Từ đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam

Phương Thu - 09:46, 29/12/2018

TheLEADERChỉ mất hơn hai năm để hoàn thành một sân bay hiện đại khiến các chuyên gia cũng phải thốt lên rằng "tư nhân làm cái gì ... cũng nhanh".

Từ đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được đưa vào khai thác thương mại từ ngày 30/12

Đó thực sự là một "kỳ tích" đã được Sun Group hoàn thành xuất sắc trước sự ngưỡng mộ và trước đó là hoài nghi của nhiều người. Tiến sỹ Cao Duy Tiến, Trưởng nhóm chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, nhận xét, đây là dự án do tư nhân xây nên tiến độ nhanh và chất lượng tốt. 

Từ giải phóng mặt bằng đến thiết kế, xây dựng sân bay Vân Đồn là một hành trình "thần tốc" như chiến dịch Quang Trung, nhưng cũng không ít cam go.

Từ vùng đất sình lầy 

Là cố vấn cấp cao của NACO, Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan và đồng hành cùng Sun Group suốt quá trình thi công, xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ông Arjan Kuin còn nhớ như in những ngày đầu khi tới khảo sát địa điểm xây dựng sân bay. Cả một vùng rộng lớn không lối đi lại, chỉ là những đầm lầy nối tiếp nhau, vịt bơi bì bõm.

Lúc đó, ngay cả một người đã nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn xây dựng thiết kế sân bay như ông cũng đã phải đặt dấu hỏi về việc triển khai dự án, làm cách nào để giải phóng và san lấp được hết diện tích sình lầy rộng lớn như vậy.

Về Vân Đồn từ tháng 4/2016 khi dự án đã và đang triển khai thi công, anh Nguyễn Hữu Hải, Phó Ban Điều hành dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn kể, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công dự án chính là địa hình. 

Khu vực này có tầng đất yếu rất dày. Hiện trạng là đồng ruộng, ao, hồ, lạch, sình lầy nhiều. Do đó, phải bóc hết chiều dày tầng đất yếu và thi công đắp vượt qua được cao độ tự nhiên để khi mưa xuống không bị ảnh hưởng đến chất lượng nền đắp.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: Hành trình tư đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam
Bên trong nhà ga là hình ảnh vịnh Hạ Long qua những bức tranh kính 3D độc đáo

Khó khăn nữa theo anh Hải là nước thủy triều lên xuống không đều nhau. Có những thời điểm như vào tháng 7- 8, thủy triều cao vượt ngưỡng mức nước bình quân, hệ thống đê quai bị ảnh hưởng, công việc bơm nước mất nhiều thời gian hơn, cộng với diện tích thi công quá rộng, phải bơm hết nước rồi mới thi công tiếp theo được.

Thời tiết ở đây cũng kỳ lạ! Mưa rất to, đất ở đây là đất sét, trời mưa thì trong phút chốc đất hóa thành bùn dẻo rất trơn, đi lại khó khăn vô cùng. Mùa hè lại nóng kinh khủng. Khi trời nắng khô, đi bụi mù mịt. Mỗi ngày kết thúc công việc về đến nhà người nhuộm đỏ hết, tắm nước đỏ quạch. 

"Làm ngoài công trường nắng gió, với áp lực tiến độ, nhân công có lúc lên đến 2.000 người. Trời nắng đến nỗi công nhân chỉ có thể làm từ 6 - 10 giờ sáng là phải nghỉ, chiều từ 3 - 7 giờ tối, rồi lại làm đêm, quá trình làm việc gần như không ngừng nghỉ. Năm 2016, mãi 29 Tết tôi và nhiều anh em mới được về", anh Hải nhớ lại thời gian này cách đây hai năm trước.

Là một trong những người đầu tiên đến với dự án từ những ngày đầu tiên khi mặt bằng dự án vẫn chỉ là rừng và biển, việc đầu tiên khi đến Vân Đồn của kỹ sư trắc đạc Nguyễn Thanh Tùng chính là đi cắm mốc quy hoạch của dự án, dùng những cây tre xịt sơn lên đầu làm dấu mốc để xác định ranh giới. 

