Lạng Sơn sẽ đấu thầu 27 dự án điện gió

Nguyễn Cảnh - 09:33, 30/06/2022

TheLEADERCăn cứ theo điều kiện kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất và cơ chế cho phép, tỉnh Lạng Sơn đề xuất 27 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 3.600MW) tham gia đấu thầu từ nay tới 2030.

Lạng Sơn sẽ đấu thầu 27 dự án điện gió
Chỉ khoảng 3.400MW điện gió tiềm năng tại Lạng Sơn khả thi về mặt kinh tế, tức là có khả năng cạnh tranh với các loại hình nguồn khác và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong giai đoạn tới năm 2030.

Danh mục các dự án điện gió tỉnh Lạng Sơn đề xuất tham gia đấu thầu được xây dựng trên các tiêu chí như: điều kiện kỹ thuật của các dự án đăng ký (tốc độ gió trung bình, chồng lấn với vùng loại trừ, khả năng đấu nối hệ thống điện, giao thông vào dự án,…), chỉ tiêu sử dụng đất đối với công trình năng lượng cấp quốc gia phân bổ cho tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời, một tiêu chí quan trọng khác cũng được nhắc tới là cơ chế đấu thầu. Cụ thể, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, sau khi Quy hoạch được duyệt, hàng năm Bộ Công thương sẽ lập kế hoạch triển khai quy hoạch, trong đó sẽ rà soát - cập nhật tiến độ nguồn – lưới điện, phân bổ các nguồn năng lượng tái tạo cho các tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh tổ chức đấu thầu để lựa chọn các dự án đầu tư.

Như vậy, các dự án điện gió sẽ được xếp hạng dựa trên giá điện đề xuất của nhà đầu tư (căn cứ điều kiện kỹ thuật, năng lực nhà đầu tư) và các nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm với giá điện đề xuất này.

Theo Báo cáo đề án tổng thể phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn (Viện Năng lượng là đơn vị tư vấn), cần có chính sách rõ ràng trong việc ưu tiên sử dụng đất khi có sự xung đột giữa 2 mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên là gió và các hoạt động khác như hoạt động nông, lâm nghiệp, du lịch.

Cần ưu tiên tiến hành khảo sát đánh giá và so sánh lợi ích kinh tế giữa phát triển điện gió và hoạt động khác trong trường hợp có xung đột. Đối với việc phát triển du lịch cần có chính sách phù hợp nhằm đảm bảo khai thác tiềm năng của cả 2 lĩnh vực, để việc phát triển điện gió cộng hưởng với phát triển du lịch chứ không mâu thuẫn lẫn nhau.

Với các tiêu chí nêu trên, tỉnh công khai danh mục các dự án điện gió tỉnh Lạng Sơn tham gia đấu thầu trong các giai đoạn quy hoạch.

Cụ thể, trong giai đoạn tới 2030, sẽ có 27 dự án điện gió tham gia đấu thầu (với tổng công suất khoảng 3.600MW). Theo đó, đa phần các dự án công suất lớn (trên 100MW) đều tập trung tại khu vực các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình như điện gió Bắc Sơn (450MW), Ái Quốc (253MW), Đình Lập 2A, 2B, 2C (tổng công suất 3 nhà máy khoảng 650MW), Văn Quan 2 (200MW), Hữu Kiên (120MW)…

Đồng thời, giai đoạn sau 2030, sẽ đấu thầu 8 dự án (tổng công suất khoảng 1.130MW) gồm một số nhà máy đáng chú ý như: T&T OCG Lộc Bình (200MW), Đình Lập 3 (200MW), Lộc Bình 2 (150MW), Thăng Long 1 và 2 (200MW), Chiến Thắng (108MW).

Theo tính toán, khu vực tiềm năng (chưa có nhà đầu tư đăng ký) với tổng công suất khoảng 2.100MW sẽ được xem xét đưa vào danh mục cập nhật tiếp theo khi có thêm các thông tin chi tiết về quy mô và vị trí dụ án.

