Ngành y tế bộc lộ 8 ‘điểm yếu’ sau Covid-19

Nhật Hạ - 17:21, 23/02/2023

TheLEADERNhững bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công; năng lực hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng còn nhiều hạn chế; kiểm định trang thiết bị chưa được chú trọng; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế… đang là một trong những điểm ‘nhức nhối’ của ngành y tế hiện nay.

Thời gian vừa rồi, ngành y tế thực sự chưa có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, các bác sĩ, thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước luôn là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ cũng phải xa gia đình, người thân để luôn bên cạnh điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Khi dịch được kiểm soát, ngành y tế tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, cơ chế tài chính… khiến tình trạng thiếu thuốc, máy móc, trang thiết bị y tế diễn ra ở nhiều nơi.

Đây là một trong những tình trạng của ngành y tế được nhắc đến trong tọa đàm “Ngành y vượt khó” trên cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 23/2.

Ngành y tế bộc lộ 8 ‘điểm yếu’ sau Covid-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Quang Thương

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định ngành y tế trong nước đang gặp không ít những khó khăn, thách thức. Vấn đề vướng mắc về thể chế, đấu thầu chỉ là một phần trong số đó.

Tám ‘điểm yếu’ mà ngành đang đối mặt hiện nay đã được Bộ trưởng Tuyên thẳng thắn chỉ ra.

Thứ nhất, trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn xuất hiện những biến chủng mới, có nguy cơ diễn biến phức tạp và khó khăn hơn.

Còn trong nước, cùng với dịch Covid-19, xuất hiện các dịch như sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… mà chưa rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, hệ thống y tế còn tồn tại hạn chế chưa giải quyết được quyết liệt ở giai đoạn trước và đã nảy sinh thêm những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là sau Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Thứ hai, hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công. Và có nhiều nội dung cũng chưa thể hiện hết được quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20, 21 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Thứ ba, năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Và khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó dự đoán, xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là tỉ lệ tiêm chủng ở một số địa phương, một số khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn cũng chưa đảm bảo theo quy định.

Tình trạng quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng với quy định trên môi trường mạng còn diễn biến phức tạp.

Thứ tư, chất lượng công tác điều hành phục vụ người bệnh tại một số cơ sở vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là với các bệnh viện tuyến cuối, các bệnh viện tuyến trung ương.

Đáng chú ý nữa, các dịch vụ y tế ở các tuyến dưới chưa được nâng lên, trong khi thói quen và tâm lý của người bệnh lúc nào cũng muốn được điều trị tuyến cao hơn. Từ đó gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Cùng với đó là tình trạng chênh lệch chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng ở các vùng… chưa được cải thiện rõ rệt và Việt Nam cũng chưa phát huy được hết lợi thế của lĩnh vực y học cổ truyền.

Thứ năm, về công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thì hiện nay việc sản xuất trong nước mới dừng ở mức trang thiết bị thông dụng và hàm lượng công nghệ còn thấp.

Việc kiểm định trang thiết bị còn chưa được chú trọng đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải ở các cơ ở tuyến tỉnh do đầu tư từ lâu nên hiện nay đã quá tải, xuống cấp nên kết quả xử lý nước thải đầu ra cũng chưa đảm bảo được yêu cầu.

Thứ sáu, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để.

Và ngành y tế đang phải đề nghị với Quốc hội để có giải pháp giải quyết trước mắt cũng như định hướng lâu dài để giải quyết nội dung này.

Thứ bảy, quản lý đào tạo chất lượng và nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm.

Cuối cùng là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách nhà nước chi cho y tế, bảo hiểm y tế có tăng nhưng tổng chi bình quân cho đầu người vẫn còn thấp.

Theo thống kê, tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho công tác khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 43% tổng chi y tế. Thêm nữa, đầu tư bền vững cho các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn. Do vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế này vẫn chưa bền vững và phương thức chi trả cho công tác khám, chữa bệnh tiến tới tính đúng, tính đủ và để hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ sở cũng chậm được điều chỉnh và chưa đầy đủ.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để đảm bảo cho hoàn thiện cơ sở vật chất y tế, phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân cũng còn hạn chế.