MoMo muốn hóa 'đại bàng' trong lĩnh vực ví điện tử

Việt Hưng - 09:42, 26/11/2020

TheLEADERVí điện tử MoMo là startup đã vượt qua nhiều vòng gọi vốn và nhận đầu tư từ nhiều quỹ đầu tư uy tín.

Tại tọa đàm "Công nghệ Tài chính và Thanh toán tại ASEAN" trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập và Phó chủ tịch MoMo cho biết, khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường ví điện tử.

Trước dịch, Ví MoMo có 10 triệu khách hàng và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, nền tảng này tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa, ông Diệp chia sẻ.

"Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, hiện tại có 38 ví điện tử đang hoạt động trong nước. Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch.

Theo thông lệ của thị trường với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 đến 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2 đến 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới", Phó chủ tịch MoMo nói.

MoMo muốn hóa 'đại bàng' trong lĩnh vực ví điện tử
Ông Nguyễn Bá Diệp (ngồi giữa) - đồng sáng lập và Phó chủ tịch MoMo

Thực tế, việc chuyển đổi số là quá trình đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu và đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Microsoft, quá trình chuyển đổi giúp cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm tăng 1% GDP, năm 2021 mức GDP toàn cầu có thể tăng thêm tới 347 tỷ USD nhờ vào chuyển đổi số. Trên thế giới, các doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số đều phát triển thành công rực rỡ, ví dụ như Amazon, Tesla hay Alibaba.

Trong khi nhiều công ty khác trở thành "kẻ phá bĩnh" thị trường khi có thể khiến một nền công nghiệp biến mất và tạo nên một kết cấu mới hoàn toàn, tiêu chí của MoMo là tạo nên một hệ sinh thái, kết nối hàng chục nghìn đối tác và cùng nhau phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Bá Diệp khẳng định, ví MoMo ra đời với mong muốn dùng công nghiệp để thay đổi cuộc sống người Việt, cũng như đem các dịch vụ tài chính đến với người dùng một cách bình đẳng với chi phí thấp, trở thành công cụ hữu ích cho việc phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Để làm được điều này, Ví MoMo đặt mục tiêu phải tiếp cận ít nhất 50% dân số, tương ứng với 50 triệu người dùng.

Thảo luận về tầm quan trọng của chuyển đổi số khi nền kinh tế số trở thành xu hướng, đại diện MoMo cũng cho rằng, thay vì bỏ một đồng để đầu tư bây giờ, startup sẽ mất mười đồng để làm điều tương tự trong tương lai. Đầu tư đúng đắn đóng vai trò quan trọng trong tương lai phát triển của MoMo và cũng thỏa mãn các nhà đầu tư.

"Thay vì chỉ là một chú gà trống, chúng tôi muốn trở thành một "đại bàng" đầy kiêu hãnh với lãnh thổ của riêng mình. Nhà nước đang mời gọi nhiều "đại bàng" quốc tế về làm tổ, vậy tại sao chúng tôi không trở thành một "đại bàng" của Việt Nam với sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chúng tôi luôn có ước mơ trở thành Ví điện tử lớn nhất Việt Nam, là "đại bàng" của quốc gia thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt", ông Diệp nói

Vừa qua, Ví MoMo đã là ví dụ tiêu biểu về doanh nghiệp Việt Nam thành công khi vượt qua nhiều vòng gọi vốn, nhận được đầu tư từ các quỹ uy tín.

Đối với một startup, nhìn chung điều quan trọng nhất vẫn là phải làm được những gì đã đề ra và đem lại kết quả dựa trên thực lực.

Ông Diệp nói thêm: "Tại Ví MoMo, chúng tôi sở hữu một mô hình có thể mở rộng theo quy mô lớn, tiếp cận ngày càng nhiều khách hàng. Một yếu tố quan trọng nữa là đội ngũ nhân sự của chúng tôi đủ mạnh, quy tụ nhiều nhân tài để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Nếu hội đủ những yếu tố trên, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến bạn".