằng, thực tế thế giới hiện nay, những hãng hàng không càng lớn, càng có đẳng cấp cao thì trong đại dịch Covid-19 càng nhiều khó khăn, khả năng sụp đổ cao hơn của Việt Nam rất nhiều bởi vì gánh nặng của các hãng hàng không bề thế rất lớn.

Trong khi đó, hãng hàng không Việt Nam dù vẫn còn khá non trẻ nhưng tương quan sức mạnh sau đại dịch Covid -19 có thể có những lợi thế. Ví như thị trường nội địa hàng không khá ổn và sẽ tiếp tục ổn nếu như có các giải pháp tích cực hơn cho các hàng không Việt Nam. 

Hỗ trợ để hàng không nội địa tốt lên, thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích khách hàng bay thì sẽ bảo đảm cho hàng không Việt Nam trỗi dậy được. Ví như dịp tết dương lịch hay Tết cổ truyền nếu cho học sinh nghỉ dài hơn sẽ kích thích nhu cầu du lịch, tăng sức cho hàng không.

Đây chính là lợi thế của các hãng hàng không Việt Nam. Bài toán nhìn thấy và nắm bắt cơ trong nguy như của một thế lực quốc gia, một sức mạnh dân tộc trong cạnh tranh toàn cầu của hàng không Việt Nam là khá rõ. Hàng không Việt Nam có cơ hội rất lớn ở cuộc chơi cạnh tranh hàng không toàn cầu.

Ông Thiên lấy vì dụ như Vietjet là hãng bay tư nhân được cấp phép đầu tiên, không thể phủ nhận hãng này đã phổ cập hàng không, cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn hàng không trên thị trường quốc tế. 

Năm nay, ngành hàng không thế giới lỗ 118 tỷ USD, hàng trăm hãng đã và đứng trước nguy cơ phá sản nhưng Vietjet vẫn hòa vốn. Trên thế giới chắc chỉ có vài hãng hàng không làm được điều đó. Hãng tư nhân tuy mới ra đời nhưng cũng đang tạo dựng đẳng cấp đầy hứa hẹn.

"Chúng ta đang hô hào lót ổ đón đại bàng nước ngoài, tại sao không chăm nuôi cho lứa đại bàng con trong nước lớn nhanh, vươn ra thế giới", ông Thiên nói.