Thời cơ để khơi dậy sức mạnh mãnh liệt của doanh nghiệp tư nhân

Thu Phương - 11:37, 29/01/2022

TheLEADERViệt Nam đang nhìn vào doanh nghiệp tư nhân trong đợt khủng hoảng lần này với một vai trò rất mới, như một nguồn lực, một thế lực quan trọng giúp cho nền kinh tế không chỉ phục hồi mà còn trỗi dậy và vươn lên mạnh mẽ sau dịch.

Những ngày cuối năm, tại căn phòng trên tầng 12, Tòa nhà của Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng vẫn bận rộn với công việc, gắn liền với những trăn trở của ông về triển vọng bức tranh phục hồi sau cơn đại dịch Covid-19 của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế đang ở trong tình thế khó khăn do dịch bệnh, ông Thiên vẫn tin vào sức mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt.

Ông cho rằng, trong bản thân các doanh nghiệp tư nhân luôn tồn tại một sức mạnh ghê gớm. Càng trong khủng hoảng, sức sống của doanh nghiệp càng mạnh mẽ. Chỉ cần Chính phủ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, phất cờ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, nó sẽ ngay lập tức trỗi dậy, dẫn dắt cả nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, vươn lên vững vàng.

Thời cơ để khơi dậy sức mạnh mãnh liệt của doanh nghiệp tư nhân
PGS. TS. Trần Đình Thiên

Lực lượng dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khó khăn

Trong dòng chảy kinh tế Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân luôn được coi là “lực đẩy” giúp nền kinh tế phục hồi sau mỗi lần khủng hoảng. Nhưng sau 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, có vẻ đây là khu vực chịu tổn thương nặng nề nhất. Liệu doanh nghiệp tư nhân có tiếp tục khẳng định được vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình trong bối cảnh mới, thưa ông?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Đến bây giờ thì không ai còn nghi ngờ về vai trò lịch sử to lớn của kinh tế tư nhân, của khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế Việt Nam.

Sau 30 năm cải cách, từ chỗ chưa thừa nhận đầy đủ thì cách đây vài năm, Đảng ta cũng đã thừa nhận kinh tế tư nhân là một “động lực” của tăng trưởng kinh tế, và sau đó ít lâu, thừa nhận đó là “động lực quan trọng”.

Ở đây có vấn đề là tại sao trước đó khu vực này không được thừa nhận, sau lại được thừa nhận là có vai trò quan trọng như vậy. Hiểu được lịch sử này thấu đáo, khách quan, tôi nghĩ, rất quan trọng. Cần thấy rằng nền kinh tế miền Nam trước giải phóng đã là kinh tế thị trường khá phát triển; còn ở miền Bắc là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, đương nhiên không thừa nhận kinh tế tư nhân, hoặc có thừa nhận cũng chỉ là thừa nhận vài hoạt động lặt vặt như cắt tóc, lò rèn, hàng phở… không đáng kể. Thực chất là phủ nhận kinh tế tư nhân. Trong không gian đó, doanh nghiệp tư nhân đương nhiên không có đất để phát triển.

Tuy nhiên, một thời gian dài 10 năm sau thống nhất đất nước, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung “thống trị” đã không giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Đó là 10 năm “tranh đấu” để khẳng định quyền tồn tại và ưu thế phát triển giữa cơ chế kinh tế thị trường và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Chính sự xung đột giữa một bên muốn áp đặt cơ chế bao cấp vào nền kinh tế miền Nam và một bên là cơ chế kinh tế thị trường “len lỏi” ra miền Bắc đã khiến nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng suốt nửa đầu thập niên 1980.

