Tài chính
Nâng cao quản trị rủi ro khi 'đầu tư trong dòng xoáy'
Trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh vai trò “cực kỳ quan trọng” của quản trị rủi ro khi đầu tư đối với chính các tổ chức đầu tư cũng như người dân khi "bơi trong dòng xoáy".
Dòng xoáy khó khăn mà các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang "bơi" chính là tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nêu ra tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023.
Ông Phương chỉ ra rằng, tại Việt Nam, không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, nội dung về quản trị rủi ro được nhấn mạnh và nhắc đến khá nhiều lần trong diễn đàn do báo Đầu tư tổ chức lần đầu tiên ngày hôm qua với chủ đề "Bơi trong dòng xoáy", đặc biệt khi các chuyên gia đều đồng quan điểm về bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động khó lường.
Ở thị trường đầu tư, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, dự báo năm 2024 của các tổ chức lớn như World Bank, IMF hay Fitch Ratings có sự khác biệt theo cả ba chiều hướng tăng trưởng, đi ngang và giảm điểm. Điều này đang cho thấy "sự lúng túng” khi cố gắng phân tích các “dòng xoáy” tác động lên các biến số vĩ mô.
Dù đang là quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam, nhưng bản thân Dragon Capital cũng đã “chủ quan” khi chưa đánh giá đúng những tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, biến động trong tỷ giá, lạm phát và lãi suất cả trong và ngoài nước trong năm vừa qua.
Được biết, kết thúc năm 2022, mức lỗ ròng tính từ đầu năm của VEIL - quỹ lớn nhất thuộc nhóm Dragon Capital - tại thị trường Việt Nam lên tới hơn 36%, lớn hơn cả mức giảm của chỉ số VNIndex.
Sang năm 2023, với nỗ lực kiểm soát và điều hành các yếu tố vĩ mô chủ động và kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, nền kinh tế và đặc biệt là thị trường tài chính Việt Nam đã có sự phục hồi khá tích cực.
Tuy nhiên, việc nhận định về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau, như phân tích của World Bank cũng như của một số bên phân tích gần đây được ông Dominic Scriven nhận định là “hơi chủ quan”, nhất là khi nhiều đầu tàu chính trên nền kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản đều có vấn đề.
Do vậy, chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh vai trò “cực kỳ quan trọng” của quản trị rủi ro khi đầu tư tài chính đối với chính các tổ chức đầu tư, khách hàng và người dân khi tham gia thị trường. Theo đó, điều quan trọng tiên quyết là nhà đầu tư cần phải đảm bảo quản trị rủi ro, tiếp đó cần đa dạng hoá danh mục và cuối cùng là đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình.
“Xét cho cùng, khi thủy triều rút mới biết ai là người bơi không mặc quần”, ông Dominic dẫn ý câu nói của Warren Buffett - một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử thế giới để nhắc lại bài học về tầm quan trọng của quản trị rủi ro đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đang nhận thấy những diễn biến trái ngược diễn ra khi thị trường chứng khoán đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp lại giảm 10% cùng với dự báo cả năm 2023 gần như không tăng trưởng.
Do vậy, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của công ty quản lý quỹ VinaCapital, đánh giá “nhà đầu tư tham gia thị trường thời điểm này sẽ có rủi ro nhất định” khi mà chỉ số P/E của thị trường chứng khoán đang ở mức 15-16 lần, tiệm cận mức trung bình của Việt Nam trong nhiều năm, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp những năm đó tăng trưởng 15 - 20%.
“Dòng tiền đang đổ nhiều vào cổ phiếu vốn hoá nhỏ và trung bình, tạo ra sự lệch lạc”, bà Phương cho hay.
Ngoài ra, bà Phương cũng cho rằng, trong từng giai đoạn thị trường, định giá của từng doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng có sự khác nhau. Do vậy, nhà đầu tư cần đánh giá dựa trên những tăng trưởng thực chất về lợi nhuận, về định giá để chọn lọc cổ phiếu. Bên cạnh đó, cần quản trị tốt rủi ro, hành động linh hoạt theo biến động của thị trường.
Chia sẻ quan điểm, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI cho rằng, bất cứ thời điểm nào cũng có cơ hội, vấn đề là chúng ta nắm bắt cơ hội đó thế nào.
Thêm nữa, “kinh tế có chu kỳ, tất cả bài học suy thoái, tăng trưởng đều lặp lại nhưng có biến số mới. Hầu hết chúng ta nhìn được chu kỳ đó, quan trọng là chớp cơ hội đầu tư thế nào”, bà Giao nói.
Hiện nay, ngoài quản lý nguồn tiền của hệ thống nội bộ PVI, công ty của bà Giao cũng đang phải lên kế hoạch đầu tư tài chính cho các tổ chức lớn khác trong hệ thống.
Theo đó, cũng giống như việc mỗi nhà đầu tư cá nhân lên kế hoạch phân bổ danh mục, quản trị lợi nhuận – rủi ro theo từng chu kỳ đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu như mua nhà, mua xe… thì ở quy mô tổ chức, công việc này yêu cầu đội ngũ lãnh đạo cần hoạch định rõ kế hoạch kết hợp chặt chẽ với quản trị rủi ro trên thị trường nhằm đảm bảo cơ cấu tài sản dài hạn mục tiêu an toàn và có định hướng, đặc biệt trong xu hướng thị trường biến động.
Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều biến động khó đoán định, cơ hội vẫn luôn hiện hữu nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Mỗi nhà đầu tư hay bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp cần tự chủ động chuẩn bị cho mình những kế hoạch phù hợp, linh hoạt, qua đó nắm bắt được xu hướng phục hồi nhưng vẫn đảm bảo rủi ro luôn trong tầm kiểm soát kiểm soát.
Quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh mới
Viết tiếp giấc mơ công nghiệp hoá
Đã hơn ba thập kỷ trôi qua kể từ khi Việt Nam khởi động quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, giấc mơ lớn ấy vẫn còn dang dở và hy vọng để hiện thực hóa giấc mơ đó đang đặt vào những doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Phía sau ánh hào quang
Đầu tư bất động sản thật sự là con đường trải hoa hồng, hay là một cuộc đua đầy cạm bẫy mà chỉ những người kiên cường nhất mới có thể trụ lại?
Khai doanh trí, chấn doanh khí cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nền văn hóa kinh thương Việt Nam 2045 được cấu thành bởi một thế hệ doanh nhân mới với doanh trí mới và doanh khí mới, và một nền quản trị mới với khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu.
Dịch vụ là văn hoá
Dịch vụ không chỉ gói gọn trong công nghệ hay bí mật thương mại, mà cốt lõi chính là văn hóa con người.
Nắm lấy những cơ hội chuyển mình
Trong suốt 28 năm qua, ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đã luôn nắm bắt những cơ hội thay đổi, chuyển mình để trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp tiên phong và thành công nhất Việt Nam.
Cách những thương hiệu tỷ đô gia tăng giá trị
Những câu chuyện giàu cảm xúc, có tính lan toả giúp người tiêu dùng hiểu được bối cảnh và tham vọng sẽ giúp doanh nghiệp định vị, gia tăng giá trị thương hiệu.
Vun vén nguồn nhân lực cho nền kinh tế số
Nhân lực được xem là bài toán cấp bách trong tiến trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.