Quảng Ninh tính kế tạo đột phá mới

Tùng Anh - 08:00, 27/04/2022

TheLEADERTrong những năm qua, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Quảng Ninh tính kế tạo đột phá mới
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Quảng Ninh ngày 6/4/2022. Ảnh: quangninh.gov.vn

Đã nhiều lần về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh, lần nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những cảm xúc và ấn tượng sâu sắc.

Đặc biệt, trong lần về Quảng Ninh đầu tháng 4 vừa qua, nghe phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng với việc tận mắt chứng kiến những thành quả cụ thể trong hành trình phát triển của địa phương này.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Trong đó, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân 2016 - 2020 đạt 10,7% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 9,2%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2021, trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn đạt được mức tăng trưởng 10,28%, đứng thứ hai cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm đạt 52.467 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy nhanh phát triển, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ, gắn kết hài hoà giữa phát triển đô thị với nông thôn.

Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 7.614USD, gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 7,56% năm 2010 xuống còn 0,15% năm 2021. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các tiềm năng về lịch sử, văn hoá, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hoá được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hoá thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được những thành tựu đó, một trong những yếu tố rất quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là sự đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, Quảng Ninh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; giữ vững thành quả phòng chống dịch, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 10%.

Quảng Ninh đặt tầm nhìn đến năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. 

Tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045 của Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển...

Để Quảng Ninh có thể tiến xa hơn nữa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 lưu ý.

Một là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm; phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.

Ba là kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là gắn kết hài hoà phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng.

Năm là, đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo.

Trước những lưu ý này, tỉnh Quảng Ninh mới đây cũng đã nhanh chóng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc họp này, ông Ký đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, phương châm hành động của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

‘Quảng Ninh sẽ tiến xa hơn’
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trong Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022.

Trong đó, lãnh đạo Quảng Ninh xác định phải bao quát toàn diện các nhiệm vụ chính trị, nhưng phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; rõ người, rõ việc, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành từng công việc; vừa tập trung vào những vấn đề cấp bách đặt ra, vừa chú trọng các chủ trương lớn mang tính chiến lược, lâu dài; nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu.

Luôn đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn; tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giải quyết dứt điểm các mục tiêu đề ra ở từng bước đi với các công cụ đo lường kết quả cụ thể; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm tập trung cao, đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa; nâng cao tỷ lệ giải ngân gắn với chất lượng công trình và hoàn thành đúng tiến độ các dự án; ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư cho các công trình có tính chất động lực lan tỏa và bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Ông Ký nhấn mạnh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Vì vậy, phải gắn kết phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng vào các chỉ số “hạnh phúc” phù hợp với từng giai đoạn, trình độ phát triển, thể hiện trong mọi lĩnh vực và chính sách quản trị địa phương.