Mùa siêu sale kém vui

Việt Hưng - 16:40, 14/11/2022

TheLEADERDấu hiệu sa sút của Alibaba dường như đang phủ "bóng đen" lên thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước cơn bão suy thoái.

Theo công ty nghiên cứu Syntun, trong 12 giờ đầu tiên của Ngày độc thân 11/11, doanh số bán hàng của Alibaba và các công ty thương mại điện tử khác ở Trung Quốc sụt giảm khoảng 4,7% so với cùng kỳ.

Một cuộc khảo sát độc lập của Bain & Company cho thấy hơn 1/3 người mua sắm Trung Quốc trong Ngày độc thân có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm nay.

Theo Reuters, Alibaba đã lần đầu tiên không tiết lộ doanh số bán hàng cuối cùng của lễ hội mua sắm Ngày Độc thân hàng năm, kể từ khi khởi xướng sự kiện này vào năm 2009. Alibaba chỉ cho biết kết quả năm nay tương đương với năm ngoái.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng GMV trong Ngày Độc thân của Alibaba đã chậm lại. Năm ngoái, mức tăng GMV 8,5% đối với các nền tảng của Alibaba là con số thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, năm 2020, con số này đạt mức 20%.

Dấu hiệu sa sút của Alibaba dường như đang phủ "bóng đen" lên thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước cơn bão suy thoái.

Mùa săn sale kém vui
Mùa siêu sale kém vui

Theo báo cáo mới nhất về thương mại điện tử Đông Nam Á do Google và Temasek thực hiện, tổng giá trị hàng hóa trong khu vực này dự báo đạt 211 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 234 tỷ USD.

Roshan Raj, chuyên gia tại RedSeer Strategy Consultants, cho biết các startup thương mại điện tử đang phải "hợp lý hóa" các khoản giảm giá, voucher, coupon của họ để nhắm đến khả năng sinh lời trong tương lai.

Ví dụ đáng chú ý nhất là Shopee, nền tảng này đã tiến hành một loạt các đợt sa thải trong năm nay. Trong quý 2 đầu năm, Sea Group lỗ gần 1 tỷ USD và rút lại dự báo doanh thu đối với Shopee.

Nguồn tin khác từ một nền tảng thương mại điện tử lớn cũng dự đoán rằng hầu hết các nền tảng sẽ hạn chế "đốt tiền" trong tháng 11 và tháng 12 năm nay.

Theo báo cáo tài chính về 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) nắm thị phần lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo do DealStreetAsia thực hiện, mô hình sàn vài năm trở lại đây đã bắt đầu chuyển dịch xu hướng từ đốt tiền sang đẩy mạnh doanh thu.

Tại thị trường Việt Nam, việc kiếm lợi nhuận tại lĩnh vực thương mại điện tử không hề đơn giản. "Sau khi chương trình khuyến mãi cũ kết thúc và lắng xuống, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những chương trình khuyến mãi lớn tiếp theo. Mấu chốt là biến khách hàng mới, dễ kiếm thành khách hàng trung thành. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư đáng kể vào quá trình nhận diện thương hiệu, trải nghiệm người dùng, chất lượng sản phẩm và quy trình hậu cần", Vlad Savin - Giám đốc phát triển kinh doanh của Acclime Việt Nam nhận định.