Làn sóng đổi chủ mới ở các công ty chứng khoán

Trần Anh - 12:42, 14/06/2022

TheLEADERLàn sóng đổi chủ của các công ty chứng khoán đã diễn ra liên tục trong 3 năm qua. Bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm đến nay, những dự báo tích cực trong dài hạn vẫn đang hấp dẫn giới đầu tư. Với các công ty chứng khoán, đây cũng là cơ hội hiếm có để “lột xác” khi nhận được nguồn lực mới.

Đầu tháng 6, Công ty Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) công bố hoàn tất mua lại 49% vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán CV (CVS) vào ngày 9/6. M_Service là công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trên di động dưới thương hiệu MoMo.

Trước đó, Finhay, công ty fintech trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân công bố đã mua lại Công ty Chứng khoán Vina (Vina Securites ). Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con của Finhay là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Huy - Giám đốc của Công ty cổ phần Finhay Việt Nam hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Vina Securites. Toàn bộ cổ đông Hàn Quốc đồng loạt thoái vốn và thay vào đó là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 95,6% vốn điều lệ.

Tại ĐHCĐ mới đây, Công ty Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) tiết lộ cổ đông lớn là Sacombank đã thoái vốn và có một cổ đông lớn khác nắm quyền chi phối. Công ty phải tiến hành đổi tên, chuyển trụ sở hoạt động cho phù hợp.

Điểm chung của các công ty chứng khoán nêu trên đó là hoạt động kinh doanh ảm đạm. Bất chấp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua, các công ty này duy trì kết quả kinh doanh bết bát.

Thành lập từ năm 2009, CVS tiền thân là Công ty cổ phần chứng khoán Hồng Bàng, sau đó được tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh năm 2015. Doanh nghiệp cũng chuyển trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội. Hai năm gần nhất, công ty chứng khoán này đạt doanh thu lần lượt khoảng 4,4 tỷ và 4,8 tỷ đồng. Đến hết quý I/2022, CVS ghi nhận khoản lỗ luỹ kế hơn 80 tỷ đồng.

Tương tự, VinaSecurities được thành lập từ năm 2006 nhưng không có nhiều hoạt động nổi bật. Hai năm gần nhất, công ty lỗ lần lượt 69,3 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 263 tỷ đồng. 

SBS cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, lỗ lớn giai đoạn 2011 và 2012 khiến công ty không thể vực dậy. Tính đến cuối năm 2021, công ty vẫn còn lỗ lũy kế lớn 1.301 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng.

Làn sóng “đổi chủ” của các công ty chứng khoán đã diễn ra liên tục trong 3 năm qua như Uniben tham gia vào Công ty Chứng khoán Globalmind Capital; VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC, đổi tên thành VPBank Securities; Cappella Group tham gia vào Công ty Chứng khoán Quốc gia; KS Finance (thành viên Sunshine Group) mua lại Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway...

Bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, những dự báo tích cực trong dài hạn vẫn đang hấp dẫn giới đầu tư. Với các công ty chứng khoán, đây cũng là cơ hội hiếm có để “lột xác” khi nhận được nguồn lực mới.

Vina Securities bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Song, trong quý I, doanh nghiệp đã được rót thêm để tăng vốn lên 358,6 tỷ đồng, nhờ đó vốn chủ sở hữu đạt 94 tỷ đồng, đảm bảo để có thể hoạt động bình thường trong năm nay. UBCK cũng đã đồng ý chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động của công ty vào 2/6.

SBS sau khi có cổ đông chiến lược mới cũng kỳ vọng bước sang trang mới trong năm nay với với phương án huy động vốn lớn 1.500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc được rót thêm vốn sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về vốn để bổ sung nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán, kinh doanh chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán, thực hiện hoạt động dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh…

Bên cạnh đó, sau khi tăng vốn, lãnh đạo SBS tiết lộ sẽ ký hợp đồng hợp tác chiến lược với một tập đoàn lớn, qua đó để tận dụng hệ sinh thái cho chiến lược phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Đây là lợi thế quan trọng của các công ty chứng khoán khi về tay các tập đoàn lớn. 

Điển hình như Công ty Chứng khoán Tiên Phong (ORS) sau 2 năm gia nhập hệ sinh thái TPBank đã phát triển vượt bậc khi tăng quy mô vố từ 240 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Với VPBank Securities, từ một công ty chứng khoán vốn nhỏ 56 tỷ đồng, sau khi về với VPBank đã được tăng vốn lên 269 tỷ đồng. Trong năm nay, đơn vị lên kế hoạch tăng vốn lên 8.920 tỷ đồng qua đó vào nhóm công ty chứng khoán lớn nhất thị trường.