Nikkei: PMI ngành sản xuất kết thúc thời kỳ tăng 46 tháng

Mai Linh - 13:10, 01/11/2019

TheLEADERCác điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã không thay đổi trong tháng 10 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại và sản lượng giảm liên tục lần đầu tiên kể từ quý III/2013.

Theo công bố từ Nikkei – IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất – có kết quả tương đương ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 10, giảm so với mức 50,5 điểm trong tháng 9 và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng.

Sự yếu kém trong tháng 10 chủ yếu tập trung ở các công ty sản xuất hàng hoá trung gian.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng nhưng tốc độ gia tăng đã chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp, trở thành mức tăng yếu nhất trong thời kỳ mở rộng bắt đầu từ tháng 12/2015.

Tình trạng sụt giảm cũng diễn ra với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Nikkei: PMI ngành sản xuất kết thúc thời kỳ tăng 46 tháng

Những dấu hiệu của nhu cầu yếu đã khiến các nhà sản xuất giảm nhẹ sản lượng và số lượng việc làm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm việc làm là cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Hoạt động mua hàng không thay đổi trong tháng 10, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng.

Nikkei cho biết chi phí đầu vào trong tháng 10 tăng nhẹ với tốc độ cao nhất 5 tháng. Để đáp lại mức tăng cao hơn của giá cả đầu vào, các công ty đã tăng giá đầu ra lần đầu tiên trong 11 tháng.

Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp của 13 tháng được ghi nhận trong tháng 9, quay trở lại mức được ghi nhận trong tháng 8. Các công ty tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, và tình trạng lạc quan tích cực thường được cho là do kỳ vọng thị trường tăng.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá giai đoạn trì trệ của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục kéo sang tháng 10 khi các công ty có vẻ thận trọng về sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn và tình trạng cầu trên thế giới giảm.

Tuy nhiên, cần lưu ý là mối quan hệ lịch sử giữa PMI của Việt Nam và dữ liệu chính thức cho thấy ngay cả khi kết quả chỉ số ở mức quanh 50 điểm vẫn có thể chuyển thành mức tăng trưởng mạnh theo các số liệu chính thức.

“Do đó, những gì chúng ta có vẻ đang chứng kiến lúc này chỉ là sự suy giảm tăng trưởng chứ không phải bất cứ điều gì đáng quan ngại khác”, ông Andrew Harker cho hay.