Tín dụng tăng 1,47% từ đầu năm

Trần Anh - 16:16, 29/03/2021

TheLEADERDịch Covid-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2021. Theo đó, tính đến ngày 19/3, tăng trưởng tín dụng đạt 1,47%. Dịch Covid-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54%, cao hơn so với mức 0,51% của cùng kỳ năm trước.

Tín dụng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tương đối ổn định so với cuối năm 2020. Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt bám sát diễn biến thị trường ngoại tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô. Thanh khoản đồng Việt Nam của toàn hệ thống tín dụng ở trạng thái dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.

Từ đó, các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. Mặc dù vậy, trong kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trình đại hội cổ đông mùa này, chỉ tiêu tín dụng là một trong những chỉ tiêu được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm nay và con số đưa ra cao hơn hẳn với các kịch bản mà NHNN đưa ra.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng đang được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn nghiêng về kịch bản đầu tiên đó là từ 12-14%.

Với việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng thấp cho một số ngân hàng mới đây, VDSC cho rằng các nhà hoạch định chính sách muốn cân bằng giữa mong muốn đạt tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến COVID-19.

Theo VDSC, Ngân hàng Nhà nước đang chọn phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm.

Với thị trường bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 1/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.