Kiến nghị của các tập đoàn tư nhân giữa đại dịch Covid-19

Nhật Hạ - 18:15, 12/03/2020

TheLEADER"Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào?", Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đặt vấn đề.

Tâm tư của ông Bình cũng là trăn trở của lãnh đạo một số tập đoàn tư nhân trong buổi làm việc để chia sẻ những khó khăn do đại dịch Covid-19 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/3.

Doanh nghiệp lớn cũng lao đao

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, 12.000 phòng khách sạn và hàng nghìn ''vòng chơi'' ở các sân golf của tập đoàn đều bị hủy đặt trước. Riêng mảng khách sạn của BRG thiệt hại nặng từ cuối tháng 1 đến nay, chưa kể các mảng dịch vụ khác.

Tình trạng này cũng xuất hiện tại các tập đoàn có lĩnh vực dịch vụ, lưu trú, du lịch khác. Đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng hai tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể con số này lên tới 7 triệu sau nửa đầu năm. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn thuộc Sun Group cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%. Sun Group buộc lùi tiến độ khai trương loạt công trình và phải tạm đóng cửa một số khu vực, dẫn đến thu nhập người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết doanh thu đã giảm một nửa trong quý I. Hãng đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, tạm hoãn mở đường bay mới tới Ấn Độ. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.

"Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào?", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đặt vấn đề.

Theo ông Bình, doanh nghiệp đang cần chống đại dịch trên ba mặt trận, gồm chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và thất nghiệp.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực ứng phó thấp, không nhiều đơn vị chủ động các biện pháp chống dịch, nên tác động của đại dịch này tới sức khoẻ doanh nghiệp càng lớn.

Mặc dù bày tỏ trăn trở trước ảnh hưởng nặng nề của dịch đối với ngành du lịch, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết.

Đại diện Vietravel nhận định, “chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch”. Đồng thời, sức nén tâm lý trong dịch rất lớn thì sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải tỏa tâm lý”.

Cùng quan điểm, một số ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng cho rằng, ổn định tâm lý là điều quan trọng, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi.

Bà Hương Trần Kiều Dung,Tổng giám đốc Tập đoàn FLC khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như lò xo bị nén lại sẽ bật lên.

Kiến nghị của các tập đoàn tư nhân giữa đại dịch Covid-19
Đại diện Vietjet phát biểu ở cuộc gặp với Thủ tướng sáng 12/3. Ảnh: Quang Hiếu.

Đại diện các doanh nghiệp lớn đã kiến nghị Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ để vượt qua khó khăn, đặc biệt là giãn thời hạn nộp thuế.

Bà Nga, Chủ tịch BRG, kiến nghị được gia hạn 12 tháng đối với thời gian nộp thuế VAT của tháng 2 - 6 năm 2020 và gia hạn 12 tháng nộp tiền thuê đất thay vì thời hạn 5 tháng như dự thảo của Bộ Tài chính mới đây.

Đại diện Vietjet đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng hàng không. Theo quy định hiện hành, thuế môi trường đang ở mức 3.000 đồng/lít xăng, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay.

"Đây là thuế gián thu, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không", đại diện Vietjet chia sẻ và đồng thời đề nghị miễn giảm từ 50-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không.

Đại diện Vietjet cũng kiến nghị được giảm lãi suất vay trong 2 - 3 năm để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. "Tất nhiên đi cùng đó là điều kiện doanh nghiệp phải cam kết sử dụng vốn hiệu quả".

Trong khi đó, đại diện Vingroup kiến nghị Chính phủ rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ đồng sớm tới được với họ.

Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “hơn 700.000 doanh nghiệp Việt Nam chính là những "pháo đài" trong phòng, chống dịch.

Do đó, Thủ tướng tuyên bố sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, "sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều". Đồng thời cần chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.

Kiến nghị của các tập đoàn tư nhân giữa đại dịch Covid-19 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần ‘dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”, và coi đó là phương châm thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, chống dịch, chống suy thoái xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, bảo đảm kinh tế vĩ mô là những yêu cầu đặt ra chứ không phải tập trung riêng một khía cạnh nào.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận, Thủ tướng nhận định.

Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

“Cần chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân, làm sao bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết, chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào là yêu cầu của Chính phủ đối với doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu công tác phòng dịch phải bảo đảm chặt chẽ nhưng linh hoạt, không cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, kể cả thủ tục về thị thực nhập cảnh và những biện pháp cách ly phù hợp.

Thủ tướng cho biết, đã nhận được được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất, nên Việt Nam phải đón bắt thời cơ này, “như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”.