Nhà đầu tư nước ngoài kiên định niềm tin

Kiều mai - 09:57, 06/02/2022

TheLEADERBất chấp những ảnh hưởng từ Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bám trụ và đổ thêm vốn vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài kiên định niềm tin
Nhiều nhà đầu tư vẫn cho thấy sự kỳ vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng trong trung và dài hạn.

Từ vị thế lung lay vì Covid-19…

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư với những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

“Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany từng cảnh báo. Quả thực, đã có một số doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chuyển một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang nước khác, trong khi số khác đang cân nhắc.

Trên thực tế, sự bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ tư vào thời điểm tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam còn thấp, đi cùng với biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp FDI “đứng ngồi không yên”.

Cuối tháng 9, Nike đã cắt giảm triển vọng doanh thu cả năm 2021 do các vấn đề của chuỗi cung ứng. 75% sản phẩm giày dép của Nike sản xuất tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm tới hơn nửa. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã buộc thương hiệu này phải đóng cửa nhiều nhà máy, dẫn tới thiếu hụt sản lượng đáng kể.

Apple, Google cũng tạm dừng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do những lo ngại vì đợt dịch thứ tư. Theo đó, sản phẩm Pixel 6 của Google được sản xuất tại Trung Quốc, thay vì tại miền Bắc Việt Nam như kế hoạch hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, Apple cũng thay đổi dự định sản xuất tai nghe AirPods khi sản phẩm này vẫn sẽ xuất xưởng từ nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Phân tích từ công ty nghiên cứu BTIG cho thấy, đợt bùng phát vào hồi tháng 7/2021 buộc nhiều công ty bán lẻ có độ phụ thuộc lớn vào sản xuất tại Việt Nam rơi vào khó khăn, như Deckers Outdoor – công ty mẹ của Ugg and Hoka; Capri Holdings – công ty mẹ của Michael Kors; Tapestry – công ty mẹ của Coach; Columbia Sportwear; Under Armour và Lululemon.

Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, cho biết, dịch Covid-19 đã gây ra những biến động chưa từng có với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tại nhà máy Bosch Đồng Nai, một trong những nhà máy sản xuất dây curoa hộp số biến thiên liên tục lớn nhất trên toàn cầu, doanh nghiệp đã phải vượt qua nhiều khó khăn trên nhiều phương diện để có thể duy trì mô hình “3 tại chỗ”.

Nhiều doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất nhưng phải chịu thêm nhiều chi phí để đảm bảo vấn đề phòng chống dịch. Đại diện EuroCham nhận định, dù đúng về mặt nguyên tắc, chính sách “3 tại chỗ” trên thực tế lại đặt ra gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động.

Ông Jonathan Moreno, Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam từng cho biết, doanh nghiệp phải chi hơn gấp đôi số tiền để sản xuất ra 50% sản lượng. Nhiều công ty khác thậm chí còn không thể sản xuất, mà chỉ làm việc để đảm bảo tinh thần nhân viên khi phải ở lại công ty 24/24.

… đến niềm tin “kiên định” của nhà đầu tư

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thắt chặt các điều kiện kinh doanh khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà đầu tư vẫn cho thấy sự kỳ vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng trong trung và dài hạn.

Đầu tháng 12/2021, Tập đoàn Lego đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với VSIP để xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ sáu của Lego trên thế giới và thứ hai tại châu Á, cũng là dự án với số vốn đầu tư lớn nhất của một doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam.

Trong tháng cuối năm, Việt Nam cũng đón thêm dự án lớn khác là nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn của Công ty Amkor Technology – một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD, trong đó, giai đoạn đầu là 520 triệu USD, dự kiến khởi công vào quý I/2022.

Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam cho biết, trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thông qua tăng gấp đôi công suất của trung tâm phần mềm, thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, cùng với mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai. Kế hoạch này nằm trong tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu.

“Nhìn về phía trước, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 sẽ không dễ dàng, cũng không ngắn hay đã kết thúc. Tuy nhiên, Bosch Việt Nam vẫn cam kết với các hoạt động đầu tư và kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Chia sẻ chung tầm nhìn, ông Lionel Adenot, Giám đốc quốc gia của Decathlon Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang và sẽ vẫn là một quốc gia sản xuất quan trọng. Các kế hoạch kinh doanh và phân bổ sản lượng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh doanh tại Việt Nam sẽ khởi động lại mạnh mẽ vào năm 2022, và dự kiến tăng tốc trong những năm tới.

Vị này tiết lộ Decathlon tham vọng trở thành thương hiệu thể thao yêu thích của người Việt Nam, giống như những gì doanh nghiệp này đã làm được ở Pháp và các nước châu Âu. Điều này đồng nghĩa Decathlon sẽ mở thêm các cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội trong thời gian tới, và dài hơi hơn, có thể tại các thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, hay Cần Thơ.

Trong buổi gặp mặt nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 11, Chủ tịch Tập đoàn AEON Motoya Okada cho biết, trong thời gian tới, AEON dự kiến tăng gấp đôi số trung tâm thương mại tại Việt Nam, cùng với thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, may mặc, sang Nhật Bản.

Theo đại diện AEON, tập đoàn đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi đây là thị trường quan trọng không kém thị trường chính.

Không chỉ AEON, nhiều đại diện các tập đoàn lớn khác của Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn, dự định gia tăng đầu tư, mở rộng kinh doanh, gia nhập thị trường Đông Nam Á nhiều tiềm năng này.

Khảo sát cuối tháng 11/2021 của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) chỉ ra rằng, có tới gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực, hoặc tích cực về triển vọng trung – dài hạn ở Việt Nam.

Trong khi đó, gần một nửa lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc EuroCham dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới, tăng đáng kể so với mức chưa đầy 1/5 (19%) được ghi nhận trong quý II, cho thấy sự lạc quan đã quay trở lại.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh trở lại, hay thiếu hụt lao động, Việt Nam khó tránh khỏi những biến động trong ngắn hạn. Dù vậy, ông lạc quan, tin tưởng vào triển vọng tích cực của nền kinh tế này trong trung và dài hạn.

“Lý do tôi duy trì góc nhìn tích cực đối với các điều kiện cơ bản của Việt Nam chính là lợi thế cạnh tranh trong hiệu quả chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng được cải thiện, chính trịổn định, một loạt hiệp định tự do thương mại và các cụm công nghiệp có sẵn với hạ tầng hoàn thiện”, ông khẳng định.