Tiêu thụ, xuất khẩu thép theo đà tăng vọt của giá thép

Hoài An - 15:54, 16/05/2021

TheLEADERSản xuất và bán thép trong nước tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm với tốc độ lần lượt 38% và 40%, trong khi xuất khẩu tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình sản xuất, bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 4/2021 đều giảm so với tháng trước đó nhưng lại gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt 2,8 triệu tấn, giảm khoảng 4,8% so với tháng 3/2021 nhưng tăng 52% so với tháng 4/2020. 2,7 triệu tấn thép đã được bán ra ở thị trường trong nước, giảm 6% so với tháng trước đó nhưng tăng gần 57% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, mức xuất khẩu thép trong tháng 4 giảm gần 15% so với tháng 3 nhưng lại tăng gấp đôi so với tháng 4/2020.

a
Nguồn: VSA.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản xuất thép và bán hàng trong nước lần lượt tăng 38% và 40% so với cùng kỳ, đạt 10,5 triệu tấn và 9,5 triệu tấn. Xuất khẩu ghi nhận mức tăng nổi bật với 67,8% so với 4 tháng đầu năm ngoái, đạt 2,2 triệu tấn.

Thời gian qua, thị trường thép đã “nóng” hơn bao giờ hết khi giá thép của tất cả thương hiệu tăng khoảng 30 – 40% so với thời điểm cuối năm 2020, theo phản ánh của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Giá thép “phi mã” đã khiến các nhà thầu xây dựng vấp phải khó khăn không có cách tháo gỡ, đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản liên tiếp.

Bộ Xây dựng đánh giá: “Giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường, tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng”. Theo bộ này, ngoài giá phôi tăng, nguyên nhân mất cân đối về cung cầu, nguồn cung về vật liệu thép xây dựng khan hiếm cũng làm tăng giá thép.

Trước đó vào đầu tháng này, Bộ Công thương cho biết nguyên nhân của việc giá thép tăng mạnh là do nguyên liệu đầu vào của ngành thép trong nước đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch Covid-19 khiến thời gian giao hàng kéo dài. Cơ quan này cũng phủ nhận việc các doanh nghiệp bắt tay đẩy giá thép.

Trên thực tế, thị trường thế giới đã ghi nhận xu hướng tăng này. Đơn cử, giá quặng sắt tăng mạnh khoảng 19 USD/tấn trong giao dịch ngày 4/5/2021 so với hồi đầu tháng trước, giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao, theo cập nhật từ VSA.

Đáng chú ý, giá cuộn cán nóng ngày 4/5/2021 tăng mạnh khoảng 130 USD/tấn so với mức giao dịch đầu tháng 4. “Nhìn chung, thị trường thép cán nóng thế giới biến động, khiến thị trường trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (tôn mạ, ống thép…) sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu sản xuất”, VSA nhận định.

Theo dự báo trước đây, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa hết quý II/2021 nhưng hiện tại, VSA cho rằng mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh thời gian thép có thể tăng đến hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu và nhiều thị trường lớn khác.