Ngân hàng Việt chạy đua về công nghệ giao dịch

Trần Anh - 10:07, 16/12/2019

TheLEADERSố hóa từ lâu đã là lựa chọn tất yếu của các ngân hàng để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.

Ngân hàng Việt chạy đua về công nghệ giao dịch
Nam A Bank là ngân hàng tiên phong ứng dụng Robot và trí tuệ nhân tạo vào giao dịch.

Mới đây, Nam A Bank vừa ra mắt không gian giao dịch số, trong đó có trang bị các thiết bị công nghệ như tablet, màn hình cảm ứng và thậm chí cả Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA.

Hệ sinh thái này được hợp kênh ứng dụng trên nền tảng Open Banking của Nam A Bank nhằm giúp khách hàng có thể tối ưu hóa mọi giao dịch. Các hoạt động từ rút tiền, in/xem sổ phụ tài khoản…, thậm chí là phát hành thẻ và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy VTM OPBA mà không cần đến ngân hàng.

Nam A Bank cho biết, với những cử động đã được lập trình tự động hóa, Robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi hỗ trợ khách hàng. 

Ngân hàng số (Digital Banking) được hiểu đơn giản là việc ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng. Đây từ lâu đã là lựa chọn tất yếu của các ngân hàng để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.

Không chỉ riêng Nam A Bank, các ngân hàng Việt Nam hiện đều đang theo đuổi một chiến lược số hóa của riêng mình.

Tiêu biểu có thể kể đến TPBank, gần 3 năm trước, ngân hàng này đã triển khai hệ thống Livebank, đưa ngân hàng tự động phục vụ các giao dịch giống như một chi nhánh truyền thống 24/7, bất kể ngày nghỉ hay lễ Tết đầu tiên tại Việt Nam.

Thông qua Livebank, khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản, nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, xác thực khách hàng điện tử (eKYC)… giúp giảm thiểu nhân sự và thời gian giao dịch. Ngoài ra, TPBank này cũng ứng dụng công nghệ sinh trắc học để nhận diện giọng nói khách hàng, giúp tăng cường bảo mật.

Ngân hàng Việt trong cuộc đua công nghệ
TPBank đưa Livebank vào phục vụ khách hàng từ 3 năm trước

Vietcombank, ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này khi triển khai không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn với tư vấn PwC.

Ngoài các tính năng ngân hàng truyền thống như chuyển tiền, thanh toán online, nạp tiền điện thoại, hệ sinh thái điện tử Vietcombank còn có thêm những tiện ích chuyên biệt như: Trích nợ tự động (Auto Debit), đặt vé tàu, vé xe, thanh toán qua mã QR, tiết kiệm tự động,… chỉ với vài thao tác nhanh chóng trên chiếc điện thoại.

Các ngân hàng khác cũng triển khai nhiều sản phẩm ngân hàng số như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát triển Ví Việt; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MB xây dựng và đưa vào hoạt động chatbot phục vụ khách hàng 24/7 trên mạng xã hội, VPBank triển khai ứng dụng ngân hàng số TIMO và ứng dụng YOLO, OCB giới thiệu nền tảng hợp kênh (Omni - channel).

Bên cạnh các ngân hàng trong nước, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam cũng tích cực cung cấp các giải pháp công nghệ cao hỗ trợ khác hàng. Hồi giữa năm, UOB tung ra ứng dụng UOB Mighty giúp người dùng mở tài khoản với tuyên bố tiết kiệm đến 80% thời gian để mở tài khoản so với cách thông thường. Gần đây, CIMB cũng cho ra ứng dụng OCTO với các tính năng như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý thẻ, thanh toán hóa đơn.

Cùng với việc giúp người tiêu dùng nhanh chóng, tiện lợi hơn, công nghệ số mang lại những lợi ích rất rõ ràng cho hệ thống ngân hàng. Thứ nhất đó là việc ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ cũng nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Và thứ hai, công nghệ giúp ngân hàng “tăng năng suất đáng kể” trong một số lĩnh vực kinh doanh, từ đó có thể cắt giảm một lượng lớn nhân sự.

Công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ thời gian qua và cả trong tương lai, song cũng sẽ gây ra sự sụt giảm lực lượng lao động một cách mạnh mẽ.

Trong năm 2019, ngân hàng Deutsche Bank cho biết đã triển khai các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế hàng ngàn vị trí và dự kiến cắt giảm thêm 18.000 nhân viên vào năm 2022. Ngân hàng của Đức cho biết công nghệ giúp giảm chi phí, trong khi cải thiện môi trường kiểm soát và trải nghiệm khách hàng của mình.

Tại Việt Nam, những ngân hàng được tích hợp công nghệ mạnh mẽ cũng cho thấy xu hướng tương tự. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2019 của VPBank cho biết, ngân hàng đã cắt giảm hơn 2.300 nhân nhằm tinh gọn bộ máy đã phình to. Số nhân viên làm việc cho ngân hàng mẹ VPBank giảm từ 11.466 người vào đầu năm, xuống 9.144 người.

Hay tại OCB, số lượng nhân sự tính đến cuối quý 3 còn 6.157 người, giảm 1.251 người so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, ởdù cắt giảm nhân sự và tinh gọn bộ máy, kết quả kinh doanh của cả VPBank và OCB đều được cải thiện đáng kể.

Một báo cáo của Wells Fargo (Mỹ) từng dự báo, có 200.000 nhân viên ngân hàng sẽ mất việc vì robot trong thập kỷ tới. Trong đó, khối hỗ trợ (back-office), chi nhánh ngân hàng, tổng đài và nhân viên khối khách hàng doanh nghiệp có thể bị cắt giảm 20-30% lao động.

Mặc dù vậy, số hóa vẫn là xu hướng không thể bỏ qua của ngành ngân hàng. Đây cũng là chính sách được Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy trong các năm qua.

Hiện tại, NHNN đang triển khai nhiều đề án liên quan tới công nghệ như xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P), đề án thử nghiệm với hoạt động Fintech và đề án thí điểm Mobile Money. Thời gian tới, NHNN cũng sẽ là cơ quan xây dựng cơ chế sandbox - khung pháp lý thử nghiệm tại Việt Nam.