Nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Phương Anh - 15:43, 28/11/2023

TheLEADERLãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Tăng cường liên kết kinh tế hai nước

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Về kinh tế, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế.

Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Hai bên cũng chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật Bản; khẳng định sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó, nghiên cứu khả năng thiết lập nhóm công tác điều phối giữa hai Chính phủ tại Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn này.

Theo kỳ vọng, giá trị vốn vay bằng đồng Yên theo năm tài khóa của Nhật Bản có thể lần đầu tiên vượt 100 tỷ Yên kể từ năm 2017.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản, bao gồm cả các dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, thông qua một cơ chế hợp tác.

Cùng với đó, lãnh đạo hai nước chia sẻ ý định thúc đẩy và triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản trong khuôn khổ Hiến chương ODA mới, bao gồm sáng kiến “Đồng sáng tạo vì mục tiêu chung” trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế.

Nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Nhật Bản khẳng định mong muốn tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên.

Nhật Bản bày tỏ ý định triển khai các biện pháp góp phần vào tiến trình đa dạng hóa và nâng cấp cuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hợp tác nông nghiệp chất lượng cao thông qua thu hút đầu tư, công nghệ và chuyển giao tri thức, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tham vấn chuyên gia liên chính phủ về kiểm dịch động thực vật để mở cửa thị trường đối với quả bưởi của Việt Nam và quả nho của Nhật Bản trong thời gian sớm, sau đó sẽ tham vấn về mở cửa thị trường đối với quả chanh leo của Việt Nam và quả đào của Nhật Bản.

Không chỉ vậy, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt và công nghiệp phụ trợ.

Hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực lưới điện thông minh, thành phố thông minh, phát triển thị trường điện, nội địa hóa ngành năng lượng.

Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện khí hóa lỏng tại Việt Nam.

Các vấn đề khu vực và quốc tế

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và các nguyên tắc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác và đạt được hòa bình, ổn định, và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; nhất trí phối hợp cùng nhau nâng cao hiệu quả và vai trò của hợp tác Mekong – Nhật Bản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vữngở khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép và làm gia tăng căng thẳng.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên biển Đông, tự kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời, tái khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện nhất về biển.