Doanh nghiệp
Tập đoàn tư nhân ồ ạt mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước
Làn sóng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang tạo cơ hội cho nhiều tập đoàn tư nhân kiểm soát các công ty nhà nước và tạo thêm lợi ích cho chuỗi giá trị hoạt động của họ.
Tài liệu cổ phần hóa của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) là công ty duy nhất đủ điều kiện làm nhà đầu tư chiến lược, nắm giữ 65% cổ phần của Hapro.
Vinamco thường được gọi tắt là Honda Tây Hồ và là một đơn vị có liên quan đến tập đoàn BRG. Đây không phải là lần đầu tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Thị Nga tham gia mua cổ phần chi phối một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
Tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và sân golf này trước đó đã mua cổ phần của Thăng Long GTC, Intimex, In Trần Phú, Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam).
Sau khi diễn ra chậm chạp trong vài năm trước, làn sóng IPO các doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh gần đây. Một danh sách hàng trăm doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đã được lên kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 – 2020.
Đây là cơ hội để nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn tư nhân trong nước nắm giữ cổ phần chi phối của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực.
Mới đây, doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam là Vinafood II đã chọn tập đoàn T&T làm cổ đông chiến lược. Trong khi đó, công ty Sacom và công ty Đầu tư U&I đang được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade Corp). Đây là doanh nghiệp hoạt động đa nghành tại Bình Dương sẽ IPO vào ngày 28/03.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là một trong những nhà đầu tư tích cực tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước trong vài năm qua. Sau khi bỏ ra 490 tỷ đồng để mua 98% cổ phần của Cảng Quảng Ninh từ tay Vinalines, T&T tiếp tục trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện Giao thông vận tải, Bia Việt Hà, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco). Tập đoàn này cũng đã mua 50% Công ty xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), đơn vị thành viên Hapro.
Chia sẻ quan điểm về xu hướng nói trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Đây là điều dễ hiểu và nên hoan nghênh, còn tốt hơn cả việc để cho các tập đoàn nước ngoài nắm giữ.”
Theo ông Doanh, các tập đoàn tư nhân Việt Nam đều có năng lực tài chính và năng lực quản trị tốt. Họ có thể tham gia vào HĐQT để góp phần làm cho quá trình quản lý của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế của luật doanh nghiệp cho công ty cổ phần. Đặc biệt, họ có thể có những thay đổi trong nhân sự làm cho quá trình bổ nhiệm, quản lý nhân sự ở các tập đoàn này công khai minh bạch hơn và có thể thu hút thêm những nhân sự chất lượng tham gia vào công ty.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế lưu ý đến vấn đề định giá tài sản khi cổ phần hóa. Muốn định giá tài sản chính xác phải có tư vấn độc lập, có quá trình giám sát, công khai, minh bạch. Điều này sẽ hạn chế tình trạng tài sản nhà nước bị định giá quá thấp, gây thất thoát trong quá trình cổ phần.
Có thể nhận thấy, ngoài mẫu số chung về “đất vàng” thì việc đầu tư của các tập đoàn trên vào các doanh nghiệp nhà nước đều tạo thêm lợi ích cho chuỗi giá trị của họ.
Hapro có quỹ đất rộng lớn tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM đồng thời dẫn đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hằng nông sản, thực phẩm với doanh thu xuất khẩu gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm. Những yếu tố này khiến Hapro trở thành mục tiêu thâu tóm phù hợp với tập đoàn BRG.
Còn tập đoàn T&T đang thể hiện tham vọng tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến nông sản. Doanh thu xuất khẩu nông sản của tập đoàn này lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm và nếu trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, T&T tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực nông sản.
Năm ngoái, một số doanh nghiệp lớn khác cũng lựa chọn các tập đoàn tư nhân làm cổ đông chiến lược như Tập đoàn SSG và Tập đoàn Bitexco tại IDICO hay Tập đoàn Đầu tư Việt Phương tại Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm).
Trước đó, một loạt các Tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã được cổ phần hóa với sự tham gia mua cổ phần của các công ty tư nhân như Yên Khánh, Tuấn Lộc, Xuân Cầu.
Hapro trở thành mục tiêu thâu tóm của tập đoàn BRG
Đầu tư bền vững: Bảo vệ tương lai từ những quyết định hôm nay
Đầu tư bền vững tương tự cách chúng ta chọn lọc, chỉ đánh bắt con cá đã đủ trưởng thành làm thực phẩm, để lại các con cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh trưởng.
Kim chỉ nam cho thương hiệu Việt trên sân chơi toàn cầu
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Buýt 'xanh' sẽ phủ kín Hà Nội vào năm 2035
Xe buýt điện, năng lượng xanh sẽ thay thế toàn bộ xe buýt diezel để vận tải hành khách công cộng Thủ đô vào năm 2035.
Cách doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng thông qua tác động xã hội
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.
Tăng trưởng vượt bậc, Chứng khoán Kafi đẩy mạnh tăng vốn
Từ năm 2022, sự góp mặt của cổ đông Uniben và đợt tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng đã đem tới "bước ngoặt" cho sự phát triển của Chứng khoán Kafi.
Nông dân Việt hưởng ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Phát thải ròng bằng 0 được đông đảo người nông dân hưởng ứng và xem như cơ hội để đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế.
Nam Long tiếp tục 'đảo nợ' 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Nam Long phải phát hành trái phiếu để “đảo nợ” trong năm 2024.