Phê duyệt đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao

Hoàng Đông - 09:02, 29/11/2023

TheLEADERThủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Phê duyệt đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao
1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp được gắn liền với mục tiêu nâng cao sinh kế và đời sống nông dân trồng lúa. Ảnh: Hoàng Anh

Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tái tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn 12 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Long An).

Bên cạnh đó, áp dụng các quy trình canh tác bền vững để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từ đó phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, đối với canh tác bền vững, Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là giảm lượng lúa gieo sạ xuống dưới 70kg mỗi héc ta, giảm 30% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Cùng với đó, 100% diện tích lúa thuộc Đề án phải áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, có thể kể đến như “một phải năm giảm”; tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững SRP; tưới khô xen kẽ…

Đối với tái tổ chức hệ thống sản xuất, Đề án đặt mục tiêu 100% diện tích sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Trên 70% diện tích lúa đạt cơ giới hóa đồng bộ và trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, Đề án đặt tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa gạo là dưới 8%, trong đó 100% rơm rạ được thu gom, tái sử dụng, giảm trên 10% khí thải nhà kính so với canh tác truyền thống.

Từ những giải pháp trên, đặt mục tiêu giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lúa gạo tăng lên khoảng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người nông dân được hưởng phải đạt trên 50%.

Với lợi thế phát thải thấp, chất lượng cao, Đề án cũng đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu, cụ thể là trên 20% gạo xuất khẩu từ vùng 1 triệu héc ta chuyên canh phải có thương hiệu chất lượng cao.

Đề án sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên (2024 – 2025) tập trung củng cố diện tích 180 nghìn héc ta lúa sẵn có thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Ở giai đoạn sau, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để xây dựng mở rộng thêm 820 nghìn héc ta vùng chuyên canh.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai đề án cũng như xây dựng, đề xuất chính sách, cơ chế tạo tín chỉ carbon cho vùng chuyên canh.