Thị trường chứng khoán cần "thanh lọc" để phát triển bền vững

Dũng Phạm - 13:39, 20/07/2023

TheLEADERViệc loại bỏ đi những gam màu "buồn" là cần thiết và cấp bách, giúp môi trường đầu tư ngày càng trong sạch, phát triển bền vững, đặc biệt, làm ổn định tâm lý nhà đầu tư, giới doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức hôm 19/7 được chú ý với sự tham dự của các đại diện đến từ cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, các định chế trung gian và cộng đồng doanh nghiệp, cùng trao đổi, phân tích và đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. 

Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm “hàng hóa” mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư. Qua đó cản trở việc tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng. Do vậy, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.

Chia sẻ về “Thực trạng và giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn trong giai đoạn hiện nay”, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen. Trong đó, mảng tối dường như chiếm ưu thế khi mà thực tế sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay", rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp.

Về nguyên nhân, có thể thấy trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, đa số các nguyên nhân cản trở thị trường này chủ yếu mang tính khách quan ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường. 

Dù vậy, nỗ lực khắc phục những yếu tố chủ quan như sự vào cuộc cải tổ mạnh mẽ bộ máy, tăng cường giám sát thị trường của các nhà chính sách, cơ quan quản lý là điều giới đầu tư nhận thấy rõ trong thời gian qua.

Theo số liệu từ UBCKNN, đã có tổng cộng 495 tổ chức, cá nhân vi phạm chịu xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 39 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua. Trước đó, trong năm 2021, cơ quan này đã ban hành tất cả là 471 quyết định xử phạt hành chính.

Những vụ việc gây “chấn động thị trường” xảy ra ở các doanh nghiệp trên thị trường như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,… hay gần đây nhất là nhóm các công ty trong “hệ sinh thái” tập đoàn APEC để lại nhiều hậu quả nhưng cũng không ít bài học cho giới đầu tư cũng như những lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thị trường.

Thậm chí, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo cũ của UBCKNN cũng vướng vào vòng lao lý. Việc loại bỏ đi những “gam màu buồn” là cần thiết và cấp bách, đáp ứng được mong mỏi của dư luận và giúp môi trường đầu tư ngày càng trong sạch, phát triển bền vững, đặc biệt, làm ổn định tâm lý nhà đầu tư, giới doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung. 

Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào đều cần trải qua sự "thanh lọc" để có thể phát triển một cách lâu dài, bền vững.

Thị trường chứng khoán cần "thanh lọc" để phát triển lâu dài, bền vững
Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB

Bên cạnh những cải cách về cơ chế quản lý pháp lý, các chính sách tài khoá và tiền tệ kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lạm phát đã cơ bản kiểm soát được, tỷ giá hối đoái duy trì ở mức cân bằng dù cho áp lực lạm phát luôn duy trì ở mức cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.

Đây là điều rất tích cực, bởi chỉ khi doanh nghiệp – đơn vị cung cấp hàng hóa ra "chợ" được tháo gỡ khó khăn, thì thị trường chứng khoán mới có thể phát triển – ông Huỳnh nhấn mạnh về vấn đề “Nhà chưa đủ ăn thì làm sao mang ra chợ bán” trong bài chia sẻ.

Nhờ sự vào cuộc toàn diện của cả bộ máy chính trị, kết quả đã thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản có phiên lên đến 19.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại. VN-Index từ vùng thấp chỉ 900 điểm, nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.

Bên cạnh sự vào cuộc chung tay “thanh lọc” của các cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cũng đều cần có sự tái cơ cấu minh bạch và nỗ lực phát triển trong bối cảnh các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải được đảm bảo với báo cáo tài chính “sạch sẽ”, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm…

Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố chính cần phải khắc phục nhằm phát triển hoạt động niêm yết của doanh nghiệp khi mà các quan điểm chính sách, quy định hiện đang rộng mở, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đăng ký niêm yết lên sàn.