Đến năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta đã thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, điểm mấu chốt là kinh tế tư nhân, cho phép họ tồn tại và phát triển. Kể từ đó, kinh tế Việt Nam có một bước ngoặt phát triển “thần kỳ” – nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng với một sức vươn mạnh mẽ chưa từng thấy. Có thể nói chính là hai thành tố - đường lối chuyển sang kinh tế thị trường của Đảng và sức sống mãnh liệt của lực lượng kinh tế tư nhân - đã tạo nên bước ngoặt quan trọng bậc nhất trong lịch sử phát triển kinh tế hiện đại của đất nước. Sự kiện này chứng minh sức mạnh tiềm tàng trong bản thân các doanh nghiệp tư nhân: vốn là khu vực lâu nay vẫn bị “kỳ thị”, thậm chí bị “triệt hạ”, rất nhỏ và yếu, chỉ cần “gặp thời”, chưa cần cung cấp điều kiện nọ, điều kiện kia đã trỗi dậy phi thường, cứu nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng, bắt nhịp vào quỹ đạo tăng trưởng hiện đại.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, sau đó, tuy vai trò của khu vực tư nhân ít nhiều được nhà nước thừa nhận, song thực tế vẫn không được đánh giá cao. Nó vẫn là lực lượng bị kỳ thị và phân biệt đối xử, trong khi hai thành phần kinh tế đại diện cho kế hoạch hoá tập trung là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã vẫn giữ vai trò “chủ đạo” trong nền kinh tế.

Thực tế cho thấy rằng, việc đặt thành phần kinh tế tư nhân nói chung, khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn “đứng bên lề” phát triển của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đã lựa chọn thực thi là nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, hiệu quả không cao trong nhiều giai đoạn cụ thể. Tất nhiên, còn có những lý do khác giải thích thực trạng này, song nguyên nhân quan trọng bậc nhất chính là cách tiếp cận phát triển kinh tế thị trường chưa thực thông suốt; còn khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được coi trọng đầy đủ.

Gần đây, khi nền kinh tế tăng trưởng khó khăn (giai đoạn 2009-2016), Đảng ta lại coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Sau đó, như chúng ta thấy, trong giai đoạn 2017-2019, nền kinh tế lại “tươi tỉnh” trở lại. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân lại càng được khẳng định, đúng như lịch sử thế giới đã thừa nhận, có vai trò quyết định phát triển trong nền kinh tế thị trường.

Tại Việt Nam, việc thừa nhận kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân bị chậm và còn nhiều ngại ngùng đã khiến cho nhiều nguồn lực, cơ hội bị lãng phí, đánh mất.

Thời cơ để khơi dậy sức mạnh mãnh liệt của doanh nghiệp tư nhân 1
Chỉ cần Chính phủ tháo gỡ trói buộc, hỗ trợ tiếp sức đúng cách, các doanh nghiệp tư nhân lại sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, vực nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đó là những đợt khủng hoảng trước. Còn hiện nay là khủng hoảng do dịch bệnh? Liệu khu vực kinh tế tư nhân có tiếp tục giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid gây ra có sức tàn phá ghê gớm. Chỉ cần biến thể delta của con virus corona quét qua, nền kinh tế vốn tăng trưởng trong 2 quý đầu năm 2021 đã bị suy giảm tăng trưởng nặng nề trong quý III, rơi xuống “âm” 6,17%. Đây là mức tăng trưởng thấp chưa từng có trong nền kinh tế đổi mới của chúng ta. Các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhất là đầu tàu TP. Hồ Chí Minh, bị sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện nay, khí thế, niềm tin, sự lạc quan của các doanh nghiệp tư nhân đang được khôi phục. Chỉ cần Chính phủ có giải pháp hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khủng hoảng là điều có thể thấy rõ"
Tiến sĩ Trần Đình Thiên

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nền kinh tế vẫn chưa “loạn nhịp”. Chính phủ vẫn điều hành vững; khu vực tư nhân và khu vực FDI vẫn giữ được niềm tin, nền kinh tế vẫn “trụ hạng” được.

Mặt khác, phải thấy rằng đi qua đại dịch, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nội lực vốn còn yếu, nên chịu tổn thương rất nặng. Nhưng, cũng giống như các đợt khủng hoảng trong lịch sử trước đây, tôi nghĩ rằng chỉ cần Chính phủ tháo gỡ trói buộc, hỗ trợ tiếp sức đúng cách, các doanh nghiệp tư nhân lại sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, vực nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Tại sao ông có niềm tin mạnh mẽ về việc doanh nghiệp tư nhân có sức mạnh chống đỡ cho nền kinh tế sau khủng hoảng như vậy?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Mỗi nền kinh tế đều có cấu trúc riêng của nó. Trong kinh tế thị trường, có hai yếu tố cốt lõi là quyền sở hữu độc lập và tư cách chủ thể kinh tế bình đẳng phải được thừa nhận.

