Tiêu điểm
Thương mại điện tử Việt Nam cần làm gì để phát triển nhanh hơn?
Đại diện của Nguyễn Kim, TIKI, Mắt Bão, FADO, DKT HCM, Speed Up…chia sẻ về những vấn đề nóng của ngành thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay và triển vọng phát triển thời gian tới.
Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tiềm năng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam rất lớn, năm 2016 đạt doanh số 4 tỉ USD và có thể tăng lên 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngay cả Jack Ma đến Việt Nam tham dự APEC cũng coi TMĐT Việt Nam là “mỏ vàng”, cơ hội khồng lồ cho một xã hội không tiền mặt!
Tuy nhiên, nhận định này có cơ sở thực tế không khi những doanh nghiệp TMĐT nằm trong Top dẫn đầu vẫn thua lỗ, tỷ lệ lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt của người Việt là gần… 65%, gấp 8 lần so với thế giới? Vì sao khách hàng Việt vẫn chọn lựa Amazon, eBay… mà không chọn sản phẩm trực tuyến của Việt Nam? Phải chăng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…?
Những vấn đề nóng về TMĐT Việt Nam đã được đưa ra tranh luận khá quyết liệt trong buổi tọa đàm “Làm gì phát triển nhanh thương mại điện tử tại Việt Nam?” do TheLEADER tổ chức tại TP HCM ngày 21/11/2017. Tọa đàm có sự tham gia của các thương hiệu mạnh như Nguyễn Kim, TIKI, Mắt Bão, FADO, DKT HCM, Speed Up… và đại diện của sở Công Thương TP HCM
Con số 10 tỷ USD năm 2020 liệu có khả thi?
Ông Phan Minh Đạt, CEO công ty cổ phần FADO thể hiện sự đồng tình với dự báo của Hiệp hội thương mại điện tử với 2 lý do: “Thứ nhất là thói quen người tiêu dùng. Tôi thấy, dần dần người tiêu dùng Việt Nam đã có thói quen mua sắm qua thương mại điện tử nhiều hơn.
Theo một thống kê bên Mỹ, thế hệ Z sinh từ năm 1990 đến 2000, đa số sẽ mua sắm qua những trang thương mại điện tử. Sắp tới, thế hệ đó sẽ là người tiêu dùng chính ở Việt Nam. Thế hệ Y là thế hệ trước thế hệ Z, thì có thể mua ở cửa hàng bán lẻ vì tâm lý còn e sợ, nên TMĐT với họ là để xem giá xong ra mua ở ngoài. Ở Việt Nam, thói quen mua sắm online cũng đang ngày càng nhiều hơn.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng TMĐT, hệ sinh thái (eco system) cho TMĐT đang hoàn thiện, quan trọng nhất là bộ phận chăm sóc sau khi mua và giao hàng. Chuyện giao hàng là khâu cực nhất, nhưng chính nó sẽ giúp TMĐT Việt Nam phát triển. Hiện tại, ngành logistic của Việt Nam phát triển rất nhanh. Theo như số liệu thống kê là 4 tỷ USD năm 2016, cho thấy mức 10 tỷ USD trong 5 năm tới là rất có khả năng”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc chi nhánh công ty DKT HCM, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp bán hàng online, giải pháp hỗ trợ oline với hơn 30 ngàn khách hàng cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến anh Nguyễn Minh Đạt.
“Là người phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có giải pháp công nghệ để sử dụng toàn diện, trở thành doanh nghiệp có tiềm lực, tôi đồng ý với con số của hiệp hội, vì người tiêu dùng có thói quen mua sắm TMĐT cao hơn. Theo thống kê, tổng số đơn hàng 2016 khoảng 20 ngàn tỷ nhưng trên thực tế còn lớn hơn nhiều, vì Facebook không ai thống kê bán được bao nhiêu”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, ông Lê Thiết Bảo, chuyên gia thương mại điện tử tỏ ra nghi ngờ: “Lăn lộn ngành này nhiều năm, nắm giữ nhiều vị trí, từng phải đóng cửa website mấy lần… gần đây tôi hơi mất niềm tin vào thuần online. Đây là tương lai của bán lẻ Việt Nam, chứ chưa đến giai đoạn TMĐT.
Bước tiếp theo, những nhà bán lẻ sẽ đẩy mạnh các kênh của mình vì họ có cửa hàng, có hàng xịn, không phải lo xuất xứ hàng hóa. Thị trường Trung Quốc đi tắt không nói, thị trường Mỹ sản sinh ra Amazon cũng từ lực đẩy của mấy nhà bán lẻ. Việt Nam phát triển từ thói quen mua hàng ở chợ sang thẳng TMĐT rất khó, đó là lý do vì sao H&M sang Việt Nam người ta sắp hàng rất đông. Người ta mua không phải vì hàng hóa, mà vì thương hiệu, bán lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, từ cục gôm đến xe hơi. Vấn đề TMĐT là phải tin mới mua”.
