Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, theo nghị định mới đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ, nhiều sản phẩm chế biến từ khoáng sản được áp dụng mức thuế 0% khi xuất khẩu, trong đó có xi măng.
Trước đó, theo Quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.
Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, quy định này thể hiện quan điểm không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến sâu.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nghị định này cũng gặp rất nhiều vướng mắc khi xác định tỷ lệ 51% do nhiều sản phẩm được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản, tuy nhiên trong quy trình chế biến tài nguyên khoáng sản lại được chế biến thành sản phẩm khác, từ sản phẩm khác đó lại tiếp tục chế biến trở thành sản phẩm xuất khẩu.
Theo quy định này, tất cả các sản phẩm đó đều nằm trong diện xác định tỷ lệ 51% để tính thuế khi xuất khẩu. Ví dụ điển hình nhất như trong trường hợp của sản phẩm xi măng. Xi măng vốn được chế biến từ đá và thạch cao thành clinker, từ clinker nghiền thành xi măng.
Do đó, sản phẩm này thuộc hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.
Trước đó, kể từ khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, ngành xi măng xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng rất lớn.
Cụ thể, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu USD. Số liệu này so với năm 2015 đã giảm 7,1% và trị giá giảm 16%.
Trước ý kiến về vấn đề này, sáng 27/11, tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đây không phải vướng mắc của chỉ một vài doanh nghiệp mà là thực trạng khó khăn chung của cả ngành chế biến khoáng sản.
Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nội dung này trong Nghị định 100 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vửa qua, nghị định sửa đổi này cũng đã nhận được 16 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý tán thành. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình chính phủ ký ban hành trong thời gian sớm nhất, ông Thi cho hay.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, nghị định sửa đổi lần này dự kiến sẽ có hai trường hợp ngoại lệ được áp dụng thuế xuất khẩu 0%,
Thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác rồi tiếp tục chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, có thể khép kín hoặc từng công đoạn thì thuộc đối tượng 0% nếu đáp ứng điều C 2 Luật thuế GTGT (có hợp đồng thực tế xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng).
Thứ hai, sản phẩm kinh doanh được chế biến từ nguyên liệu chính không phải tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế 0%.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi phí trực tiếp, gián tiếp sẽ không gồm chi phí vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi chế biến. Ông Thi dẫn ra ví dụ chi phí vận chuyển một khối đá từ bãi đá có thể tương đương hoặc lớn hơn giá mua khối đá này.
Do đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đề nghị sửa đổi chi phí tài nguyên khoáng sản sẽ không bao gồm chi phí vận chuyển từ nơi khai thác về chế biến.
Nếu được thông qua sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc của doanh nghiệp để kê khai nộp thuế GTTG, ông Phạm Đình Thi quan nhấn mạnh.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến khoáng sản lần này mới chỉ là bước sửa đổi cơ bản ban đầu, bởi tất cả các quy định về thuế đều được quy định trong luật.
Do đó, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi luật thuế, làm sao vừa khuyến khích doanh nghiệp không xuất khẩu sản phẩm khoáng sản thô mà phải sản xuất trong nước vừa đảm bảo các quy định được rõ ràng, minh bạch, bà Mai khẳng định.
Theo số liệu mới nhất của Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), ước tính sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 8 tháng năm 2017 đạt khoảng 51,81 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 64,8% kế hoạch năm 2017.
Không chỉ chuyển nhận tiền hay kiểm tra số dư, hiện nay, ứng dụng ngân hàng số đã trở thành “trợ lý tài chính” đắc lực và OCB OMNI là một minh chứng rõ nét.
Trái ngược với các “tiền bối” ngành ngân hàng, vị thế các công ty con phát triển mảng chứng khoán hiện chưa tương xứng với tiềm năng từ hàng loạt lợi thế sẵn có.