Hòa Phát được dự báo tiếp tục thua lỗ trong quý I

Trần Anh - 10:43, 08/03/2023

TheLEADERBáo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do rủi ro tăng giá nguyên liệu và hiệu suất vận hành thấp của các nhà máy.

Trong năm 2022, ngành thép trong nước chịu tác động từ những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Kết quả là tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam (bao gồm thép xây dựng, ống thép và tôn mạ) đã giảm mạnh xuống mức 3,7 triệu tấn trong quý 4/2022 (giảm 21% so với cùng kỳ và giảm 8,3% so với quý trước đó).

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm 9,2% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn.

Dù giá thép hiện tại đang tăng mạnh, song báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, đà tăng của giá bán thép đến chủ yếu do chi phí đầu vào tăng cao khi giá quặng sắt – than cốc – thép phế đã tăng mạnh kể từ đầu năm.

Do đó, đà tăng hiện tại của giá bán thép tại cả Trung Quốc và Việt Nam là không bền vững do nhu cầu thép yếu sẽ kéo dài. Dự phóng trung bình giá bán thép xây dựng và HRC năm 2023 của Hòa Phát sẽ đạt lần lượt 15,956 triệu đồng/tấn và 640 USD/tấn, thấp hơp 2,4%-4,5% so với giá giao ngay hiện nay.

Trước viễn cảnh không khả quan của ngành thép, VNDirect cho rằng Hòa Phát - doanh nghiệp số 1 ngành thép Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo phân tích dự báo lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023. Với nhu cầu yếu, VNDirect lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của Hòa Phát sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của công ty.

Do đó, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của Hòa Phát có thể vẫn sẽ âm trong quý I/2023.

Tình hình sẽ chỉ cải thiện trở lại từ quý III/2023 nhờ 3 yếu tố: Sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022, biên lãi gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tôn kho thấp hơn và cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh.

Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), ước tính biên EBITDA của Hòa Phát trong quý I/2023 thấp hơn 1,8 điểm % so với quý IV/2022.

Theo kế hoạch của ban lãnh đạo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2023 sẽ lần lượt là 150.000 tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ) và 8.000 tỷ đồng (giảm 5,7% so với cùng kỳ).

2022 là năm đầu tiên sau 10 năm, Hòa Phát không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế được Đại hội cổ đông thông qua. Trong giai đoạn 2012-2021, Hòa Phát thường xuyên vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế với mức trung bình là 47%. 

Do đó, VNDirect cho rằng kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được lập trên cơ sở thận trong của ban lãnh đạo công ty, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động và nhu cầu thép yếu như hiện nay.

Do kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2022 và chi phí đầu tư lớn trong năm 2023-2024 cho Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2, Hòa Phát cũng sẽ không trả cổ tức tiến mặt trong năm 2023.

Hòa Phát mới chỉ vận hành trở lại 1trong 4 lò cao tại Hải Dương từ 27/12/2022. Mặc dù vậy, sản lượng sản xuất của công ty vẫn ghi nhận mức thấp trong 2 tháng đầu năm 2023 với tổng sản lượng chỉ đạt 809 nghìn tấn, giảm 42% so với cùng kỳ.

Thời điểm hiện tại, công ty hiện vẫn còn 3 lò cao đang đóng và chưa có kế hoạch cụ thể cho việc vận hành trở lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu kỳ vọng trong ngắn hạn đối với các sản phẩm thép vẫn thấp.