Các chủ thể kinh tế thị trường phải độc lập. Kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng phải “độc lập” chứ không “lệ thuộc” vào hành chính nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân lại càng phải độc lập. Đồng thời, không được “phân biệt đối xử” đối với doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam đã chấp nhận kinh tế thị trường nhưng dường như chưa muốn chấp nhận đầy đủ các nguyên lý cơ bản của nó. Ta cũng chưa quan tâm phát triển các thị trường đúng kiểu, điều hành vẫn dựa nhiều vào cơ chế xin - cho khiến nền kinh tế thị trường “méo mó”.

Cần phải nói thêm rằng, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung. Cho đến nay vẫn “đang chuyển đổi”, chưa sang “hẳn” kinh tế thị trường. Do vậy, mỗi lần khủng hoảng lại bộc lộ những điểm yếu cơ cấu, quá trình chuyển đổi chưa thông suốt, kiềm chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân khiến cả nền kinh tế tăng trưởng không nhanh như có thể.

Trong khó khăn, Chính phủ chỉ cần “cởi trói” cho tư nhân, không cấm đoán, kìm hãm, không tạo điều kiện để cơ chế “xin – cho” phát huy tác dụng, mở không gian cạnh tranh tự do cho họ, thì tự nhiên nền kinh tế sẽ phát triển đi lên.

Đợt khủng hoảng do Covid-19 này cũng vậy. Tất nhiên, lần này có vấn đề mới là những nguyên nhân khách quan do dịch bệnh. Trong bối cảnh thực lực nền kinh tế còn yếu, khi gặp những yếu tố đó, nguy cơ khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, càng những lúc khó khăn như hiện nay, Chính phủ càng biết cách phát huy khu vực tư nhân thì khả năng thoát khỏi khủng hoảng sẽ nhanh hơn. Hiện nay, khí thế, niềm tin, sự lạc quan của các doanh nghiệp tư nhân đang được khôi phục. Chỉ cần Chính phủ có giải pháp hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khủng hoảng là điều có thể thấy rõ.

Nội lực của quá trình chuyển đổi cộng với các điều kiện mới của thế giới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Chúng ta đang nhìn doanh nghiệp tư nhân lần này với một vai trò mới: là một toạ độ, một nguồn lực, một thế lực quan trọng giúp nền kinh tế không chỉ phục hồi mà còn trỗi dậy và vươn lên mạnh mẽ sau khủng hoảng. Đó là điều tôi đang hy vọng!

Cần giải pháp đột phá để giúp doanh nghiệp tư nhân thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình!

Liệu ông có đang quá lạc quan không khi mà phần lớn các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Khu vực tư nhân đang có đà phát triển rất tốt trong mấy năm nay. Song, không thể phủ nhận rằng, tư nhân Việt Nam chủ yếu là “nhỏ và siêu nhỏ”, đa phần hoạt động hiệu quả chưa cao, năng lực cạnh tranh yếu kém. Tuy hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã tiến xa hơn nhiều so với trước, song vẫn chưa đủ để đóng “tròn vai” sứ mệnh của mình.

Lâu nay, chỉ số phát triển doanh nghiệp được “reo hò” nhiều nhất là “số doanh nghiệp đăng ký thành lập”. Tuy nhiên, đó chỉ là chỉ số nặng về hình thức, quan trọng hơn phải là chất lượng của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện ở thực lực, đẳng cấp, sức mạnh của doanh nghiệp và kết cấu lực lượng doanh nghiệp.

