Lợi nhuận khiêm tốn của bánh kẹo Kinh Đô sau khi về tay Mondelez

Trần Anh - 14:23, 10/07/2018

TheLEADERKhoản doanh thu tài chính lên tới 348 tỷ đồng, gấp đôi so với lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh chính là bán bánh kẹo của Kinh Đô Mondelez trong năm ngoái.

Cuối năm 2014, ngành bánh kẹo Việt Nam có thay đổi lớn khi Kinh Đô – doanh nghiệp bánh kẹo quy mô lớn nhất Việt Nam quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh này cho tập đoàn Mondelēz International

Vài tháng sau, Kinh Đô đổi tên thành Kinh Đô Mondelez, trở thành công ty con của tập đoàn Mondelez. Thương vụ trị giá 9.800 tỷ đồng được thực hiện làm 2 giai đoạn. Năm 2014 Mondelez mua 80% cổ phần Kinh Đô và thâu tóm 20% còn lại trong năm 2016.

Mặc dù vậy, theo nhận định của một Công ty chứng khoán khi đó, việc Kinh Đô quyết định bán mảng bánh kẹo có thể coi là một quyết định đúng đắn. Giai đoạn 2010 - 2014, tăng trưởng bình quân của ngành đã giảm mạnh so với giai đoạn trước đó xuống còn khoảng 10%, và được dự báo sẽ tiếp giảm. Thêm vào đó, thị trường có tính cạnh tranh cao khiến việc mở rộng sản phẩm sang phân khúc thấp hơn càng thêm khó khăn.

Sau khi rời bỏ mảng bánh kẹo, Kinh Đô tập trung vào 2 mảng chính là Kido Foods chuyên thực phẩm lạnh (kem, sữa chua, bánh bao) và dầu ăn (Tường An, Vocarimex). Công ty cũng thử nghiệm với lĩnh vực mì ăn liền nhưng đã nhanh chóng rút lui vì không hiệu quả.

Với Kinh Đô Mondelez, ba năm sau ngày về tay tập đoàn nước ngoài, hoạt động kinh doanh của công ty này dường như khá giống dự báo của Kinh Đô khi kết quả tài chính không thuận lợi.

Báo cáo hoạt động của Kinh Đô Mondelez cho thấy, công ty vẫn duy trì được đà tăng trưởng khi doanh thu tăng đều đặn khoảng 10% mỗi năm, từ mức 2.700 tỷ đồng trong năm 2015 lên 3.300 tỷ đồng năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của Kinh Đô Mondelez cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành bánh kẹo trong nước. 

Nhờ thừa hưởng hệ thống phân phối rộng khắp với 300 nhà phân phối lớn và 200.000 điểm bán trên toàn quốc, sản phẩm của Kinh Đô Mondelez vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, để duy trì vị thế, Kinh Đô Mondelez cũng phải chi rất lớn cho các hoạt động liên quan tới tiếp thị, chiết khấu, hỗ trợ nhà phân phối, điều này trực tiếp đẩy chi phí bán hàng của doanh nghiệp lên rất cao.

Năm 2016, lãi gộp của Kinh Đô Mondelez đạt gần 1.000 tỷ đồng thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã lên đến 900 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thu về từ bán bánh kẹo của công ty chỉ khoảng 100 tỷ đồng. 

Sang năm 2017, hoạt động của Kinh Đô Mondelez có cải thiện hơn song chi phí vẫn ở mức cao. Công ty đạt lãi gộp 1.120 tỷ đồng nhưng chí phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chiếm đến 80% (943 tỷ đồng), lợi nhuận còn lại rất khiêm tốn.

Kinh doanh lõi không đạt hiệu suất cao, lợi nhuận của Kinh Đô Mondelez lại đến phần lớn từ các khoản thu nhập tài chính. Năm 2015 và 2016, công ty ghi nhận khoản thu nhập tài chính khoảng 100 tỷ đồng. Riêng năm 2017, khoản này thu về tới 348 tỷ đồng, gấp đôi so với lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh chính là bán bánh kẹo.

Trong 3 năm qua, Công ty luôn duy trì khoảng 500 tỷ đồng tiền mặt cuối kỳ. Đây là cơ sở của nguồn thu nhập tài chính.Tuy nhiên nguồn thu nhập này đã tăng bất thường trong năm ngoái đóng góp vào lợi nhuận chung của công ty.

Lợi nhuận khiêm tốn của bánh kẹo Kinh Đô sau khi về tay tập đoàn Pháp

Trước khi được chuyển nhượng cho Mondelez, báo cáo của Kinh Đô cho thấy lợi nhuận của tập đoàn này đạt khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2014, với đóng góp chủ yếu là mảng bánh kẹo.

Theo giới phân tích, ngành bánh kẹo luôn cạnh tranh gay gắt bởi bánh kẹo không phải là sản phẩm thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng và mức độ tiêu thụ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Vì vậy, các nhà sản xuất bánh kẹo khi muốn thâm nhập thị trường sẽ phải chịu áp lực lớn vừa đảm bảo chất lượng tốt, vừa phải đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với thị hiếu bản địa.

Ngoài ra, từ năm 2015, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu bánh kẹo về mức 0% theo thỏa thuận AFTA, kết quả là các sản phẩm của Kinh Đô Mondelez phải cạnh tranh quyết liệt hơn với các sản phẩm bánh kẹo khác đến từ các nước ASEAN.