Theo ông Bảo, ngành TMĐT đang phát triển không bền vững: “Tôi thấy ai cũng kêu lỗ. Adayroi lỗ hàng ngàn tỷ, TIKI quỹ đầu tư rót vào hàng triệu USD cũng bảo lỗ. Tôi chơi với mấy ông TOP 10, chưa bao giờ lời, Lazada cũng chưa có lời.
Con số 10 tỷ USD theo tôi kém lạc quan hơn nhiều, liệu con số đó có cộng thêm ngành thẻ cào, dịch vụ bán vé máy bay hay không? Các công ty trong top 10 cũng khoảng 1,5 tỷ USD năm 2015, dự doán 2020 khoảng 3 tỷ USD thôi.
Thực tế rất xa con số 10 tỷ USD. Online chiếm tỷ trọng rất nhỏ, còn phải chờ độ tuổi trưởng thành của đối tượng sử dụng internet nữa… Khi tham gia trò chơi đó, tôi thấy TGDĐ, Nguyễn Kim lời trên tất cả online và ofline. Câu hỏi đó rất mãnh liệt khiến tôi phải tìm câu trả lời”.
Ông Huỳnh Ngọc Duy, CEO Mắt Bão, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên internet cũng đồng quan điểm với ông Bảo: “ Không riêng các công ty TMĐT chịu lỗ, công ty tôi kinh doanh tên miền , săn lùng tên miền, có địa chỉ đẹp rất ác liệt. Để khách hàng chọn lựa mình khá tốn chi phí, bán được cũng lỗ. Hiện tại TMĐT bán món hàng xong rồi thôi, riêng tên miền bán năm đầu thì lỗ, duy trì đến năm thứ hai thì mình thu hồi vốn, năm thứ ba mới có lời”.
Tuy nhiên, ông Duy đề cập đến lý do vì sao TMĐT gần đây bùng nổ hơn: “Do kẹt xe quá không ra cửa hàng được, nhiều người phải lên online. Thứ hai dân số trẻ dễ dàng hơn trong việc lựa đồ. Nhưng theo tôi vẫn chưa tới điểm bùng phát đâu. Bùng phát là khi có thể phát triển hai, ba lần trong 1 năm, lên tới 50%. Nếu ước lượng có số 10 tỷ phải coi giai đoạn bùng phát TMĐT sẽ xảy ra vào thời điểm nào?”
Ông Bảo nói thêm: “ Nếu coi tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong giai đoạn đầu, thì năm 2020 cũng không thể tới được 10 tỷ, mỗi năm phải tăng gấp đôi mới may ra! TMĐT không đến từ kẹt xe, dân số, mà đến từ ngành nào thiếu thông tin”
Để tạo ra một xã hội phi tiền mặt, cần phải đi bằng hai chân online và ofline
Theo ông Huỳnh Sơn Vũ, Thành viên HĐQT Công ty Speed Up, để TMĐT phát triển, đầu tiên phải có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh. “Lên mạng mua hàng cứ sợ bị lừa, không ai giải quyết điều đó. Mua online là chấp nhận rủi ro cao, chủ yếu mặt hàng ít giá trị. Còn mua hàng giá trị lớn thì không dám. Ở Mỹ hệ thống luật quy việc ăn cấp hàng ở siêu thị là tội hình sự.
Để phát triển TMĐT phải nghiêm trị người bán hàng giả, hàng kém chất lượng. TMĐT liên quan đến thẻ tín dụng, mất thì sao? Nhiều khi mất thẻ, lên ngân hàng cả tháng chưa làm được thẻ lại, quy trình lấy tiền lại quá khó khăn.
Jack Ma mới mua hệ thống bán lẻ rất lớn của Việt Nam, điều đó chứng tỏ online vẫn phải kết hợp với offline, đi chợ bây giờ không thuần túy là đi chợ nữa, mà kết hợp rất nhiều thứ trong đó, tạo thành những khu phố thương mại từ nhà này qua nhà khác, thiết kế khác nhau, thu hút người mua. Ngay cả ở Mỹ, phụ nữ đi còn coi chợ là môi trường giao tiếp nữa”
Ông Duy đề xuất: “Một số ngân hàng đã đứng ra bảo đảm cho người mua hàng, như Lazada giải quyết rất tốt vấn đề cho đổi trả, giúp người mua yên tâm. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt thì phải …tự xoay. Còn pháp lý thì chưa ràng buộc chặt chẽ giữa bên mua và bên bán, chính quyền thì phải đứng về phía người dân để bảo đảm quyền lợi. Để tiến tới một xã hội phi tiền mặt, Việt Nam vẫn phải đi bằng hai chân online và ofline, không thể tách ra được."
"Tại sao người tiêu dùng Việt Nam thích mua đồ trên Amazon eBay, mà không mua hàng Vệt Nam?" ông Duy đặt câu hỏi.
"Vì họ chưa có tin tưởng về chất lượng sản phẩm, tiện ích, dịch vụ, kể cả kiểm soát hàng thật, hàng giả. Tôi nghĩ vai trò của các công ty dẫn dầu, Nhà nước, ngân hàng rất quan trọng, phải cùng nhau có chính sách thanh toán tiện lợi cho người tiêu dùng để kêu gọi mọi người đồng hành với internet.
Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ngại tham gia vào thị trường TMĐT, lý do sẽ phải đầu tư vận hành buôn bán trên mạng, việc giao hàng nhanh cũng rất ít công ty làm. Phải tạo điều kiện cho hệ sinh thái TMĐT phát triển, chia nhỏ chức năng để doanh nghiệp dùng chung dịch vụ của nhau. Còn một công ty tự làm từ A đến Z sẽ tốn kém và khó tạo niềm tin. Chính quyền phải ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để dần phát triển, thay đổi thói quen kinh doanh, thói quen vận hành chuyên nghiệp hơn”
Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử
Nhiều diễn giả trong tọa đàm cũng tỏ ra lo lắng khi Alibaba sẽ đổ bộ vào TMĐT Việt Nam, nhất là khi Alibaba thiết lập hệ sinh thái giúp nông dân, tiểu thương vừa và nhỏ có thể xuất hàng ra thế giới.
Ông Đạt cho biết: "Jack Ma qua đây muốn thắng eBay. FADO của Việt Nam có hàng hóa đa dạng, không chỉ có hàng Trung Quốc. FADO cũng đã giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu, nhưng thực sự chưa nhiều, vì sản phẩn để người nước ngoài chấp nhận rất khó. Mới chỉ có mặt hàng máy đưa võng tự động xuất qua Mỹ, hay trà, các loại chế biến từ gấc…
Người tiêu dùng trong nước muốn mua những thương hiệu mà mình mong muốn, nhưng Việt Nam chưa có. Để vận chuyển hàng về Việt Nam phải có đơn hàng hàng đủ lớn. FADO làm hàng điện tử xuyên biên giới là vì vậy. Hàng hóa trong nghiên cứu phát triển, học tập trong nước rất ít, không có nhà cung cấp,
FADO hiện có trên 3 tỷ sản phẩm, giúp khách hàng mua được những món hàng không có ở trong nước, và giúp người Việt xuất khẩu ra nước ngoài. Điểm khác biệt của FADO là tiên phong trong chính ngạch, tập trung qua cổng TMĐT, giúp Nhà nước dễ quản lý, thu được thuế”.
Trong bối cảnh chi phí bán lẻ quá cao, tốc độ phát triển hệ thống bán lẻ nước ngoài như vũ bão, các công ty bán lẻ muốn bán đa kênh để tiết kiệm chi phí, nhà nước có chính sách gì để giúp doanh nghiệp phát triển đa kênh?
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng phòng kỹ thuật an toàn- Môi trường, Sở Công Thương cho biết: “Năm 2018, TP.HCM sẽ tập trung quảng bá cho những sân chơi bán hàng trực tuyến như Black Friday, tập hợp doanh nghiệp đẩy mạnh mua bán online. Bên cạnh đó, tổ chức bán hàng khuyến mãi ở những địa điểm ofline, cùng những chính sách cho bán hàng online. Xây dựng một web để doanh nghiệp đăng ký thủ tục bằng đơn điện tử.
Sở Công Thương hàng năm có điều tra về TMĐT, sơ bộ cho thấy hộ gia đình không sử dụng TMĐT vì họ không tin vào chất lượng, thứ hai là họ không tin vào bảo mật của hệ thống thanh toán. Từ thực tế đó Sở đã có giải pháp thúc đẩy TMĐT, trong 2018 sẽ triển khai công tác truyền thông mạnh mẽ hơn trên báo điện tử và báo in, phối hợp với doanh nghiệp có bước đi cụ thể.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với chương trình phát triển TMĐT của Thành phố, giúp cho người tiêu dùng cách kiểm soát website, cách mua/bán hàng trực tuyến. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán trực tuyến khả quan hơn”
Ông Trí cho rằng “Phải quay lại kiểm soát nguồn hàng từ gốc chứ quản cái ngọn cũng không giải quyết được vấn đề. Hiện Facebook đang đặt ra thách thức rất lớn. Alibaba phát triển như hôm nay vì được bảo hộ rất lớn, nếu nhà nước không tạo hành lang pháp lý thì rất khó để TMĐT phát triển”
Bán lẻ đa kênh sẽ là tương lai của ngành Thương mại điện tử
Các chuyên gia cùng 'mổ xẻ' thương mại điện tử Việt Nam
Vào lúc 14 giờ, thứ Ba, ngày 21/11/2017, TheLEADER sẽ tổ chức bàn tròn Làm gì phát triển nhanh thương mại điện tử tại Việt Nam? Chương trình quy tụ các chuyên gia về thương mại điện tử và các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này. Nội dung Bàn tròn được thông tin trên TheLEADER.
7 xu hướng thương mại điện tử nổi bật năm 2018
Với sự hiện diện của ngày Black Friday tới đây, thế giới thương mại điện tử đang dần hướng đến thời điểm tốt nhất để có thể tiếp cận tối đa với khách hàng.
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Kinh tế xanh chỉ chiếm 2%
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.