Với tiềm năng gió được đánh giá là tốt nhất khu vực Bắc Bộ, tỉnh Lạng Sơn đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư các dự án điện gió, trong đó có nhiều thương hiệu uy tín về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam như Công ty TNHH BayWa r.e Wind Project Việt Nam, Công ty TNHH GE Việt Nam, Công ty Wind Power Development A/S...

Tính đến tháng 4/2022, tỉnh Lạng Sơn đã có 33 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 4.700MW) của 16 chủ đầu tư trong nước và ngoài nước đăng ký thực hiện và được tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát. Các dự án điện gió đăng ký có quy mô lớn nhất lần lượt là Đình Lập 2 của Công ty CP Đầu tư EMI (650 MW), Bắc Sơn của Công ty Wind Power Development A/S (450 MW) và Ái Quốc của Công ty TNHH GE Việt Nam.

Bên cạnh danh mục 35 dự án (đã đăng ký, khảo sát và đề xuất tham gia đấu thầu thời gian tới), Đề án phát triển điện gió Lạng Sơn cũng sơ bộ đề xuất 26 dự án mới trên nền bản đồ tiềm năng kinh tế nhằm cụ thể hóa toàn bộ tiềm năng điện gió của tỉnh, làm cơ sở tính toán đấu nối để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển dự án.

Các dự án đề xuất mới sẽ nằm trong phần diện tích còn lại, không chồng lấn với các dự án đã đăng ký đầu tư. Các dự án sẽ có tính liền khối, không phân bố quá rời rạc tạo tính khả thi liên kết thành một nhà máy điện gió có công suất từ 50 MW trở lên để đảm bảo tính kinh tế cho dự án.

Thời gian qua ghi nhận hàng loạt tên tuổi lớn như Sovico, Trungnam Group, Hà Đô... liên tiếp đề xuất đầu tư các dự án điện gió quy mô lớn tại Lạng Sơn.

Đứng đầu về lượng dự án điện gió đề xuất khảo sát bổ sung vào quy hoạch là Công ty CP Thủy điện Sử Pán 1 (với 3 dự án gồm: điện gió Hữu Kiên tại huyện Chi Lăng (30MW, sản lượng 84 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 3/2022 tới tháng 6/2024), điện gió Hữu Lân tại huyện Lộc Bình (30MW, 84 triệu kWh/năm, 1.250 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 3/2022 tới tháng 6/2024), điện gió Chi Lăng (50MW, 2.100 tỷ đồng, từ tháng 12/2022 tới tháng 6/2025).

Trước đó, Sử Pán 1 từng đề xuất 2 dự án khác là điện gió Xuân Long tại huyện Cao Lộc (công suất 50MW, sản lượng 140 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng) và điện gió Công Sơn tại huyện Cao Lộc (25MW, 70 triệu kWh/năm, 1.100 tỷ đồng).

Tập đoàn Sovico đề xuất thực hiện dự án điện gió Hữu Kiên (tại huyện Chi Lăng) với công suất 120MW, tổng mức đầu tư 4.870 tỷ đồng, sản lượng điện hàng năm khoảng 368 triệu kWh. Dự kiến, dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại quý IV/2025.

Tương tự, là đề xuất xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát đầu tư 3 dự án điện gió của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô. Đích ngắm của doanh nghiệp gồm: điện gió Bắc Lãng tại huyện Đình Lập (diện tích khoảng 2.300ha, công suất 100MW), điện gió Lộc Bình tại huyện Lộc Bình (4.000ha, 100MW) và điện gió Bình Gia (3.700ha, 80MW).

Lạng Sơn cũng là một trong các địa bàn mà Trungnam Group dành quan tâm đầu tư năng lượng tái tạo. Theo đó, tại 2 khu vực (huyện Đình Lập, Lộc Bình và Văn Quan), tập đoàn này xin tỉnh Lạng Sơn chấp thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát tiếp cận để đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực dự án điện gió quy mô 200MW, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.