Bao lần cắm xong lại bị dân nhổ lên ném đi, đập mốc, đập cây là từng đó lần Tùng phải vác máy đo đạc đến để truyền mốc làm lại. “Mỏ khai thác đất cứ cắm mốc xuống là dân đập đi, phải trắc đạc đến ba lần. Cuối cùng lần thứ ba, anh em cắm mốc xong thì gọi, rồi ngồi canh và chờ Trung tâm quỹ đất đến thực hiện nhận bàn giao ngay lập tức mới xong được việc", anh Tùng kể.

Đó cũng là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án khi người dân nơi đây gây khó khăn, không tin tưởng rằng dự án sẽ mang lại lợi ích cho vùng đất này và cho chính họ và thể hiện sự thiếu tin tưởng này một cách quyết liệt.

Việc thi công sân bay Vân Đồn khiến 249 hộ dân phải di dời, trong đó có không ít người không đồng tình và có cả những lão nông hăng hái tranh biện tới mức chính quyền cơ sở nơi này đặt cho ông biệt danh "giáo sư". 

Không phải người dân nào cũng tin tưởng vào việc dự án này có thể "làm lợi cho dân". Nhưng, những xung đột lớn đã may mắn không xảy ra, những gay cấn đã kết thúc trong hòa thuận khi chủ đầu tư đã kiên trì dùng nhiều phương pháp thuyết phục và đã thành công trong việc di dời những hộ dân khó tính nhất mà đã có lúc chính quyền địa phương phải tính tới phương pháp cưỡng chế. 

Ngay sau đó, từ tháng 9/2016, khi thời tiết nắng bắt đầu thuận lợi, công trường đã triển khai thi công một cách rầm rộ, công việc vận chuyển đất thải ra ngoài cũng như vận chuyển đất ở các mỏ nội bộ và các mỏ ngoài thuận lợi hơn. Cuối năm 2016, việc thi công hạng mục đắp nền đã cơ bản hoàn thành.

Sân bay Vân Đồn sau đó được xây dựng rất nhanh và đến nay dự án về đích ngoạn mục chỉ sau hơn hai năm xây dựng. Vùng đất trước kia chỉ là bãi sình lầy thì nay đã trở thành sân bay hiện đại nhất Việt Nam.

Vân Đồn: Từ đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam 1
Sảnh chờ sang trọng như khách sạn ở sân bay Vân Đồn

Đến cảng hàng không quốc tế hiện đại nhất Việt Nam

Với số vốn khoảng 7.700 tỷ đồng, là sân bay cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO, sân bay quân sự cấp II, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới, bao gồm cả loại máy bay lớn nhất như Boeing 787, Airbus 350 trong tương lai.

Sân bay có công suất nhà ga giai đoạn 1 đạt 2,5 triệu hành khách/ năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Nói về sự hiện đại của sân bay Vân Đồn, bà Romy Berntsen, Quản lý dự án Công ty NACO khẳng định, đây là sân bay hiện đại nhất Việt Nam và say sưa kể về những những công nghệ tiên tiến mà dự án này đang áp dụng. 

Trong đó, những từ được bà Romy nói đến nhiều nhất có lẽ là "hiện đại nhất", "hiện đại hàng đầu", "lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam".

Theo vị chuyên gia người Hà Lan này, sân bay được xây dựng đường cất - hạ cánh với hệ thống tiếp cận hạ cánh chuẩn CAT2 ILS hiện đại hàng đầu Việt Nam hiện nay. Hệ thống đèn tiếp cận hạ cánh chuẩn CAT2 công nghệ LED. Việc này giúp sân bay sẵn sàng cho sự phát triển trong tương lai và sự tăng trưởng của lượng hành khách đến cảng trong các năm tới mà không cần phải điều chỉnh gì đối với khu bay.

Về ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sân bay, có thể kể tới như hệ thống trả khay tự động Ilane của hãng Smiths được tích hợp với máy soi đa chiều tiên tiến nhất khu vực châu Á, lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam.

