Ngân hàng nông thôn ra thành thị: Hành trình 10 năm và cái kết buồn

Minh An - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhiều thương hiệu đã xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng trong 10 năm qua trên thị trường ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng nông thôn ra thành thị: Hành trình 10 năm và cái kết buồn

Một nền kinh tế muốn phát triển luôn cần có hệ thống ngân hàng khỏe mạnh song hành. Nhưng vào thời điểm năm 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam bộc lộ quá nhiều điểm yếu. Huy động và cho vay đều giảm, tình hình thanh khoản căng thẳng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao và đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo ở mức báo động.

Nguyên nhân của những vấn đề này được các chuyên gia nhận định là do kết quả chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng nhiều năm trước đó; sự mất cân đối giữa huy động và cho vay; và đặc biệt là chính sách biến các ngân hàng thương mại nông thôn thành ngân hàng thương mại đô thị.

Điều này dẫn đến một giai đoạn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng kéo dài 4 năm qua. Hàng loạt các vụ sáp nhập và hợp nhất cả ép buộc và tự nguyên đã diễn ra. Kết quả là nhiều ngân hàng đã bị xóa tên, trong đó phần lớn là những thương hiệu chưa tròn 10 năm xuất hiện trên thị trường.

Vội vã ra “phố”

Đúng 10 năm trước, một nghị định về danh mục vốn pháp định của các tổ chức tín dụng được ban hành đã khiến việc thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trở nên khó khăn. Nhiều tập đoàn kinh tế đã nhanh chóng mua lại các ngân hàng nông thôn rồi xin chuyển đổi thành ngân hàng TMCP (đô thị). Lựa chọn này diễn ra đúng giai đoạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đề án tái cơ cấu các ngân hàng nông thôn, vì vậy nó càng diễn mau lẹ.

Riêng trong hai năm 2006 và 2007 có 9 ngân hàng đã được hình thành theo cách này và khiến ngành ngân hàng trở nên vô cùng sôi động sau gần một thập kỳ không có ngân hàng mới được cấp phép.

Đây cũng là thời điểm xuất hiện của nhiều cái tên ngân hàng mới sau khi được các ông chủ mới chuyển trụ sở về các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Sớm nhất là ngân hàng An Bình (2005), sau đó đến một loạt ngân hàng khác như SHB, Kien Long Bank, GPBank và Navibank (2006) rồi đến TrustBank,OceanBank, DaiA Bank, PGBank, Westernbank (2007).

Tuy nhiên, các ngân hàng này đã phải đối mặt với những thử thách lớn ngay sau đó. Từ chỗ vốn điều lệ chỉ có vài chục đến vài trăm tỷ đồng, các ngân hàng thương mại phải tăng vốn lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011 theo quy định của NHNN.

Áp lực phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10 – 20 lần trong vòng 5 năm đã khiến các cổ đông phải vay mượn và đầu tư chồng chéo qua lại giữa các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan. Đây chính là nguồn cơn của tình trạng nợ xấu tăng cao tại các ngân hàng sau này.

Cùng với việc tăng vốn, các ngân hàng cũng phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tài sản. Thế nhưng, do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản dẫn đến chất lượng tín dụng kém.

Nghiêm trọng hơn, các tập đoàn, cả nhà nước lẫn tư nhân là cổ đông lớn có thể biến các ngân hàng thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình. Khi đó, dưới sức ép vô hình từ các cổ đông, các ngân hàng thương mại đã thiếu cẩn trọng trong thẩm định vốn cho vay.

Cuối cùng các ngân hàng vẫn tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng đúng thời hạn quy định. Nhưng các cổ đông của những ngân hàng này không vui vì những điều tồi tệ nhất bắt đầu diễn ra ngay sau đó.

Những cuộc sáp nhập và hợp nhất bề nổi

Vào tháng 3/2012, Đề án tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng chính thức được ban hành nhưng trước đó, NHNN đã bắt tay vào tái cơ cấu. Ba ngân hàng đầu tiên là SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất được hợp nhất một cách nhanh chóng thành SCB vào tháng 12/2011.

