Tầm nhìn về bền vững của ‘vua hồ tiêu’ Phan Minh Thông

Kiều Mai - 10:10, 29/01/2024

TheLEADERPhát triển bền vững là điều kiện tiên quyết nếu doanh nghiệp muốn ra biển lớn.

Sau hơn hai thập kỷ kinh doanh và phát triển, Phúc Sinh đã trở thành công ty đứng đầu Việt Nam về xuất nhập khẩu hồ tiêu, cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước.

Vị thế dẫn đầu thị trường ngày hôm nay là "trái ngọt" của cả quá trình dài đầy nỗ lực và kiên trì của Phúc Sinh với các yếu tố phát triển bền vững, bao gồm môi trường xung quanh, các đối tác trong chuỗi cung ứng và nội bộ doanh nghiệp.

Trao đổi với TheLEADER nhân dịp đầu Xuân 2024, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group Phan Minh Thông đã bộc bạch những tâm sự về phát triển bền vững, nhìn lại những thành tựu của doanh nghiệp và hướng tới tương lai.

Tầm nhìn về bền vững của ‘vua hồ tiêu’ Phan Minh Thông
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới? Vì sao lại có sự chuyển dịch như vậy?

Ông Phan Minh Thông: Xu hướng phát triển bền vững hiện nay có thể nói là xu hướng mà chúng ta đã và sẽ không thể cưỡng lại. Điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Trên thực tế, những tín hiệu đầu tiên về phát triển bền vững đã cách đây 15 năm và đó cũng gần như là khoảng thời gian mà Phúc Sinh hành động và hướng tới mục tiêu này.

Trong các ngành nói chung và ngành thực phẩm, nông nghiệp thực phẩm nói riêng, sự phát triển bền vững là điều quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.

Nói rõ hơn, phát triển bền vững có thể hiểu là sự phát triển đồng bộ cả vùng trồng trọt, đất đai, sản xuất, môi trường, con người, từ người nông dân, công nhân đến cả khối văn phòng.

Không chỉ vậy, quá trình đó còn bao gồm cả những đối tượng tham gia vào quá trình mua bán, trao đổi.

Tôi nghĩ rằng, phát triển bền vững là điều tối quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Lý do rất đơn giản, doanh nghiệp bảo vệ được môi trường, đất đai, con người, sức khỏe của những người liên quan thì doanh nghiệp đó mới có thể tồn tại.

Nếu doanh nghiệp không làm, môi trường sẽ bị hủy hoại, đồng nghĩa với sự sống của doanh nghiệp cũng sẽ rất mong manh.

Theo ông, các hành động hướng tới phát triển bền vững dựa trên các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp nói chung và phúc sinh nói riêng?

Ông Phan Minh Thông: Theo tôi, ba yếu tố này rất quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Môi trường ở đây là nơi doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp cần phải quản lý, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực trong hoạt động.

Quản trị ở đây không chỉ là quản trị nội bộ mà còn là sự quản lý các mối quan hệ bên ngoài, như kết nối với các chính quyền, các đối tác.

Những yếu tố này sẽ kết nối, tạo thành nền tảng vững chắc, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, thế kỷ tới.

Với Phúc Sinh, chúng tôi đã làm phát triển bền vững cách đây 13 năm khi có được các chứng nhận về phát triển bền vững do Hà Lan, Anh quốc cấp. Đặc biệt, Phúc Sinh đã có chứng nhận Rainforest Alliance (RA) cách đây gần 10 năm. Đây là chứng nhận đầu tiên về ngành hạt tiêu tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn hợp tác với chính quyền địa phương phát triển đất đai, trồng trọt, an toàn vệ sinh thực phẩm – những yếu tố quan trọng trong vấn đề sản xuất thực phẩm.

Ban đầu, phát triển bền vững chưa nhận được nhiều sự quan tâm nhưng dần dần, nó đã trở thành gần như là điều bắt buộc không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, đặc biệt là sau đại dịch.

Tất cả doanh nghiệp muốn kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam hay phát triển hơn nữa, hay xuất khẩu đa quốc gia đến những thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ hay là Hàn Quốc, Đài Loan đã và sẽ phải tuân thủ những cái yếu tố phát triển bền vững như thế vậy.

Tầm nhìn về bền vững của ‘vua hồ tiêu’ Phan Minh Thông 1
Dây chuyển sản xuất hiện đại của Phúc Sinh Group

Giữa năm nay, Phúc Sinh Group đã ký kết với công ty SAP và ATS Việt Nam triển khai dự án giải pháp SAP Analytics Cloud (SAC). Giải pháp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ gì cho Phúc Sinh và tại sao, Phúc Sinh lại ưu tiên chuyển đổi số, minh bạch trong điều hành kinh doanh?

Ông Phan Minh Thông: Trên thực tế, chúng tôi đã làm hệ thống phần mềm số hóa cách đây 17 năm. Chúng tôi có đội ngũ công nghệ thông tin nội bộ cũng như mua rất nhiều các phần mềm outsourcing.

Công nghệ thông tin giúp cho Phúc Sinh phát triển một cách nó bền vững và an toàn.

Việc ký kết với SAP và ATS là phần tiếp theo chúng tôi triển khai trong khía cạnh quản trị - một yếu tố mang tính dự báo quan trọng.

Bằng việc "Fit to standard" (phù hợp với tiêu chuẩn) của SAC về báo cáo tài chính và thông lệ kế toán, kết hợp các yếu tố ESG vào quy trình ra quyết định, Phúc Sinh có thể đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần vào các sáng kiến bền vững và đồng thời, đạt được lợi nhuận lâu dài.

Chuyển đổi số giúp hệ thống của chúng tôi minh bạch hơn – yếu tố sống còn với điều hành và quản trị doanh nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống phần mềm còn giúp chúng ta giảm được số lượng và sức lực của con người, cũng như giúp doanh nghiệp có thể tính toán, hệ thống hóa số liệu với sai sót thấp hơn, từ đó có thể cho thấy nhiều dự báo trong tương lai.

Từ kinh nghiệm của Phúc Sinh trong việc xây dựng phần mềm hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, đâu là những khó khăn trong quá trình triển khai này?

Ông Phan Minh Thông: Thực sự thì việc xây dựng phần mềm vô cùng thách thức và khó khăn, từ vấn đề tiền bạc đến nhận thức, rồi đầu tư về thời gian, kiến thức.

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp phải có một tư duy tốt thì mới dám quyết định đầu tư vào công nghệ thông tin một cách kiên trì.

Chúng ta thấy ngay cả các hệ thống các hệ thống điện thoại thông minh trên toàn thế giới mỗi năm cũng đưa ra nhiều phiên bản cập nhật, chứng tỏ rằng ngay cả những công nghệ hiện đại, mới nhất thì lỗi vẫn có thể xảy ra.

Do vậy, doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn tốt và tư duy bình tĩnh, ổn định và kiên định trong vấn đề hệ thống số hóa.

Xin cảm ơn ông!