Nâng cao năng suất lao động để không bỏ lỡ cơ hội cất cánh

Phạm Sơn - 15:30, 29/04/2021

TheLEADERViệt Nam dường như đang đi theo con đường phát triển giống một số quốc gia ASEAN, mất tới 40 – 60 năm để thoát khỏi mức thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu 2045 đầy tham vọng, cần có những chuyển biến mang tính đột phá.

Nâng cao năng suất lao động để không bỏ lỡ cơ hội cất cánh
Ý thức về nâng cao năng suất lao động cần được lan tỏa đến toàn xã hội. Ảnh: SGGP.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, từ một quốc gia đói nghèo và lạc hậu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, có nền kinh tế mở và năng động hàng đầu khu vực và quốc tế.

Kết thúc năm 2020 đầy biến động bởi đại dịch Covid-19 và cũng là năm được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là thành công nhất giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam tự tin bước vào thời kỳ phát triển mới, với những lợi thế rõ rệt và mục tiêu tham vọng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao là điều tương đối khó khăn, đặc biệt khi đang có dấu hiệu khó bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Bộ Công thương cho biết, các nghiên cứu đo lường quá trình vượt bẫy thu nhập trung bình chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia. Cụ thể, các nước như Hàn Quốc, Singapore chỉ mất từ 18 – 30 năm để đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.000 USD, còn hầu hết các quốc gia thuộc ASEAN thường mất từ 40 – 60 năm.

Trong quá trình vượt mốc thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc và Singapore đều đạt mức rất cao, rơi vào khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt trung bình hơn 6%, thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ tăng từ 1.000 lên khoảng 2.000 – 3.000 USD. 

Bà Thúy nhận xét, Việt Nam đang có chiều hướng lặp lại quá trình phát triển của các quốc gia ASEAN, do đó mục tiêu 2045 là rất khó để đạt được, đòi hỏi sự nỗ lực để có những chuyển biến mang tính đột phá.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), thu nhập cũng như sự thịnh vượng của người dân liên quan trực tiếp tới năng suất lao động. Tuy nhiên, năng suất lao động lại đang là điểm yếu của Việt Nam.

Cụ thể, báo cáo Năng suất Việt Nam tiến hành so sánh năng suất lao động Việt Nam với một số quốc gia thu có thu nhập trung bình ở châu Á. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia, tốc độ tăng trưởng đang dần được cải thiện, tuy nhiên còn quá chậm để theo kịp các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.

Thậm chí, ở một số ngành như xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông, năng suất lao động của Việt Nam còn kém hơn Campuchia, vốn được coi là nước nằm ở top cuối ASEAN về phát triển kinh tế.

Giám đốc VESS phân tích, có hai động lực chính cho sự tăng năng suất lao động, bao gồm hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển. Trong đó, hiệu ứng nội ngành là sự tăng năng suất cho chất lượng của các ngành kinh tế được nâng cao, còn hiệu ứng dịch chuyển để chỉ sự dịch chuyển lao động từ ngành năng suất thấp sang ngành năng suất cao, ví dụ như từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Đối với các quốc gia công nghiệp hóa và vượt bẫy thu nhập trung bình thành công, sự tăng năng suất diễn ra đồng đều ở cả hai hiệu ứng, giúp chất lượng lao động do sự chuyển dịch ngày càng được nâng cao, hiệu quả kinh tế được nâng cao đáng kể.

Trong khi đó, tăng trưởng năng suất ở Việt Nam lại diễn biến thiếu ổn định, thiếu bền vững. Theo ông Thành, đây là hiện tượng nguy hiểm bởi không có tăng trưởng nội ngành đủ nhanh để nâng cao chất lượng nhân lực do dịch chuyển sẽ dẫn tới cạn kiệt nguồn lao động. Từ đó, Việt Nam có thể “đánh mất đi cơ hội cất cánh”.

Cần một cuộc cách mạng về nâng cao năng suất lao động

Từ thực trạng đáng lo ngại về năng suất lao động, TS. Thành nhận định, Việt Nam đang thiếu một chương trình, phong trào tầm cỡ quốc gia để thay đổi tư duy năng suất. Đây là phương pháp đã được cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu áp dụng thành công, biến quốc đảo nhỏ bé và thiếu thốn nhất khu vực ASEAN trở thành con hổ châu Á.

“Ý thức nâng cao năng suất không chỉ ở nhà máy, nhà xưởng mà phải đạt được từ nhà trường, cơ quan, công sở tới toàn xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Nói về năng suất lao động, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, vấn đề năng suất là yếu tố quyết định cho năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đồng tình với kiến nghị chính sách từ ông Thành và nhóm nghiên cứu báo cáo Năng suất Việt Nam, tuy nhiên ông Vinh nhận định, phong trào về nâng cao năng suất là chưa đủ, mà cần phải có một cuộc cách mạng được tiến hành đồng loạt, từ cấp trung ương tới từng doanh nghiệp.

“Phong trào thì lúc lên lúc xuống nhưng một cuộc cách mạng sẽ đảm bảo cho năng suất tăng không ngừng, trong hoạt động sản xuất, trong cả tư duy và chính sách”, đại diện VCCI lập luận.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhấn mạnh quan điểm cho một cuộc cách mạng về nâng cao năng suất. Theo ông Lực, cuộc cách mạng sẽ đảm bảo tính lan tỏa tới từng hơi thở của nhịp sống kinh tế, để cho “cả những người hành nghề tài xế, xe ôm cũng có ý thức nâng cao năng suất lao động”.