Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Quỳnh Như - 14:59, 15/10/2018

TheLEADERNhật Bản, Hàn Quốc đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt về công nghiệp hỗ trợ, sớm đủ khả năng trở thành nhà cung cấp chất lượng cho các doanh nghiệp Nhật, Hàn đang kinh doanh tại Việt Nam.

Tỷ lệ cung ứng của doanh nghiệp nội địa dưới mức tiêu chuẩn

Mặc dù trong 30 năm vừa qua, Việt Nam đã nhận một lượng vốn đầu tư rất lớn từ nước ngoài cũng như sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới, song ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn khá yếu, khiến chúng ta không thể chen chân được vào chuỗi cung ứng khu vực cũng như thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Jetro tổ chức cuối tuần qua, ông Ippei Idei – Chuyên gia nghiên cứu của Văn phòng Jetro TP. HCM cho biết, một cuộc khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản ở 5 nước Đông Nam Á và Trung Quốc gần đây cho thấy: chỉ tính riêng ngành sản xuất, năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực, còn nếu chỉ tính tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa thì chỉ còn 13,1% và đang ở mức dưới tiêu chuẩn.

Trong khi đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa của Thái Lan năm 2017 là 23,7%, Indonesia 20,2%, Malaysia 18,8%, Philippines 14,5%, Trung Quốc lên tới 40%.

Công ty Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng
Các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trao đổi kết nối tại Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2018

Cũng theo điều tra trên, có tới 79% doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn "có thể tăng tỷ lệ cung ứng nội địa", lý do phổ biến nhất cho mong ước đó là để "giảm chi phí" (tỷ lệ chọn là 84%) và các doanh nghiệp Nhật vẫn nghĩ nhà cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng tỷ lệ cung ứng nội địa là doanh nghiệp địa phương (76,8%) hơn là doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản (68,2%).

Kết quả phỏng vấn các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến quá trình hợp tác giữa nhiều doanh nghiệp 2 nước chưa có hiệu quả: thời hạn giao hàng và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, không có nhân lực có khả năng tiếp nhận hướng dẫn nâng cao hiệu quả sản xuất dù sở hữu máy móc tối tân, ít doanh nghiệp cung ứng nội địa có thể đáp ứng công việc trong khoảng thời gian dài, muốn ký hợp đồng ngay lập tức…

Trước thực trạng đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam cũng như hỗ trợ các DNVVN trong ngành công nghiệp phụ trợ, nhiều tổ chức của Nhật Bản, Hàn Quốc - hai nước có ngành công nghiệp phụ trợ mạnh - đã có những kế hoạch dài hạn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Những ngày trung tuần tháng 10 này, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cùng với Trung tâm Xúc tiến và đầu tư thương mại TP. HCM (ITPC), Trung tâm hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ TP. HCM (CSID) đang tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2018. Song song đó, Jetro cũng tổ chức nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm hợp tác cũng như kết nối cho doanh nghiệp giữa 2 nước trong suốt triển lãm.

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang triển khai một dự án thí điểm giúp nâng cao năng lực của các DNVVN Việt Nam, dự án đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên và chuyển sang triển khai giai đoạn 2.

Ngoài lập danh sách 158 nhà cung ứng Việt Nam để cung cấp cho doanh nghiệp Nhật, JICA còn đứng ra tổ chức thí điểm dự án hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ.

JICA chọn 5 DNVVN ở Hà Nội và 5 tại TP. HCM, sau đó mang các doanh nghiệp này ra ‘mổ xẻ’ để xem họ cần hỗ trợ ở những chi tiết nào để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. JICA sẽ không cung cấp vốn hay máy móc sản xuất mà họ chỉ tư vấn – phân loại và đặt ra các KPI cho doanh nghiệp tự thực hiện. Họ sẽ tư vấn trong 4 mục: quản lý sản xuất, bán hàng và tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý tài chính.

Dự án chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ tháng 11/2017 đến 5/2018 đã kết thúc và JICA vẫn đang tuyển ứng viên cho giai đoạn 2: từ tháng 10/2018 đến 4/2019.

Tiêu chí lựa chọn ứng viên cho dự án thí điểm là các DNVVN thuộc ngành công nghiệp phụ trợ về ô tô và điện/điện tử, có thành tích trong hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thể nhận ra các vấn đề quản lý kinh doanh và nhiệt tình giải quyết vấn đề, quan tâm đến sử dụng dữ liệu tài chính để giải quyết các vấn đề kinh doanh….