Ngay cả trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp mạnh nhưng hoạt động rời rạc thì với tư cách là “lực lượng”, cấu trúc doanh nghiệp vẫn yếu, không thành một thế lực cạnh tranh quốc tế mạnh được. Nền kinh tế thế giới hiện được thiết kế theo chuỗi, liên kết toàn cầu, không còn kiểu doanh nghiệp nào biết doanh nghiệp ấy, mạnh ông nào ông ấy chạy. Không tập hợp thành một cấu trúc hữu cơ, gắn kết chặt chẽ, chúng ta không thể có lực lượng doanh nghiệp quốc gia mạnh được.

Thời gian tới, Chính phủ cần phải có chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp gắn kết với nhau trong chuỗi. Khái niệm “đại bàng” Việt cũng phải được hiểu trong vai trò dẫn dắt chuỗi chứ không thể “độc hành” được. Tất nhiên, để làm được điều này là không dễ dàng. Nhưng về logic là như vậy.

Nói đến “đại bàng” Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải thay đổi quan niệm về phát triển doanh nghiệp. Không thể hô hào phát triển doanh nghiệp chung chung mà cần định vị vai trò của các tập đoàn tư nhân lớn với vai trò dẫn dắt, tạo thành trụ cột trong nền kinh tế.

Những tập đoàn lớn hiện nay đang thể hiện sức vươn lên rất mạnh mẽ. Các doanh nghiệp này không chỉ lớn mạnh tại Việt Nam mà còn đang tiến ra toàn cầu. Tập đoàn TH, FPT, Viettel, Thaco, Hòa Phát hay Vingroup đang vươn ra ngoài, dựa vào năng lực của mình, nỗ lực làm chủ công nghệ cao nhất.

Với tiềm lực lớn đó, tương lai của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là rộng mở. Sức sống, sức vươn lên mạnh mẽ của họ được nuôi dưỡng bằng “tinh thần dân tộc” của các doanh nhân Việt.

Tiếp xúc với nhiều doanh nhân, tôi thấy họ đều có hoài bão, khát vọng rất lớn. Họ kinh doanh, “chiến đấu” trên thương trường vì tương lai của đất nước này. Tinh thần dân tộc, khát vọng đưa đất nước phát triển lớn mạnh trong đội ngũ doanh nhân rất mạnh mẽ.

Trước thực trạng đó, câu hỏi đặt ra không phải là doanh nghiệp tư nhân có đóng được vai trò là nền tảng, trụ cột của nền kinh tế vượt qua khủng hoảng hay không mà là Chính phủ phải có giải pháp gì để giúp họ thực hiện được vai trò của mình.

Thời cơ để khơi dậy sức mạnh mãnh liệt của doanh nghiệp tư nhân 3
Cầu Mống Sến, cây cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam với chiều cao 80m, sẽ ‘mở đường’ cho dòng vốn đầu tư tư nhân đổ vào Sa Pa.

Vậy theo ông, Chính phủ sẽ cần những giải pháp gì để giúp doanh nghiệp tư nhân hồi phục sau khó khăn, trở thành lực đẩy, dẫn dắt cả nền kinh tế Việt Nam đứng dậy sau khủng hoảng lúc này?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân là rất lớn, không thể phủ nhận. Nhưng để giúp khu vực đó phát triển mạnh hơn nữa, thái độ của chính sách đối với nó phải rõ ràng, phải mang tính đồng thuận đồng nhịp ủng hộ họ phát triển.

Thử thách do dịch bệnh 2020 - 2021 cho thấy một cách đặt vấn đề mới “Nhà nước phục vụ doanh nghiệp” rất đáng hy vọng. Cần thẳng thắn rằng, chúng ta chưa làm tốt việc đó. Đang làm ngày càng làm tốt hơn nhưng chưa đủ để giúp cho doanh nghiệp tư nhân phát triển hết tầm và xứng tầm.

Để giúp doanh nghiệp phát triển, cần đảm bảo cho họ lưu thông các hàng hoá, tiền tệ, lao động. Nếu cứ lấy hành chính ra đè kinh tế thị trường thì sẽ gây tai hoạ. Đây chính là một trong những bài học lớn được rút ra, tuy xuất phát từ một thực tiễn tiêu cực nhưng là bài học tích cực cho việc nhận thức bản chất kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp tư nhân đối với đất nước.

Sắp tới, để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau dịch, Chính phủ phải có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thời gian vừa qua, tuy Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp nhiều về chính sách, cơ chế, nguồn lực… song, để nền kinh tế thực sự phục hồi, Chính phủ cần một chương trình “dài hơi” với một gói hỗ trợ mạnh về tài khoá. Bây giờ đã đến lúc tài khóa phát huy vai trò theo nghĩa thực hiện nhiệm vụ phải làm, theo nguyên lý “chi tiêu ngân sách nghịch chu kỳ”, giúp khu vực kinh doanh phục hồi. Gói này giúp đảm bảo an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội kích thích lượng cầu cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn để tái hoạt động.

Tất nhiên, cũng phải lo “bảo vệ” ngân sách. Nhưng trong lúc này, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là bảo vệ động lực tăng trưởng, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi nhanh.

Trên thế giới, các nước phát triển hơn, quy mô GDP lớn vượt trội, đang đưa ra những gói hỗ trợ đến 20-40% GDP, Nhật Bản lên tới hơn 50% GDP. Các nước Đông Nam Á láng giềng của ta đa số cũng đưa ra gói hỗ trợ cao hơn Việt Nam nhiều, ví dụ như Singapore 18% GDP; Thái Lan, Malaysia ít hơn cũng đã tung ra gói quy mô 8-10% GDP. Việt Nam đang có khát vọng tiến vượt, tận dụng thời cơ bứt phá. Để đạt được mục tiêu đó, mức hỗ trợ tài khóa của Việt Nam dành cho “phục hồi nền kinh tế” phải đủ mạnh, phải mang tính đột phá “khác thường”, không thể giữ gói hỗ trợ ở mức 2% GDP như hiện nay. Chương trình đó cần đủ lớn, đủ dài hạn để các doanh nghiệp có thể đứng dậy vững vàng. Đứng dậy rồi mà vẫn run chân, run tay, không chạy được, không đua được thì rất khó.

Thứ hai, đối với những cản trở thể chế nền tảng, Chính phủ phải có chiến lược cải cách mạnh để sớm tháo gỡ. Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Song nỗ lực dường như chưa “đủ liều” để giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Bây giờ, qua đại dịch, nền kinh tế đã bộc lộ rõ những khâu yếu kém cơ cấu, chính là lúc Chính phủ cần “chớp thời cơ” đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng cho doanh nghiệp.

Tôi tin rằng, cải cách thể chế như một cơ hội, chính trong lúc nền kinh tế đang yếu kém, nếu Chính phủ tập trung vào cải cách thể chế, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững, đưa nền kinh tế vững vàng vượt qua khủng hoảng.

Một ví dụ sinh động là quá trình “cổ phần hóa” chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân thời gian vừa qua, hiệu quả rất thấp, chứng tỏ việc chuyển giao nguồn lực quốc gia (vốn) vẫn “chưa thật lòng”.

Chúng ta vẫn chưa dám hiểu doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều là doanh nghiệp Việt, đều là những chủ thể “đồng bào” của nền kinh tế dân tộc Việt. Đó là chưa kể trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân không phải là những lực lượng đối kháng mà bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Hai khu vực doanh nghiệp này cần bình đẳng về tư cách. Sự khác biệt chỉ là ở chức năng trong nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước sản xuất những hàng hoá công cộng, hay những sản phẩm có tầm quan trọng an ninh quốc gia đặc biệt; còn doanh nghiệp tư nhân sản xuất các loại hàng hóa thông thường. Chức năng nào cũng quan trọng, bình đẳng, cũng đều là “hàng hóa thiết yếu” của nền kinh tế thị trường. Có hiểu đơn giản và căn bản như vậy thì thái độ đối với doanh nghiệp tư nhân mới được đổi mới thật sự, mới xây dựng được một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Và khi nền kinh tế “hoà thuận” trong cạnh tranh bình đẳng, nó sẽ cộng hưởng được sức mạnh và tạo ra những bước tiến nhảy vọt!

Xin cảm ơn ông!