Thấy gì từ thông điệp 'Make in Vietnam' của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng?

Việt Hưng - 16:00, 09/05/2019

TheLEADERBằng thông điệp "Make in Vietnam", Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và "Make in Vietnam" toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Xuyên suốt Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khai mạc sáng 9/5 tại Hà Nội là thông điệp "Make in Vietnam" được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)  Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh mang nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Thông điệp "Make in Vietnam" lần đầu được Bộ TT&TT lần đầu chia sẻ trong Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar hồi trung tuần tháng 12/2018, khi đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình diễn với các cơ quan, doanh nghiệp nước bạn Myanmar.

Tới tháng 1/2019, "Make in Vietnam" tiếp tục trở thành chủ đề của Triển lãm công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông tin và Truyền thông.

Triển lãm này có sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…) của các doanh nghiệp, nhằm khẳng định năng lực của các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

"Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thông điệp "Make in Vietnam" mang ý nghĩa, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và "Make in Vietnam" toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Dẫn chứng về LinkSpace, một startup công nghệ của Trung Quốc - doanh nghiệp tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng, ông Hùng đặt vấn đề các kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi của Việt Nam cần làm được điều tương tự. Bởi ngoài tạo ra sự thịnh vượng, các công ty công nghệ còn góp phần duy trì hòa bình lâu dài.

"Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng quốc phòng", người đứng đầu Bộ TT&TT nói.

Ông nêu ví dụ, các công ty không thể sản xuất, marketing hiệu quả nếu không áp dụng công nghệ. Các công ty công nghệ, sản suất công nghệ đều là nhân tố quan trọng để phát triển Việt Nam Vì vậy, phát triển doanh nghiệp công nghệ là ưu tiên số 1. Mục tiêu năm 2020, cả nước có 100.000 doanh nghiệp công nghệ.

Bộ trưởng cũng khẳng định phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số một với mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030.