Mở rộng lọc dầu Dung Quất: Tiền đâu để đầu tư?

Đông Hưng Thứ tư, 24/05/2023 - 10:46

Nút thắt pháp lý đã được gỡ nhưng mức vốn đầu tư 1,26 tỷ USD trong bối cảnh dòng tiền "vừa cạn kiệt, vừa đắt" như hiện nay, sẽ là bài toán rất nan giải đối với dự án nâng cấp mở rộng lọc dầu Dung Quất.

BSR cho biết nút thắt lớn nhất của dự án là cạn dòng tiền (ảnh: chinhphu.vn)

LTS: Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng các dự án dầu khí trọng điểm quốc gia vẫn chậm trễ kéo dài với nhiều vướng mắc nan giải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều vấn đề và các bên liên quan, tuy nhiên, các nút thắt chính nằm ở thủ tục, phê duyệt cơ chế, thu xếp vốn, xử lý chuyển đổi chủ đầu tư. Nếu trạng thái này tiếp tục tiếp diễn thì trọng trách "mũi nhọn của nền kinh tế" và đảm bảo an ninh năng lượng... sẽ đặt trong tình trạng đáng lo ngại.
TheLEADER khởi đăng chuyên đề "Tương lai nào cho siêu dự án dầu khí trọng điểm quốc gia?" nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh toàn cảnh phát triển các dự án dầu khí trọng điểm quốc gia thuộc trách nhiệm đầu tư, phát triển của PVN.

Bài 3: Mở rộng lọc dầu Dung Quất: Tiền đâu để đầu tư?

Những năm 2010 - 2014, thời điểm nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho thấy rõ nhất vai trò động lực phát triển đối với ngành lọc dầu và cho địa phương (đóng góp tới 90% nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi). 

Với vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước đòi hỏi bức thiết về mở rộng, nâng cấp để phát huy tối đa hiệu quả. Ý chí và kỳ vọng của Chính phủ và các bên liên quan được thể hiện qua việc chấp thuận phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng lọc dầu Dung Quất vào năm 2014, với quyết tâm đưa dự án (điều chỉnh) vận hành trước năm 2022. 

Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất được Thủ tướng và Tập đoàn dầu khí Việt Nam chấp thuận, phê duyệt hồi tháng 12/2014, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cấp chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 6/2016; do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là nhà đầu tư thực hiện. Công suất nâng từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 1,81 tỷ USD (vốn góp/vốn vay tương ứng tỷ lệ 30/70), tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2022.

Tuy nhiên, phải đến hơn 8 năm sau, dự án mới chính thức được nhận quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đầu tháng 5 vừa qua để bước vào hành trình cụ thể hóa các bước triển khai tiếp theo nhằm đạt tiến độ vào năm 2028.

Với những ai quan tâm đến dự án này, đây rõ ràng là bước ngoặt lớn của dự án nếu nhìn lại tổng thể những khó khăn mà Chính phủ, các bộ ngành lẫn địa phương phải chung tay giải quyết nhiều năm trước, về cả chính sách, quy định đòi hỏi kỹ thuật của quốc tế, định chế tài chính… như: Giải phóng mặt bằng, rào cản về quy định giá xăng dầu, áp lực ngày càng lớn về lộ trình khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh, đòi hỏi có bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay…

Nút thắt thủ tục pháp lý đã được tháo gỡ, tuy nhiên vốn đầu tư khoảng 1,26 tỷ USD vẫn là một bài toán khó giải đối với dự án này với đích hoàn thành vào năm 2028.

Theo quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 5/5/2023, dự án hướng tới mục tiêu nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu để nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V; tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy; nâng cao hiệu quả đầu tư cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Về điều chỉnh quy mô đầu tư, dự án bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi để đáp ứng công suất nhà máy 171.000 thùng/ngày, gồm: bổ sung 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới; bổ sung 2 phân xưởng công nghệ không bản quyền; hiệu chỉnh, cải hoán các phân xưởng công nghệ; cải hoán, lắp mới một số hạng mục, thiết bị hoặc cụm phân xưởng để đáp ứng công suất tăng thêm của nhà máy.

