Sức bật mới của Quảng Ninh

An Chi - 09:16, 30/12/2018

TheLEADERSự kiện khánh thành đồng loạt ba dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh trong những ngày cuối cùng của năm 2018: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang giúp địa phương này mở ra những cơ hội phát triển vô cùng mạnh mẽ, vượt trội.

Sức bật mới của Quảng Ninh
Chào đón chuyến bay đầu tiên trong ngày khai trương sân bay Vân Đồn

Mở toang cánh cửa phát triển

Trong năm vừa qua, có lẽ ít địa phương nào đón nhận nhiều tin vui như Quảng Ninh về cả tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến Sân bay Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế với chín tuyến bay và khả năng đón tiếp khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày.

Đây là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT của chủ đầu tư Sun Group. Với tổng vốn đầu tư ước tính 7.700 tỷ đồng, cảng hàng không quốc tế cấp 4E này có thể đón máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như A350, B577.

Dự án triển khai từ tháng 3/2016 trên diện tích hơn 325ha, tổng công suất thiết kế 5 triệu hành khách mỗi năm, trong đó giai đoạn một đến năm 2020 là 2,5 triệu hành khách một năm, giờ cao điểm đạt 1.250 hành khách một giờ.

Sau khi đi vào hoạt động, với vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á, trong bán kính bay 4 – 5 giờ sẽ cho phép Vân Đồn tiếp cận thị trường với 3,5 tỷ người, trong đó 17% là từ các nước ASEAN, tương đương với GDP là 22 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với phát triển du lịch và kinh tế của Quảng Ninh.

Không chỉ có Sân bay Vân Đồn, những công trình trọng điểm khác cũng hứa hẹn tạo cú hích hạ tầng cho địa phương này như cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Tuyến đường được kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giúp rút ngắn khoảng cách Hà Nội về Quảng Ninh còn 130km, tương đương 90 phút di chuyển thay vì 200 phút, rút ngắn thời gian từ Hạ Long đến Vân Đồn chỉ còn 50 phút thay vì 90 phút như hiện nay.

Cùng với đó là Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tọa lạc tại Bãi Cháy,  công trình cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Quảng Ninh cũng như trên cả nước. 

Dự án có tổng vốn gần 1.100 tỉ đồng có thể đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460, phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh lượng khách du lịch đến Quảng Ninh qua đường tàu biển, đặc biệt là khách quốc tế.

Trong thời gian tới, tuyến đường cao tốc nối Vân Đồn đi Móng Cái cũng sẽ được triển khai xây dựng, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối về giao thông với các địa phương trong cả nước, điểm trung chuyển giữa các nước trong khu vực và quốc tế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh với Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2012 - 2018, Quảng Ninh đã thu hút được gần 91 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách trên tổng số gần 210 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào xây dựng, phát triển hạ tầng. Hiện Quảng Ninh đang là địa phương tiên phong cả nước trong việc: thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân vào đầu tư phát triển.

Với đầu tư đồng bộ, Quảng Ninh đang trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hội tụ đủ về hạ tầng giao thông từ sân bay, cảng biển đón khách quốc tế đến những tuyến cao tốc có chiều dài hàng chục km. Dường như địa phương này đang mở tung tất cả các cánh cửa, từ bầu trời, cửa biển đến cửa ngõ mặt đất để phục vụ cho phát triển.

Đây sẽ là cú huých lớn cho kinh tế của địa phương này, trong đó Vân Đồn sẽ là một trong những "hạt nhân" đột phá quan trọng trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: "Việc triển khai đồng bộ hạ tầng giao thông trên cả ba trọng điểm đường bộ, đường không và đường biển trong vòng khoảng ba năm trở lại đây đã tạo ra bước đột phá lớn đưa Quảng Ninh bước sang một giai đoạn mới, mở rộng cánh cửa bước ra thế giới."

Đại diện Tập đoàn Sun Group cũng khẳng định, khi đi vào hoạt động, các công trình giao thông trọng điểm sẽ góp phần tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trong đó, sản xuất, chế biến, công nghệ cao, logistics, du lịch là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ sau khi những công trình hạ tầng trọng điểm như sân bay Vân Đồn hình thành.

Đồng quan điểm, ông Arjan Kuin - cố vấn cấp cao của NACO - Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan kỳ vọng, sau khi đi vào hoạt động, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ là bước tạo đà phát triển cho Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế Đông Bắc Bộ.

Với những kế hoạch lớn để phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai. Khi đó, sân bay Vân Đồn sẽ trở thành cửa ngõ đón khách tới Quảng Ninh bằng đường hàng không.

Du lịch Quảng Ninh không chỉ có Hạ Long

Vốn là một địa phương có kinh tế gắn liền với than đá, tuy nhiên, khi ngành xuất khẩu than không đạt kỳ vọng, tỉnh này đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế "từ nâu sang xanh".

Sau 3 năm thực hiện sự chuyển dịch này, kinh tế Quảng Ninh đã có những bước phát triển mới. Trong đó, nổi lên vai trò quan trọng của công nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới, các ngành chế tạo, hướng tới nguồn vốn đầu tư FDI và phát triển du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư. Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày càng nhiều và quy mô vốn đầu tư cao.

Tuy nhiên, có thể rằng thấy tăng trưởng du lịch vẫn được xác định là mũi nhọn trong phát triển của tỉnh. Theo thống kê từ Sở Du lịch, trong năm 2018, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 12,2 triệu người, tăng 24% so với năm 2017. 

Tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 28,1% so với năm trước. Thu ngân sách từ du lịch ước đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng ngân sách nội địa, tăng 31% so với năm 2017.

Đáng chú ý, Hạ Long chỉ là một ví dụ điển hình về sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Ninh trong du lịch thời gian gần đây. Bên cạnh những điểm đến truyền thống, những địa danh khác của địa phương này như Vân Đồn, Cô Tô, Tuần Châu hay Vịnh Bái Tử Long cũng đang phát triển từng ngày.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Quảng Ninh cũng nêu rõ mục tiêu mở rộng thêm các không gian du lịch sinh thái biển đảo, kết nối Vân Ðồn, Cô Tô và Móng Cái, nhằm tạo sự hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. 

Cùng với các sản phẩm truyền thống, tỉnh cũng đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Có thể kể đến như: Khu du lịch làng quê Yên Ðức; du lịch sinh thái, trải nghiệm Bình Liêu; khám phá Hạ Long bằng thuyền kayak, thủy phi cơ; Trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup; Khu vui chơi giải trí Marina Plaza; tàu vận chuyển và tàu nhà hàng cao cấp; Công viên Hạ Long; Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Biểu tượng du lịch Ngã ba Trà Cổ - Bình Ngọc - Móng Cái.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Quảng Ninh cho biết sẽ hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo bốn địa bàn du lịch trọng điểm gồm Hạ Long gắn với du lịch Vịnh Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh di tích danh thắng Yên Tử. 

Qua đó nhằm góp phần mở rộng thi trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như nâng cao khả năng kết nối giữa các điểm đến, hướng tới mục tiêu năm 2019, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón 14 triệu lượt khách du lịch và mang lại doanh thu 27.000 tỷ đồng.