Đây là hệ thống hiện đại bậc nhất khu vực hiện nay, hoạt động chính xác, hiệu quả, giúp tiết kiệm nguồn nhân lực cho nhà vận hành và thời gian của du khách. Hệ thống này không chỉ giúp sân bay thắt chặt hơn mức độ an ninh mà còn giúp việc soi chiếu hành khách diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm được khoảng thời gian quý báu của hành khách. Chi phí đầu tư cho hệ thống trả khay tự động cao hơn 30% so với hệ thống trả khay ở các sân bay đang áp dụng tại các sân bay Việt Nam.

Sở hữu hệ thống cơ sở vật chất mới và hiện đại, sân bay Vân Đồn với thiết kế như hiện nay rất phù hợp để phục vụ cho 2,5 triệu hành khách mỗi năm và hệ thống đường băng đủ khả năng đón nhận bất kì máy bay cỡ lớn nào như Boeing 787 và Airbus 350.

Đặc biệt, với năng lực thiết kế hiện nay, sân bay Vân Đồn hoàn toàn có thể mở rộng thêm nữa trong tương lai. Việc mở rộng cảng hàng không có thể diễn ra sau khoảng 10 tới 15 năm tới, bà Romy chia sẻ.

Ưu tiên hàng đầu cho trải nghiệm dịch vụ của khách hàng

Không chỉ hiện đại, sân bay Vân Đồn còn hướng tới việc mang lại trải nghiệm thoải mái nhất cho khách hàng. Theo bà Romy, chủ đầu tư Sun Group vốn có sẵn thế mạnh trong việc xây dựng, phát triển và khai thác các hệ thống vui chơi nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp, do đó, khác với các sân bay khác của Việt Nam, Sun Group biết cách để đặt trải nghiệm và dịch vụ dành cho hành khách lên ưu tiên hàng đầu.

Đơn cử như việc di chuyển liên tục trong nhà ga rộng lớn ít nhiều sẽ gây cảm giác mệt mỏi, căng thẳng cho các hành khách đang vội vã lên chuyến bay, hoặc những du khách còn bỡ ngỡ, xa lạ khi lần đầu tiên đến Vân Đồn, kiến trúc sư Jeannie Chew, Quản lý dự án tư vấn thiết kế nhà ga và tháp không lưu sân bay Vân Đồn cho biết, các nhà thiết kế đã chủ động tạo nên một không gian thân thiện với du khách bằng việc tái hiện lại những cảnh quan đẹp nhất của Vịnh Hạ Long.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: Hành trình tư đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam 2
Khu vực chờ bay của sân bay Vân Đồn được thiết kế như một khu resort với rất nhiều cây xanh

Các vật liệu kiến trúc nội thất cũng được chọn lọc kĩ càng, tận dụng tối đa các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, màu sắc trang nhã, hài hòa để tạo nên một không gian gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, giúp xoa dịu mọi căng thẳng, mệt nhọc của du khách trên những chuyến đi.

Mọi hành khách khi đáp chuyến bay xuống Vân Đồn sẽ được đón chào bằng “tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá cây xào xạc” – một không gian xanh và ngập tràn ánh sáng thư thái ngay trong chính nơi những hoạt động vẫn đang hối hả diễn ra, bà Jeannie cho hay.

Hệ thống mái sảnh hứng sáng, những bức tường kính lớn nối từ sàn lên tới trần cũng là những hạng mục giúp làm tăng sự thích thú cho du khách, vừa giúp hành khách có thể nhìn ngắm rõ bầu trời, mặt đất và cảnh quan xung quanh, vừa phù hợp với khí hậu nhiệt đới của vùng bản địa khi giúp chống lại nắng, mưa, giảm bức xạ nhiệt lại tiết kiệm năng lượng tối đa. 

Một yếu tố nữa quan trọng không kém là phong cách thiết kế với tính thẩm mỹ luôn được đảm bảo, đem đến cho hành khách một không gian kiến trúc nội thất mang vẻ đẹp hiện đại, lịch lãm, tinh tế.

Để chia không gian mênh mông của nhà ga, các sân vườn và hệ thống vườn treo đã được tạo nên, cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa trong không gian, là điểm nhấn kiến trúc tạo hiệu ứng nghi cho thị giác của hành khách khi họ di chuyển trong không gian Nhà ga.