Theo quyết định, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,26 tỷ USD. Nguồn vốn (theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay: 40/60, Nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn và đem lại hiệu quả cao hơn) gồm vốn chủ sở hữu (khoảng 12.500 tỷ đồng, tương đương 503 triệu USD) và vốn vay (khoảng 18.740 tỷ đồng, tương đương 754 triệu USD).

Vốn cần phải cân đối nguồn là gần 27.300 tỷ đồng (được tính từ sơ bộ tổng mức đầu tư trừ thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện), gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 10.920 tỷ đồng, vốn vay 16.380 tỷ đồng. Thời gian triển khai hợp đồng EPC dự kiến là 37 tháng. Nhà máy dự kiến được đưa vào vận hành quý I/2028.

Khoảng 8 năm nay (từ khi được phê duyệt), dự án đã vấp phải nhiều khó khăn, trước khi được chấp thuận điều chỉnh như vừa nêu. Điển hình như: công tác tạo lập mặt bằng triển khai; quy định về giá xăng dầu tại Nghị định 95 năm 2021; Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô (việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới từ 1/1/2022 theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ xăng dầu của NMLD Dung Quất)…

Đặc biệt, là đòi hỏi có bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay phục vụ dự án (đã được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ‘kêu’ tới Chính phủ từ 6 năm trước). Thời điểm đó, vì lý do nợ công đạt trần, dự án sẽ rất khó được Chính phủ cấp chủ trương bảo lãnh cho phần vốn vay theo đề nghị của BSR. Đồng thời, các ngân hàng lớn trong nước đều đòi hỏi "phải có bảo lãnh của Chính phủ" thì mới cho vay thực hiện dự án…

Thậm chí, cơn khát vốn của dự án còn khiến tỉnh Quảng Ngãi xin Chính phủ cơ chế thuế riêng cho BSR, đó là không thực hiện thu thuế điều tiết 7% đối với BSR giai đoạn 2018-2022 (nhằm tránh ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, thu ngân sách, cũng như quá trình cổ phần hoá tại doanh nghiệp, tạo cạnh tranh bình đẳng với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngay tại thị trường nội địa).

Trở lại hiện tại, hầu hết các thông số điều chỉnh dự án (theo phê duyệt) gần như không thay đổi so với báo cáo giải trình, đề xuất trước đó của BSR gửi tới các bộ, ngành; đặc biệt là khả năng huy động vốn của BSR phục vụ dự án.

Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án điều chỉnh giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu sử dụng 66 triệu USD (khoảng 1.640 tỷ đồng) vốn chủ sở hữu để đầu tư các dự án, hạng mục khác. Theo các số liệu này, nhu cầu vốn chủ sở hữu giai đoạn 2021-2025 của nhà máy khoảng 12.560 tỷ đồng (10.920 tỷ đồng + 1.640 tỷ đồng).

Về phía nhà đầu tư, đối chiếu báo cáo tài chính năm 2022 của BSR (đã được kiểm toán), tổng nguồn vốn chủ sở hữu (không bao gồm lợi nhuận chưa phân phối) là khoảng 36.600 tỷ đồng, tài sản dài hạn là khoảng 20.016 tỷ đồng.

Với các số liệu trên, tại thời điểm 31/12/2022, BSR có khả năng huy động gần 15.600 tỷ đồng cho đầu tư dài hạn, lớn hơn nhu cầu vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án và các dự án, hạng mục khác (khoảng 12.560 tỷ đồng).

Đối với nguồn vốn vay (khoảng 16.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 660 triệu USD), Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án liệt kê danh sách 19 tổ chức tín dụng quan tâm cung cấp tín dụng để thực hiện dự án. Trong đó, ghi nhận một số tổ chức tín dụng đã thể hiện số liệu hạn mức cho vay lớn hơn nhu cầu vốn vay cho dự án điều chỉnh. 

