Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30%

Trần Anh - 17:21, 11/04/2019

TheLEADERMột dự thảo đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến cho biết, cơ quan này muốn giảm tiếp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% vào năm 2020

Bản dự thảo cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN về tỷ lệ này và số liệu kinh tế vĩ mô, diễn biến tình hình kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ trương về phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2025, NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quy định này nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. 

Cụ thể, NHNN đưa ra 2 phương án điều chỉnh như sau: Phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%. Từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.

Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34%, từ 1/7/2020 giảm xuống 30% từ 1/7/2020.

Thuyết minh về đề xuất, Ban soạn thảo cho rằng trong thực tiễn hoạt động, một số ngân hàng, chinhánh ngân hàng nước ngoài chưa có sự quản lý tốt giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến kýquá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiệnkhông đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn. Các ngân hàng này khi đó gặp khókhăn về nguồn vốn, phải đi vay TCTD khác trên thị trường liên ngân hàng, làmgia tăng lãi suất cho vay, huy động,… ảnh hưởng đến việc thực thi chính sáchtiền tệ của Nhà nước. 

Theo quy định hiện tại, từ ngày 1/1/ 2019, tỷ lệ này ở các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40% và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%. 

Căn cứ số liệu thống kê của NHNN, dự thảo cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như: Phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...