Hạ Long sẽ có một “cửa ngõ” đem đến cho du khách một cảm giác vô cùng dễ chịu ngay từ khi bước chân xuống sân bay. Mục tiêu của việc xây thiết kế dựng là tạo nên một công trình độc đáo và có những dấu ấn riêng biệt, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách, khiến du khách lập tức có ngay những ấn tượng tốt đẹp, lưu giữ lại những ấn tượng ban đầu khó phai, kiến trúc sư Jeannie Chew nhấn mạnh.

Không chỉ "chiều" khách hàng bằng thiết kế, sân bay Vân Đồn còn đầu tư tỷ mỉ cho dịch vụ. Theo đó, khác với các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất hay Cam Ranh đều là sân bay nhà nước, và những sân bay nhà nước thường dễ dàng chấp nhận những tiêu chuẩn "du di hơn một chút" về dịch vụ, thì ở cảng hàng không tư nhân, những yêu cầu về dịch vụ và chất lượng đang được đặt cao hơn rất nhiều.

Một điểm nhấn ở sân bay Vân Đồn là mục đích không phải chỉ là sân bay đưa đón khách hàng ngày mà là sân bay đẳng cấp với dịch vụ 5 sao.

Từng là một người đã có 15 năm làm việc tại các sân bay trên khắp Việt Nam, hành trình của chị Phạm Thị Quỳnh Trang đến với Vân Đồn cũng giống như “sứ mệnh người khai mở” của Sun Group. Tất cả các sân bay chị Trang đã công tác đều vào giai đoạn bắt đầu dự án mới, như khi ở Nội Bài đang bắt đầu xây dựng T2 Nội Bài, sau đó tiếp tục phụ trách nhà ga Quốc tế T2 của Đà Nẵng và xong việc ở T2 Đà Nẵng lại chuyển sang làm T2 Cam Ranh.

"Ở Vân Đồn mọi thứ đều làm từ đầu như sứ mệnh “người khai mở”, nên tôi muốn về đây để xem rằng cơ hội và khả năng của mình ra sao khi làm việc ở môi trường mới, và sẽ có những cơ hội cũng là những thử thách lớn để học tập, để rèn luyện hơn về mặt chuyên môn cũng như về kĩ năng quản lý của tôi', chị Trang tâm sự.

Vân Đồn: Từ đầm lầy chăn vịt đến sân bay hiện đại nhất Việt Nam 3
Từng nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng từng chi tiết nghiệp vụ

Nhận nhiệm vụ Trưởng phòng dịch vụ nhà ga của cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chị Trang có cảm xúc rất khác biệt so với những nơi chị từng đến. Theo chị Trang, ở một môi trường như cảng hàng không tư nhân thì vai trò của người quản lý vừa làm về chuyên môn vừa làm quản lý sẽ còn nặng nề hơn, bởi dịch vụ sân bay hướng tới là sân bay phục vụ khách hàng mang đẳng cấp nhất nên chất lượng dịch vụ phải vượt trội.

Tuy nhiên, hầu hết nhân sự ở đây là người Quảng Ninh và xuất phát điểm là làm những ngành nghề xung quanh đây, không phải trình độ quá cao siêu. Vì thế, nhân viên được đào tạo từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, như cách khoanh nét bút thế nào trên thẻ lên máy bay của khách, cách cười, cách chào như thế nào cũng cần hết sức chỉn chu.

"Ví dụ như dạy các bạn cách cười thôi, từ việc các bạn chỉ tay như thế nào, khoanh nét bút thế nào trên thẻ lên máy bay của khách, từ cách chào, các bạn chào mười, hai mươi lần mỗi ngày, chỉ hai bạn đứng cúi đầu chào nhau thôi cũng phải làm. Các bạn xếp hai hàng cúi đầu chào nhau hàng ngày. Những thứ rất nhỏ mình cũng phải dạy như màu son, màu mắt các bạn dùng thế nào tôi cũng phải đưa vào ý tưởng để các bạn làm theo. Có vậy mới thành chuyên nghiệp được", chị Trang chia sẻ.

Giờ đây, chị Trang cũng như tất cả cán bộ, nhân viên của sân bay Vân Đồn đều háo hức chờ đợi chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày mai.