Sáu ngân hàng còn lại nằm trong diện phải tái cơ cấu là Habubank, TienPhong Bank, Navibank, Westernbank, TrustBank và GPBank. Trong đó, 4 ngân hàng sau là các ngân hàng mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn.

Hai ngân hàng Navibank và Westernbank nằm dưới sự kiểm soát của gia đình ông Đặng Thành Tâm. Nhiều công ty trong hệ thống kinh doanh của ông Tâm vay nợ hai ngân hàng này, trong khi một số công ty cũng nắm giữ cổ phần các ngân hàng.

Để thực hiện đề án tái cơ câu, số cổ phần của ông Tâm ở Westernbank được bán cho các cổ đông mới lấy tiền cấn trừ nợ cho các công ty liên quan với ông. Ngân hàng này sau đó được hợp nhất với Công ty Tài chính Dầu khí (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), ngân hàng mới được lấy tên PVCombank từ tháng 9/2013.

Tương tự, ông Tâm phải nhường quyền kiểm soát Navibank cho một nhóm cổ đông khác là tập đoàn Gami (kinh doanh bất động sản và mua bán xe ôtô). Nhóm cổ đông này sau đó đổi tên ngân hàng thành Ngân hàng Quốc Dân (NCB) vào tháng 1/2014.

TrustBank cũng được cơ cấu lại bằng sự tham gia của nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh (kinh doanh bất động sản và xây dựng). Đầu năm 2013, hơn 80% cổ phần của ngân hàng này được chuyển nhượng cho nhóm cổ đông mới, gồm Thiên Thanh. Sau đó ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB).

Tuy nhiên sau đó, nhóm cổ đông mới đã gây ra hàng loạt sai phạm ở ngân hàng này, dẫn đến việc nhiều lãnh đạo bị bắt vào tháng 7/2014. Đến tháng 3/2015, ngân hàng này được NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Một thành viên Xây Dựng Việt Nam (CB).

GPBank cũng được NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào tháng 7/2015 và đổi tên thành Ngân hàng Một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank), với logo khác hoàn toàn trước đây. Nhiều lãnh đạo cũ của ngân hàng này cũng bị bắt và khởi tố bị can vào ngày 17/7/2015.

Còn hai ngân hàng khác cũng được chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị và đã bị xóa tên là Đại Á và Mekong Development Bank (MDB). Các ngân hàng này không thuộc diện tái cơ cấu và đều tự sáp nhập với những ngân hàng lớn hơn. Đại Á sáp nhập vào HDBank tháng 12/2013, MDB sáp nhập với Maritime Bank vào tháng 8/2015.

Như vậy trong số 12 ngân hàng được hóa kiếp từ nông thôn ra thành thị, 3 cái tên đã bị xóa hoàn toàn, 3 ngân hàng khác bị thay đổi nhận diện, 1 ngần hàng (PGBank) chuẩn bị sáp nhập vào Vietinbank có thể cũng bị thay đổi nhận diện, 5 ngân hàng còn giữ nguyên là VietABank, ABBank, SHB, KienLongBank và Oceanbank. Trong đó Oceanbank là ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng vào tháng 5/2015.

Lời kết

Không chỉ các ngân hàng nông thôn chuyển mình bất thành, trong giai đoạn tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt Nam, nhiều cái tên khác cũng đã biến mất như Habubank, MHB, TinNghiaBank, FirstBank.

Có thể nói, hàng loạt các ngân hàng “mới ra đời” một cách dễ dàng và ngay sau đó là sức ép “tăng trưởng nóng” đã khiến các ngân hàng vừa yếu về năng lực quản trị điều hành vừa thiếu nguồn lực tài chính rơi vào khủng hoảng.

Kết quả là số ngân hàng thương mại đã giảm mạnh xuống sau các vụ sáp nhập và hợp nhất giữa các ngân hàng nhưng chưa có ngân hàng nào phải tuyên bố phá sản. Điều này giúp cho các ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng về quy mô, cộng hưởng về sức mạnh. Nhưng quan trọng hơn là khả năng phát huy hiệu quả hoạt động các ngân hàng này.