Trước đó, BSR cho biết nút thắt lớn nhất dẫn tới tình trạng dự án “giậm chân tại chỗ” là cạn dòng tiền, bởi không có sự bảo lãnh về vốn vay của Chính phủ. Tháng 10/2022, PVN và BSR (với sự hỗ trợ của ngân hàng SMBC) đã làm việc với các ECA và ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Các tổ chức ECA gồm: SACE (Ý), KSURE, KEXIM (Hàn Quốc), JBIC (Nhật), Hermes (Đức); các ngân hàng, J.P.Morgan (Mỹ), Societe Generale (SG) – Pháp, Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW) - Đức,...

Như vậy, sau nhiều năm thai nghén, dự án mở rộng nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất đã bước sang trang mới về thủ tục pháp lý. Trước khi tính tới giai đoạn triển khai tiếp theo, siêu dự án lọc dầu này vẫn còn những câu hỏi chờ giải đáp từ thực tế, như: Vay vốn ở ngân hàng nào, vấn đề cấp bảo lãnh chính phủ ra sao, hiệu quả đầu tư, cơ chế thu điều tiết sẽ áp dụng trở lại vào thời điểm nào, những ưu đãi dành tặng lọc dầu Dung Quất có thay đổi/điều chỉnh bổ sung hay không, khi thời gian hao mòn khấu hao nhà máy chỉ còn vài năm?

Với câu chuyện vay vốn, theo BSR báo cáo và các bộ ngành thẩm định, tiềm năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng là có. Nhưng, thực tế ra sao vẫn phải chờ BSR chứng minh cụ thể, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động khó lường, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lạm phát bình quân chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Từ năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng hàng loạt ưu đãi như: thời gian khấu hao dự án là 20 năm, được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%. Ngoài ra, dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp10% trong thời gian 30 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Quyết định 952/QĐ-TTg năm 2012 (về một số cơ chế tài chính của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn) nhắc tới việc BSR được thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu từ năm 2012 đến hết năm 2018. Hiểu nôm na, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có một khoản thu tương đương với mức thuế suất thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu, 5% đối với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu khi thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng này cao hơn hoặc bằng các mức kể trên

>> Đón đọc các bài viết cùng chuyên đề - TẠI ĐÂY.

Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo tương lai phải làm chủ AI

Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo tương lai phải làm chủ AI

Diễn đàn quản trị -  11 giờ

Ông Hoàng Nam Tiến tin rằng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), nếu thế hệ sinh viên không khai phá tiềm năng sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.

Giới trẻ tặng nhau sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng

Giới trẻ tặng nhau sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng

Nhịp cầu kinh doanh -  14 giờ

Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai nước uống sữa trái cây mãng cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.

Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít từ chiều 31/10

Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít từ chiều 31/10

Tiêu điểm -  14 giờ

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm đan xen vào chiều 31/10. Tuy nhiên, so với đầu tháng 10, giá xăng hiện tại vẫn tăng khoảng 700 đồng.

Thụy Sĩ muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triền bền vững

Thụy Sĩ muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triền bền vững

Phát triển bền vững -  15 giờ

Doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hiện diện tại Việt Nam với nhiều đóng góp cho tiến trình hướng đến phát triển bền vững.

VinFast hợp tác FGF hỗ trợ khách thu cũ xe xăng, đổi ô tô điện

VinFast hợp tác FGF hỗ trợ khách thu cũ xe xăng, đổi ô tô điện

Nhịp cầu kinh doanh -  15 giờ

VinFast và đối tác FGF hợp tác triển khai chương trình “Thu cũ - Đổi mới” đặc biệt kể từ ngày 1/11/2024 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi xanh.

Sức hút của nhà ở vừa túi tiền Bình Dương

Sức hút của nhà ở vừa túi tiền Bình Dương

Bất động sản -  15 giờ

Các dự án nhà ở vừa túi tiền vùng ven TP. HCM đang cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cả người mua ở thực và nhà đầu tư.

Tín chỉ carbon chờ pháp lý

Tín chỉ carbon chờ pháp lý

Phát triển bền vững -  15 giờ

Tín chỉ carbon đang được một số đơn vị bán cho nước ngoài nhưng còn nhiều vướng mắc, cần khung pháp lý để đảm bảo thông thoáng.