Những sân chơi tỷ đô của Xuân Thiện Group

Nguyễn Cảnh - 10:13, 17/02/2023

TheLEADERTập đoàn Xuân Thiện của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện đang cho thấy những mục tiêu đầy tham vọng trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như: năng lượng, xi măng, lọc dầu, nông nghiệp công nghệ cao.

Thời điểm 5 năm trước, Xuân Thiện đã lọt top doanh nghiệp tư nhân hàng đầu sở hữu các nhà máy thủy điện và xi măng tại Việt Nam. 

Cụ thể, Xuân Thiện là chủ đầu tư hơn 20 dự án nhà máy thủy điện trong và ngoài nước. Trong nước, có thể kể tới một số thủy điện có công suất từ 20-100MW: Suối Sập 1, Háng Đồng A và Háng Đồng A1, Thủy điện Háng Đồng B (tỉnh Sơn La), Khao Mang, Khao Mang Thượng, Đồng Sung, Thác Cá (tỉnh Yên Bái), Thủy điện tích năng Đông Phù Yên tỉnh Sơn La (1.200 MW)…

Ở mảng xi măng, Xuân Thiện đã và đang đầu tư sản xuất xấp xỉ 10 triệu tấn xi măng/năm. Tiêu biểu là dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam sử dụng công nghệ của FLSmidth (Đan Mạch), đạt 12.500 tấn clinker/ngày tương đương 16.000 tấn xi măng/ngày. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu hai nhà máy quy mô khác là Xuân Thành Quảng Nam và Minh Tâm Bình Phước.

Khoảng 3 năm qua, mảng miếng đầu tư của Xuân Thiện bắt đầu xuất hiện một cách rõ nét năng lượng tái tạo, xây dựng cơ bản và lọc dầu.

Cụ thể, Xuân Thiện đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực điện mặt trời. Giai đoạn 2020-2022, Xuân Thiện dồn lực vào loạt dự án như: Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại Ninh Thuận (tổng công suất lắp đặt 256MW, sản lượng điện khoảng 500 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng), điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tại DakLak (tổng mức đầu tư hơn 16.500 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2020, các công ty liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động hơn 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện các dự án liên quan đến điện mặt trời.

Tại sân chơi điện gió ngoài khơi, Xuân Thiện cũng nhanh chóng ‘đặt gạch’ một siêu dự án tại ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (công suất 5.000MW, nhà đầu tư Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, tổng vốn khoảng 287.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, câu chuyện chồng lấn giữa các ý tưởng (đến từ HLP, Orsted và Xuân Thiện với 3 dự án điện gió ngoài khơi bị chồng lấn một phần diện tích lên tới hơn 40.000ha.) đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một trong những động thái thể hiện sự nhanh nhạy của Xuân Thiện ngay khi những khúc mắc liên quan tới phát triển, quản lý điện mặt trời chưa xuất hiện, là việc tập đoàn này bán 2 dự án điện mặt trời (tổng công suất 200MW) tại Ninh Thuận để thu về 284 triệu USD vào giữa năm 2022.

Nhằm tạo liên kết chuỗi, phụ trợ cho các nhà máy sản xuất xi măng, đầu tư năng lượng, Xuân Thiện đã ngắm tới Nam Định. Tại vùng biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (vị trí địa lý thuận lợi với các dự án của Xuân Thiện tại Ninh Bình), Xuân Thiện Ninh Bình khảo sát, nghiên cứu loạt dự án như: tổ hợp nhà máy luyện gang thép, trạm nghiền xi măng, cảng sông Đáy, nhà máy Ethanol, cảng tổng hợp quốc tế, khu đô thị biển…

Đến nay, danh mục dự án do Xuân Thiện phát triển tại Nam Định gồm 3 dự án trị giá gần 99.000 tỷ đồng (nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định; Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng và nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định).

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.

Nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000MW/năm, mỗi cột có tuabin công suất từ 5-20MW/cột - loại lắp đặt ngoài biển; với mục tiêu sản xuất đạt tỉ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Bên cạnh đó, Nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.

Dự kiến, Nhà máy cơ khí Rạng Đông có tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng ghi nhận dấu ấn mạnh của Xuân Thiện. Tại Đắk Lắk, các dự án do tập đoàn đang triển khai gồm: Dự án nông lâm nghiệp Ea Súp với tổng mức đầu tư khoảng 1.065 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư Mgar trị giá khoảng 2.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, tập đoàn cũng đề xuất đầu tư chuỗi dự án “Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và Logistics” với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

Chuỗi dự án “Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và logistics” gồm 7 tiểu dự án thành phần: Nhà máy sản xuất nước trái cây và vùng nguyên liệu, dược liệu; Nhà máy sấy và bảo quản nông sản; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; Nhà máy chế biến thịt heo, kho lạnh bảo quản; Nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền từ thịt lợn; Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tiêu chuẩn Châu Âu (công nghệ 4.0); Dự án đầu tư xây dựng trung tâm Logistics Xuân Thiện Đắk Lắk.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2025, Tập đoàn Xuân Thiện xác định Đắk Lắk là địa bàn trọng điểm, chiến lược để tiếp tục mở rộng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết nối theo chuỗi bền vững.