Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Hồ và thác ở Đa Mi

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:42, 24/06/2020

TheLEADERChẳng biết trách ai. Hoa hậu hồ du lịch Đa Mi, bỏ cuộc chơi và lỡ bước sang lối khác. Phải chọn một trong hai. Làm du lịch sinh thái hoặc điện mặt trời và nuôi cá công nghiệp.

Hồ Đa Mi rộng 625 ha, thuộc thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Mặt nước và bờ Tây thuộc huyện Tánh Linh, bờ Đông thuộc Hàm Thuận Bắc. 

Nước trong xanh, phẳng lặng như gương trời khổng lồ, viền quanh bởi sương mù và chập chùng đồi núi. Cứ ngỡ như mấy hồ bên trời Âu. Đường xuống hồ bên bờ Đông, có doi đất rợp cây xanh, suốt ngày râm mát. Nước hồ lúc nào cũng mát rượi.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi
Đường Hàm Thuận Bắc đi Đa Mi.

Từ 2006, tôi đã đưa khách đến tắm hồ, nghỉ đêm trên bãi đáp trực thăng. Mười mấy năm, cứ tơ tưởng về doi đất cạnh hồ và mơ về những homestay CBT kiểu nhà sàn thoáng đãng. Trở lại chốn xưa, náo nức hơn chờ gặp lại người yêu thủa học trò. Đường từ QL28 qua QL55, uốn lượn giữa rừng tái sinh, trải nhựa êm ru, chỉ còn vài km đang đại tu.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 1
Hồ Đa Mi và doi đất xanh nhìn từ bãi đáp trực thăng.

Rừng vẫn đẹp, hồ vẫn như xưa nhưng dung nhan thì biến dạng. 50 ha pin điện mặt trời chiếm gần hết chỗ đẹp nhất của hồ. Nhìn xa như vết sẹo phỏng trên khuôn mặt sơn nữ. Doi đất xưa, xinh là thế, duyên dáng như tóc buộc đuôi gà giờ rối tung vì nhà xưởng và xô bồ vật tư của công ty nuôi cá tầm. Bãi tắm xưa chen chúc bể cá. Nhìn xa ngỡ lá súng nia. Lối xuống hồ giờ là bến cá. Nước và đất đều đổi màu. Đố ai dám xuống tắm.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 2
Mặt hồ Đa Mi đầy pin điện mặt trời và bể nuôi cá tầm.

Chẳng biết trách ai. Hoa hậu hồ du lịch Đa Mi, bỏ cuộc chơi và lỡ bước sang lối khác. Phải chọn một trong hai. Làm du lịch sinh thái hoặc điện mặt trời và nuôi cá công nghiệp. Cái nào cũng có lý do vì lợi ích chung. Quan trọng là sự cân nhắc và chọn lựa của con người.

Xã Đa Mi thuộc vùng bán sơn địa, khí hậu dễ chịu, cây trái tốt tươi. Nhiều nhất là sầu riêng, bơ, cà phê, mít. Toàn cây làm giàu. Địa hình đồi núi; có hai hồ lớn là hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi và hai thác là Chín Tầng và Sương Mù. 14 năm trước, công ty từng khảo sát và tổ chức tour thác Sương Mù nhưng chỉ được vài chuyến là ngưng vì quá khó.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 3
Đường nông thôn mới tráng xi măng dài 7km vào ngã ba thác.

Lần này trở lại, đoàn quyết đi cả hai thác. Lần trước chưa đi thác Chín Tầng. Đoạn đường hơn 7 km đường xe ôm, xưa cực kỳ vất vả, giờ là đường nông thôn mới, tráng bê tông xi măng láng o, xe dưới 10 tấn ra vào thoải mái. Hai bên đường cây trái tốt tươi. Anh Ánh, hướng dẫn viên địa phương năm nào giờ làm ăn khấm khá. Có vườn sầu riêng, cà phê mấy ha, lại xây hẳn “trạm dừng” đón khách đi thác Chín Tầng.

Đường vào thác không quá khó. Xuyên qua những vườn sầu riêng và cà phê chừng cây số là đến chân thác. Gọi là thác Chín Tầng do địa hình gấp khúc, thác có nhiều bậc như cầu thang khổng lồ. Mỗi bậc lớn là một tầng, không tính các bậc nhỏ. Mỗi tầng có địa hình và cảnh quan khác biệt. Có đoạn phải bò hoặc đu dây mới leo lên được.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 4
Trẻ quê chơi trò trượt thác ở tầng 4 thác Chín Tầng.

Tầng nào cũng có thác chảy xuống hồ tự nhiên. Tha hồ tắm và massage miễn phí. Có đoạn dốc thành máng trượt xuống hồ. Trẻ quê tha hồ đùa giỡn với thác, hết tắm nhảy rồi trượt, cứ như công viên nước tự nhiên giữa rừng. Khách lạ cẩn trọng dò đường, còn lũ trẻ thông thuộc lối đi và thường xuyên vào thác nên chúng chạy nhảy nhẹ tênh và thoăn thoắt.

