Khởi động chương trình về trẻ em tự kỷ Việt Nam

Kim Yến - 08:59, 03/04/2019

TheLEADERChương trình kéo dài từ 2018 – 2022 với hơn 10.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em tự kỷ sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Khởi động chương trình về trẻ em tự kỷ Việt Nam
PNJ tài trợ 10 tỷ đồng cho chương trình hỗ trợ trẻ tự kỷ.

Sáng 2/4, Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” thuộc dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” đã chính thức được PNJ cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam phát động.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT công ty PNJ chia sẻ: “Vì tự kỷ hiện nay vẫn chưa được khoa học xác định là một bệnh lý hay tâm lý. Rất nhiều bậc cha mẹ không biết con mình tự kỷ hay không, nhà trường cũng không phát hiện ra, điều đó dẫn đến suy nghĩ sai lệch về các em, không có hướng đào tạo ngay từ đầu, đôi khi từ những biểu hiện trầm cảm, im lặng ban đầu đã dẫn đến trầm trọng hơn.”

Hiện nay, trẻ em tự kỷ đã trở thành một hiện tượng đáng báo động của Việt Nam, nhưng các vị phụ huynh và toàn xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học về vấn đề này. Môi trường học tập và giáo dục dành cho trẻ tự kỷ vẫn còn rất thiếu thốn, kỹ năng của cán bộ, giáo viên còn hạn chế so với thế giới, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, dẫn đến việc hiểu biết và hỗ trợ, chăm sóc các em càng khó khăn để hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều phụ huynh có con là trẻ tự kỷ vô cùng đau khổ và lúng túng trong việc tìm ra những phương pháp giáo dục hợp lý cho con mình.

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, các chuyên gia nhận định tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại, trong khi đó nước ta vẫn còn thiếu những chương trình mang tính qui mô và có tính chuyên môn cao dành cho nhóm đối tượng này.

Không ít các doanh nhân thành đạt sau một thời gian dài mải mê kinh doanh, ngoảnh lại mới biết con mình là trẻ tự kỷ. Có người đã phải bỏ hết sự nghiệp để cùng con chập chững với những bước đi đầu tiên hoà nhập với cộng đồng.

Từng có một người con gái rất thông minh, học giỏi, nhưng có giai đoạn rơi vào trầm cảm, bà Dung nghẹn ngào chia sẻ: “Thường những em tự kỷ rất thông minh, rất nhiều bậc thiên tài là trẻ tự kỷ. Bản thân tôi cũng có một cô con gái rất nổi tiếng trong giới sinh viên Việt Nam, nhưng cháu cũng có thời gian rơi vào tự kỷ, từ đó dẫn đến thời kỳ cháu làm tiến sĩ đã bị trầm cảm.”

“Rất nhiều bạn bè doanh nhân của tôi khi phát hiện con mình tự kỷ đã phải bỏ thời gian rất dài để chăm sóc cho con. Có một bạn doanh nhân đã phải đi khắp thế giới để học cách chữa trị cho con mình, và hiện nay con anh ấy đã được vào đại học. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ có cách cứu chữa kịp thời. Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu không ai nói lên tiếng nói này, tạo điều kiện cho việc thay đổi nhận thức về trẻ tự kỷ, thì các em sẽ vô cùng bị thiệt thòi, bị bỏ rơi”, bà Dung nói.

Với kinh phí ban đầu do PNJ tài trợ 10 tỷ đồng, dự án là nỗ lực lớn xuất phát từ ý thức và trách nhiệm, sự quan tâm sâu sắc đến trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em yếu thế của PNJ, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật thuộc Bộ LĐTBXH tại TP. HCM…

Ngày 8/4 tới đây, hạng mục quan trọng đầu tiên “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” là bộ tài liệu quốc gia đầu tiên về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ sẽ chính thức được công bố. Bộ tài liệu sẽ cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để trẻ cải thiện hành vi.

Tiếp theo, chương trình sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực lực lượng cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ, phổ biến kiến thức cho cha mẹ có con tự kỷ, hỗ trợ các giáo viên và cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận, chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ.

Trong năm 2018, dự án được thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP. HCM, Kiên Giang. Các năm tiếp theo, dự án sẽ mở rộng thêm tới các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.