Quảng Ninh bàn kế chinh phục mục tiêu 2022

Quỳnh Chi - 07:48, 09/12/2021

TheLEADERQuảng Ninh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) trên 10%, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022.

Quảng Ninh bàn kế chinh phục mục tiêu 2022
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký

Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về các chỉ số tăng trưởng của cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Quảng Ninh năm thứ sáu liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) ước đạt mức hai con số. Cụ thể là tăng 10,28%.

Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD.

Chuẩn bị khép lại năm 2021 với việc cán đích thành công và bước vào năm 2022 với những mục tiêu quan trọng trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tình Quảng Ninh chưa bao giờ chủ quan mà luôn chủ động nhìn nhận khuyết điểm và bàn giải pháp cho năm tới.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai thực hiện 15 đề án, chương trình trọng điểm; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế. 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người.

Trong kỳ họp thứ sáu của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 vẫn còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh, nhất là trong thu ngân sách nhà nước , giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện một số dự án động lực, trọng điểm, nhất là các dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

Điển hình, đến ngày 5/12/2021, một số chủ đầu tư cấp tỉnh và sáu địa phương gồm Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà, Cẩm Phả có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 75%.

Chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hồng Dương phân tích, tổng phần vốn bố trí cho đầu tư công năm 2021 cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2020; việc chuyển đổi đất, nhất là đất rừng chậm, thời gian thực hiện của các bộ, ban, ngành tương đối lâu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan được ông Dương nhấn mạnh là một số thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm; công tác chuyển đất rừng chưa có sự chủ động từ trước; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; sự phối hợp giữa các đơn vị, chính quyền địa phương còn chậm; năng lực một số nhà thầu còn yếu.

Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam cho rằng, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công tại Móng Cái cũng như ở nhiều địa phương trong tỉnh chậm là do các dự án đầu tư đều sử dụng tiền từ nguồn đấu giá đất và thu tiền sử dụng đất nên phụ thuộc vào yếu tố nguồn thu; thủ tục cấp phép các mỏ đất san nền các dự án còn nhiều, thời gian kéo dài.

Quảng Ninh bàn kế sách chinh phục các mục tiêu năm 2022
Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam phát biểu tại tổ thảo luận số hai kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV

Cần đột phá hơn trong năm 2022

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo phát triển bứt phá, do đó, phải tận dụng được những lợi thế để có giải pháp tạo những đột phá.

Đó là các giải pháp về nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân lao động cũng như chiến lược thu hút lao động nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, thúc đẩy sản xuất gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số. Cần thêm giải pháp mới để tạo động lực để phát huy hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, đóng góp cho GRDP của địa phương.

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần sớm ban hành chính sách để tạo ra bùng nổ trong ngành du lịch, dịch vụ. Về văn hóa - xã hội, cần có chính sách cho vùng khó khăn nhiều hơn, nhất là y tế, giáo dục, hạ tầng.

Nhiều chủ đề quan trọng như nâng cao chất lượng nguồn thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển các dự án hạ tầng, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động...đã được các đại biểu trong kỳ họp thảo luận tích cực với mục tiêu cao.

Bàn về vấn đề cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn thu ngân sách nhà nước, ông Ngô Hoàng Ngân, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các khoản mất cân đối, đặc biệt là vấn đề hụt thu.

Theo ông Ngân, trong năm 2022, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cần chú ý tham mưu xây dựng kế hoạch hợp lý, sát với thực tế, trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài để giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hụt thu. 

Trong đó, Quảng Ninh cần sớm có cơ chế, giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án; qua đó vừa đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Quảng Ninh bàn kế sách chinh phục các mục tiêu năm 2022 1
Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh

Bí thư huyện ủy huyện Vân Đồn Trương Mạnh Hùng cho rằng, địa phương này có số thu thuê đất, sử dụng đất cao nhưng lại không có tính bền vững, trong khi có các khoản thu phí, lệ phí không cao. Các dự án cũng đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nên việc thu thuế từ hoạt động của các dự án sẽ có độ trễ. Cộng đồng doanh nghiệp của Vân Đồn quy mô còn nhỏ.

Do đó, ông Hùng đề nghị HĐND tỉnh Quảng Ninh cho phép Vân Đồn được áp dụng tỷ lệ điều tiết các khoản chia như theo tờ trình của UBND tỉnh đến hết năm 2025 do địa phương mới bước vào cơ chế tự cân đối ngân sách; đồng thời được sử dụng phần thu đột biến bù vào những nội dung hụt thu và cho phép đấu giá các quỹ đất xen kẹp.

Cùng nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả Nguyễn Mạnh Cường đề nghị HĐND tỉnh xem xét định mức chi cho hoạt động môi trường cho phù hợp, đồng thời, xây dựng tỷ lệ riêng cho các địa phương vượt thu từ tiền thuê đất một lần để tạo động lực cho các địa phương trong hoạt động thu ngân sách.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, Phó trưởng ban pháp chế HĐND tỉnh Quảng Ninh Phạm Thị Hồng Hạnh cho rằng, cần có giải pháp đủ mạnh để khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm hiện nay, trong đó đề nghị chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư bao gồm cả các thủ tục liên quan đến đất đai. 

Bà Hạnh nhấn mạnh, khi đã bố trí vốn thì phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chỉnh dự án nhiều lần.

Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đề nghị, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các ngành, địa phương, nhất là đối với bốn địa phương chuẩn bị về đích năm 2022. Cùng với đó là việc bố trí nguồn lực kịp thời để thực hiện các dự án hạ tầng cũng như phát triển sản xuất, nâng thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, Bí thư huyện ủy huyện Hải Hà Phạm Xuân Đài, cho rằng, trong nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm, bổ sung giải pháp về triển khai hệ thống nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Đồng thời, Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các khu công nghiệp; quy hoạch, bố trí quỹ đất nhất định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp.