Thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh tuần hoàn

Phạm Sơn - 15:12, 10/07/2022

TheLEADERCuộc thi tìm kiếm, hỗ trợ mô hình kinh doanh về giảm nhựa PlastiNOvation được khởi động nhằm mục đích thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh tuần hoàn.

Thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh tuần hoàn
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Nhà đồng sáng lập GreenHub phát biểu khởi động cuộc thi PlastiNOvation.

Trước thực trạng rác thải ngày càng trở nên quá tải, đặc biệt tại các thành phố lớn, vào năm 2017, doanh nghiệp xã hội mGreen đã được khởi động thí điểm tại thành phố Hà Nội, khuyến khích thu gom và phân loại rác thải thông qua hình thức tích điểm.

Tương tự mGreen, nhiều sáng kiến kinh doanh, khởi nghiệp khác được triển khai tại các thành phố lớn, có thể kể đến như VECA; Ralava; Lagom…, đã và đang tích cực góp phần hạn chế xả thải ra môi trường, nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế.

Ở quy mô lớn hơn, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang triển khai tích cực các sáng kiến tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng. Không chỉ tiến hành riêng rẽ, một số tập đoàn hàng đầu đã bắt tay nhau, thành lập những liên minh, hiệp hội, đặt mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Nhiều năm kinh nghiệm đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp bền vũng, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Nhà đồng sáng lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) hiểu được rằng, các sáng kiến kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo đó, những sáng kiến, giải pháp kinh doanh tuần hoàn không chỉ chú trọng vào giảm thiểu rác thải, tận dụng tài nguyên mà còn phải tính đến bài toán lợi nhuận. Nhờ đó, các sáng kiến, giải pháp này có thể “tự sống” theo cơ chế thị trường, không phải “hết tài trợ là dừng” như một số dự án thuần mang tính môi trường khác.

Thực tế, khung chính sách và pháp luật về kinh tế tuần hoàn hiện nay đang khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, khu vực tư nhân có những sáng kiến, giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn sớm hơn so với lộ trình của Nhà nước, đồng thời đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ, ưu đãi, có thể kể đến như việc nhận hỗ trợ vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường theo công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa chính sách và thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, dù có sáng kiến rất hay và sáng tạo nhưng đang loay hoay với bài toán tìm kiếm hướng phát triển, không biết đến những cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng không nắm được những quy định, tiêu chuẩn liên quan đến các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Xuất phát từ chính thực tế trên, mới đây, GreenHub đã phối hợp với Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao phát động cuộc thi tìm kiếm, hỗ trợ mô hình kinh doanh về giảm nhựa PlastiNOvation.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), được tổ chức bởi GreenHub và một số đối tác chuyên môn.

Cuộc thi dành cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh gia đình có ít nhất một trong số các tiêu chí: hoạt động sản xuất, kinh doanh về thu gom, tái chế; giải pháp công nghệ phân loại rác thải tại nguồn; có sáng kiến giảm ô nhiễm nhựa và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; có giải pháp thay thế nhựa và túi nylon dùng một lần; sản xuất kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo bà Trang, cuộc thi PlastiNOvation sẽ tập trung vào các sáng kiến kinh doanh đang ở giải đoạn đã triển khai. Thông qua hỗ trợ từ phía cuộc thi, những sáng kiến tiềm năng nhất sẽ được hỗ trợ, đầu tư để tham gia vào chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín.

Cuộc thi được triển khai tại Hà Nội; Đà Nẵng; Hội An (Quảng Nam) và Cần Giờ (TP.HCM). Các đơn vị tham gia cuộc thi sẽ trải qua 3 vòng, bao gồm đăng ký; vòng đào tạo, hoàn thiện dự án và vòng chung kết. 3 sáng kiến xuất sắc nhất sẽ nhận được tổng giải thưởng trị giá 17 nghìn USD, trong đó giải thưởng dành cho đội vô địch là 10 nghìn USD.

Đăng ký tham dự và theo dõi thông tin cuộc thi tại đây