Có điều rác nhiều quá. Nhiều nhất là vỏ lon bia, nước ngọi, chai pet, bao nilon, vỏ bánh snack và những đống cháy nham nhở. Khách tự do vào thác, ăn uống, cắm trại và vô tư xả. Thấy tôi khó chịu, có cán bộ giải thích là “Mưa tới, nước lớn sẽ quét sạch”. Vậy mà cũng nói được. Quét xuống hạ lưu rồi tống ra hồ, còn tệ hơn. Đáng mừng, khi bạn đọc những dòng này, thanh niên xã Đa Mi đã vào thác tổng vệ sinh, làm đẹp môi trường, sau khi nghe phàn nàn.

Ngày hôm sau, đoàn quyết đi lại thác Sương Mù, còn gọi là thác Mây, thác Mưa. Ngọn thác hẹp, cao hơn 100 mét, có lẽ chỉ xếp sau độ cao thác Đỗ Quyên ở Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hơn 300 mét. Vài trang mạng của công ty du lịch, báo địa phương, facebook gọi thác Chín Tầng là thác Đa Mi. Gọi như vậy không ổn vì Đa Mi có 2 thác, dân địa phương đặt tên cụ thể là Chín Tầng và Sương Mù.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 5
Tầng 6 thác Chín Tầng.

Ngạc nhiên nhất là các trang mạng này lấy ảnh thác lạ hoắc rồi gắn tên Sương Mù để câu khách. Chắc chắn tác giả ngồi phòng lạnh rồi tưởng tượng. Tôi đã tải hình, đem hỏi anh Hoàng Quang Vinh, người tham gia lập qui hoạch thủy điện vùng và những thổ địa ở đây. Các anh đều cười vì những cây bút giàu tưởng tượng kiểu “Điếc không sợ súng”.

Biết đường đi thác Sương Mù quá oải nên mấy anh Sở lẫn huyện đi cùng tìm cách từ chối khéo. Nhóm còn lại 5 người, vẫn quyết đi. Tìm mãi mới được anh Hồng chịu dẫn đường. Tôi hỏi đi hỏi lại, có phải mang theo dây xuống thác hay không. Anh bảo không cần, đi và về mất khoảng 4 tiếng. Thấy anh đi dép tổ ong, mặc quần lửng, tôi cũng yên tâm. 9 giờ, nhóm mới xuất phát. Tính 13 giờ về ăn trưa.

Từ ngã ba thác, rẽ phải đi thác Chín Tầng, rẽ trái đi thác Sương Mù. Đoạn đường chừng 5km7, càng về sau càng khó đi. Chừng hơn cây số đi qua vườn cây ăn trái rồi vào rừng, len lỏi. Lối đi hẹp, không thấy mặt trời. Gió trốn biệt. Mấy đoạn bò ngang mép vực. Nhiều loại cây lạ nhưng không biết hỏi ai. Mấy lần qua suối, phải dừng lại nghỉ. Rác vương rãi, cạnh những dấu sơn làm mốc chỉ đường.

Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Kỳ 2 - Hồ và thác ở Đa Mi 6
Tầng 9 thác Chín Tầng.

Nghe thác ầm ào, đi nửa giờ chưa giáp mặt. Đoạn cuối dốc gần như thẳng đứng. Anh Hồng loay hoay tìm chỗ xuống. Cả nhóm dứt khoát “ra nghị quyết” buộc tôi phải dừng cuộc chơi vì quá nguy hiểm với U70. Các bạn trẻ không chịu bỏ cuộc, bám anh Hồng lết từng bước xuống thác. Cực kỳ gian nan. Xuống lưng chừng là hết xíu quách vì sợ nhiều hơn là mệt. Phải có dây xuống vách núi chuyên dùng mới xuống chân thác an toàn.

Trên đường trở ra, gặp nhóm xe ôm chở khách địa phương vào thác Sương Mù. Xe chạy chừng 3km, là phải đi bộ tiếp. Nhìn đường cheo leo vách suối, có chỗ bề ngang chừng gang tay. Thậm chí đường đất hằn dấu bánh xe cả nửa tấc. Không hiểu bằng cách nào để chạy đúng dấu hằn vừa lọt bánh xe như vậy. Xe nào xe đó rất ngầu. Lệch, là xuống vực.

Ngồi sau mấy xe ôm địa hình làm xiếc kiểu đó, thà đi bộ, sướng hơn. Mệt thì dừng chân nghỉ. Còn hơn là khiếp hãi, đau tim, ngất xỉu dọc đường. 15 giờ nhóm mới đủ quân. Trễ 2 giờ so với dự tính. Mệt và khát lả người. Chỉ uống nước ngọt chứ không ăn được dù đói. Khám phá thác Sương Mù là tour chuyên biệt, phải có thiết bị xuống vách thác thẳng đứng chứ không thể “Tay không đánh giặc”.