Phó tổng giám đốc ACB kể chuyện vượt khủng hoảng sau biến cố bầu Kiên

Trần Anh - 08:00, 10/01/2024

TheLEADERTheo ông Nguyễn Khắc Nguyện, người làm truyền thông nội bộ phải thực sự có niềm tin vào những gì mình đang truyền tải. Bản thân ông khi đó tin tưởng vào con đường của ACB, từ đó tin tưởng làm việc dù phải đối mặt với khó khăn.

Mới đây trong chương trình The Quốc Khánh Show, ông Nguyễn Khắc Nguyện, Phó tổng giám đốc mảng nhân sự của ACB đã tiết lộ về một trong những yếu tố giúp ngân hàng vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2012.

Thời điểm đó, ông Nguyện mới quay trở lại ACB để bắt đầu nhận nhiệm vụ mới hỗ trợ ngân hàng tiếp nhận chuyển giao chiến lược với Standard & Chattered, giúp ACB cảm nhận được những thông lệ quốc tế về mặt truyền thông, thương hiệu, tổ chức…

Tuy nhiên, biến cố bầu Kiên bất ngờ ập đến làm thay đổi đáng kể nhiệm vụ của ông Nguyện. Trong bối cảnh lãnh đạo cấp cao bị bắt, khách hàng ồ ạt rút tiền, những nhân sự của ACB phải đối mặt với áp lực rất lớn. Ông Nguyện khi đó cảm nhận rất sâu sắc vai trò của người làm truyền thông nội bộ.

“Tôi nhận ra làm truyền thông nội bộ vẫn phải xuất phát từ động cơ thật. Nếu bản thân mình không sai, phục vụ khách hàng cũng không sai thì cơn địa chấn dù có lớn đến đâu cũng có thể vượt qua được.”, ông Nguyện chia sẻ.

Để làm được điều này, phó tổng giám đốc ACB cho rằng, người làm truyền thông nội bộ phải thực sự có niềm tin vào những gì mình đang truyền tải. Bản thân ông khi đó tin tưởng vào phán xét của mình, vào con đường của ACB.

Những nhân viên của ACB khi đó cũng vậy. Tất cả đều là những người làm nghề thực sự, tận tâm với khách hàng. Mọi người trong nội bộ hiểu được đó là sứ mệnh, là nghề nghiệp bản thân đã chọn, từ đó tin tưởng làm việc dù phải đối mặt với khó khăn.

“Khi niềm tin của mình đúng đắn, những thông điệp tự dưng sẽ có hiệu quả gắn kết các thành viên lại với nhau. Công việc của truyền thông nội bộ chỉ là truyền tải đúng thông điệp đó đi”, ông Nguyện chia sẻ.

Chẳng hạn, các nhân viên ACB phải đối mặt với hàng ngàn khách hàng đến rút tiền, áp lực rất căng thẳng. Lúc đó, truyền thông nội bộ của ACB đã gửi đi thông điệp “miễn là mình cùng chèo với nhau, vững tay chèo thì chắc chắn sẽ vượt qua”.

Phó tổng giám đốc ACB kể chuyện vượt khủng hoảng nội bộ sau biến cố bầu Kiên
Ông Nguyễn Khắc Nguyện, Phó tổng giám đốc ACB. Ảnh: Vietsuccess

Với kỹ năng truyền thông nhiều năm, ông cùng đội ngũ truyền thông nội bộ cố gắng không sử dụng những ngôn từ, khẩu hiệu sáo rỗng. Các thông điệp đều cố gắng sử dụng những ngôn từ chân thực nhất. 

Đây cũng là tâm niệm của ông sau nhiều năm làm nghề: đó là phải “make sense” – thực sự làm việc có ý nghĩa, thông điệp đưa ra tác động vào tư duy, hoạt động của mình, chứ không chỉ nói suông.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại là bài toán khó với những người làm truyền thông nội bộ. Ông Nguyện chia sẻ, giá trị cốt lõi của ACB là chính trực. Hiếm có tổ chức nào tuyên truyền từ trong ra ngoài yếu tố này, bởi rất khó để truyền đi thông điệp sống chính trực với nhau. Các giá trị khác của ACB bao gồm cẩn trọng, cách tân, hài hòa, hiệu quả cũng rất khó để định hình một cách cụ thể.

“Nghe thì rất hay, nhưng cũng tạo cảm giác mọi người biết để “trả bài”, thay vì thực sự thấm nhuần được những giá trị này. Chẳng hạn, nhân viên rất dễ nói tôi chính trực nhưng lại không ý thức kiểm soát liên quan đến hành vi liên quan đến chính trực. Trong cuộc sống cũng như công việc rất dễ giăng khẩu hiệu, nhưng nội hàm, thực hành của mình lại không sẵn sàng làm việc đó”, ông Nguyện nhìn nhận.

Để làm sống động được bộ giá trị cốt lõi nghe có vẻ khô khan đó, ông Nguyện đã nhiều lần phản biện, trao đổi với ban lãnh đạo ACB, mục tiêu làm sao hành động, cách ra quyết định phải đi vào bản chất, thể hiện được các giá trị của ACB.

Chẳng hạn về tính chính trực trong lĩnh vực nhân sự, phó tổng giám đốc mảng nhân sự ACB mong muốn mọi thứ liên quan tới quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm đôi bên khi giao kết lao động phải minh bạch và sòng phẳng. Khi một người quyết định làm việc tại ACB, tất cả những nguyên tắc trong hợp đồng phải đặt lên bàn và giải quyết, hiểu hết thay vì yêu cầu người đó về đọc văn bản. Đó là thực hành chính trực.

Đưa những giá trị mang tính tổng quát thành những bước thực hành cụ thể, ACB từng bước đi qua khủng hoảng. Ngân hàng nay đã lột xác hoàn toàn so với giai đoạn trước đây, cả về hoạt động kinh doanh, quản trị lẫn khả năng gắn kết tập thể.

“Nhìn lại 12 năm tại ACB, trải qua những thăng trầm của ngân hàng, tôi biết căng thẳng là gì, biết quản lý câu chuyện đó như thế nào. Có thể nói, hành trình tại ACB giúp tôi thay đổi như một con người”, ông Nguyện chia sẻ.