Bán tín chỉ carbon thu lợi hàng triệu USD từ trồng lúa bền vững
Hoàng Đông
Thứ năm, 05/10/2023 - 11:47
Áp dụng các biện pháp tiên tiến, mỗi héc ta lúa có tiềm năng giảm 5 – 10 tấn khí thải carbon, tương đương với 5 – 10 tín chỉ carbon, đem lại giá trị khoảng 50 – 100USD mỗi năm.
Liên quan đến sinh kế của khoảng hơn 1 triệu nông hộ, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 bao hàm ý nghĩa lớn lao cả về kinh tế, môi trường và xã hội.
Do đó, Đề án nhận được sự quan tâm, đồng hành của nhiều tổ chức phát triển, đặc biệt phải kể đến cam kết của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc sẽ mua tín chỉ carbon từ diện tích lúa thuộc đề án với giá khoảng 10USD cho mỗi tín chỉ.
Thứ trưởng cho biết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mỗi héc ta lúa có thể giảm từ 5 – 10 tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với 5 – 10 tín chỉ, thu lợi 50 – 100USD. Như vậy, nếu đạt được mục tiêu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giá trị thu được từ việc bán tín chỉ có thể lên đến 50 – 100 triệu USD mỗi năm.
Cộng thêm với việc tiết kiệm chi phí canh tác, nâng cao giá bán lúa gạo và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân có diện tích lúa thuộc đề án sẽ đạt mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030.
Không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp còn là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững, từ đó mở rộng khả năng xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong số khoảng 180 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo, mới chỉ có 50 doanh nghiệp có hoạt động hợp tác và liên kết với bà con nông dân, trong đó chỉ có một vài doanh nghiệp tổ chức được mô hình liên kết một cách bài bản và hoàn chỉnh.
Lý giải về điều này, ông Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Vinarice, cho biết, hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều thiếu sót, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như khả năng doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với bà con nông dân.
Bên cạnh đó, hiện tượng nông dân “lật kèo”, phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp khi giá lúa tăng cao vẫn còn diễn ra phổ biến. Ông Tài nhấn mạnh đây là những điểm yếu cần được khắc phục để doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn với bà con nông dân, qua đó tham gia tích cực hơn vào đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thông tin thêm về đề án, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, do chuyển đổi đất canh tác, sản lượng lúa xuất khẩu sẽ giảm từ khoảng 7 triệu tấn như hiện nay xuống còn khoảng 5 triệu tấn mỗi năm.
Sản lượng xuất khẩu giảm nên việc tăng giá thông qua tăng chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững là điều cần thiết.
Đề án đặt mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất thông qua giảm lúa giống, giảm chế phẩm hóa học, giảm tưới nước, tăng cường cơ giới hóa và thu gom phụ phẩm. Ước tính, chi phí canh tác lúa trên 1 triệu héc ta sẽ giảm khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giá lúa sẽ tăng khoảng 10% so với canh tác truyền thống, tương đương với khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Nói cách khác, lợi nhuận trồng lúa trên 1 triệu héc ta sẽ tăng khoảng 16 nghìn tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận từ việc bán tín chỉ carbon.
Dự kiến, đề án bắt đầu được triển khai trên 180 nghìn héc ta lúa kể từ vụ đông xuân 2023 – 2024, mở rộng ra khoảng 300 nghìn – 500 nghìn héc ta vào năm 2025. Từ năm 2026, mỗi năm tăng thêm 100 nghìn héc ta để đạt được mục tiêu 1 triệu héc ta vào năm 2030.
Quy trình canh tác lúa gạo tại Việt Nam tạo ra ít khí thải hơn so với các đối thủ cạnh tranh, là nền tảng rất quan trọng có thể được tận dụng để xây dựng thương hiệu ngành lúa gạo cho đất nước.
Thiếu vắng Ấn Độ trong cuộc đua xuất khẩu gạo ra thế giới, 40% ‘miếng bánh’ để lại cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác. Cơ hội là quá rõ. Tuy nhiên, việc Việt Nam tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu lại không hề dễ dàng.
Thay vì giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị tái cấu trúc ngành hàng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó giải quyết dứt điểm lời nguyền “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.