“Sau giai đoạn đầu, mặc dù dự án đang mang lại nhiều tác động tích cực cho các DNVVN tham gia, song vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện trong giai đoạn hai. Các nhân viên vẫn chưa có thói quen thực hiện việc đánh giá hàng ngày, phương cách quản lý hàng tồn kho vẫn chưa tốt, tỷ lệ nhân sự ở lại đã tăng từ 20% lên 40% nhưng vẫn cần cải thiện thêm, chưa có cách nâng cao tinh thần cũng như tối ưu hoá tiền lương cho công nhân, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo tài chính và quản trị nội bộ, mặc dù đã có chi phí sản xuất cùng giá vốn song các doanh nghiệp vẫn chưa trình bày thành file dữ liệu mà mọi người có thể thấy được”, ông Ide Takamamichi, một trong 2 người phụ trách dự án, nhận định.

Những điều lưu ý khi làm việc với các đối tác Nhật Bản

Công ty CNS AMURA Precision được thành lập năm 2012, liên doanh giữa Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) và Công ty AMURA đến từ Singapore là một trong những DNVVN tham gia dự án hỗ trợ giai đoạn 1.

Ông Nguyễn Trọng Văn, Phó giám đốc CNS AMURA Precision chia sẻ, sau khi tiếp nhận sự hỗ trợ từ JICA, ông rút ra được 2 điều sau: triển khai quy trình quản lý 5S - KAIZEN không khó nhưng rất khó để duy trì nếu không thể nhìn thấy những sâu thẳm trong nó. Nếu làm tốt 2S là sàng lọc và sắp xếp, cả doanh nghiệp – ông chủ - công nhân sẽ có năng suất lao động cao cùng môi trường làm việc an toàn.

Những nỗ lực của Nhật Bản trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam 1
Ông Nguyễn Trọng Văn – Phó Giám đốc CNS AMURA Precision

Với việc 95% đối tác của CNS AMURA Precision đến từ nước ngoài, 50% trong đó đến từ Nhật, cùng 20 năm làm việc cho công ty Nhật, ông Nguyễn Trọng Văn có một vài lưu ý cho các đồng nghiệp khi giao thương với người Nhật nói riêng và quốc gia khác nói chung.

Đầu tiên, các DNVVN phải hiểu rõ đối tác mình là ai và như thế nào nhằm giúp những giao dịch sau này thuận lợi hơn. Thứ hai, chúng ta phải đặt 2 câu hỏi: đối tác yêu cầu chất lượng như thế nào và liệu năng lực của mình có đáp ứng được hay không?

Thứ ba, chúng ta không được dễ dàng trả lời "chúng tôi làm được" mà phải chắc chắn làm được khi trả lời thế. Thứ tư, trả lời thành thật mọi câu hỏi từ đối tác (có thể chỉ đúng với ngành sản xuất).

Thứ năm, khi gửi báo giá, chúng ta hãy chắc chắn xác định rằng ‘mình làm được với giá đó’; nếu không chúng ta sẽ đổ hết công sức đã bỏ ra trước đó để đi được đến bước này. Thứ sáu, giữ lời hứa – chữ tín. Thứ bảy, giữ đúng kế hoạch đã cam kết với họ, các doanh nghiệp nên biết, chỉ cần một mình bạn bị chậm, cả một kế hoạch sản xuất sẽ bị chậm theo, lên một kế hoạch sản xuất mới tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Cuối cùng, khi có vấn đề phát sinh, hãy cùng người thuê hợp tác giải quyết vấn đề nhằm kịp kế hoạch sản xuất chung, để những ‘thì là mà’ sau; những thiệt thòi của bạn sẽ được đối tác Nhật – châu Âu đền bù ở những lần hợp tác tiếp, đừng tính đường ngắn ‘one by one’.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó giám đốc CSID cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Nhật Bản trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam: “Tôi thấy, cơ hội hợp tác giữa các DNVVN Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản là không ít, nhưng để thành công, chúng ta cần phải tuân thủ 3 điều sau: giữ chữ tín, trung thực và thực thi.

Trong triển lãm lần này, Mitsubishi đang tích cực tìm kiếm các đối tác có thể cung ứng được các chi tiết linh kiện cho họ. Trong tháng 10 – 11/2018, sẽ có 2 đoàn doanh nghiệp từ 2 tỉnh của Nhật Bản tới tìm nhà cung ứng tại Việt Nam và chúng tôi sẽ kết nối họ với các DNVVN ở TP. HCM”.