TP.HCM yêu cầu ‘ai ở đâu ở yên đó’ từ ngày 23/8

Nhật Hạ - 12:32, 20/08/2021

TheLEADERTP.HCM sẽ tăng cường, siết chặt các biện pháp chống dịch Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố... từ 0h ngày 23/8

Theo Bộ Y tế, TP.HCM ghi nhận 164.542 ca nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) và đến nay đã trải qua 43 ngày liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+. Trong 7 ngày qua, thành phố có trong khoảng 3.300 – 4.500 ca mắc mới mỗi ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến ngày 19/8, tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 33.202 người, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi (5,8%), 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy (6,9%) và có 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Tổng số ca xuất viện cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 80.000 bệnh nhân.

Còn số ca tử vong ghi nhận khoảng 250 – 300 ca mỗi ngày trong vòng một tuần qua. Trong đó, ngày 19/8, số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục tại TP.HCM là 307 ca, nâng tổng số ca tử vong từ khi bùng phát dịch vào đầu năm 2020 tại đây lên 5.759 ca.

“Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống Covid-19 nhưng dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, số ca nhiễm mới vẫn tăng cao”, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá tại cuộc họp sáng nay.

Điều đáng nói, số ca nhiễm mới trong cộng đồng (không tính khu cách ly, phong tỏa) có xu hướng tăng cao những ngày qua.

TP.HCM yêu cầu ‘ai ở đâu ở yên đó’ từ ngày 23/8
Trong 7 ngày qua, TP.HCM có trong khoảng 3.300 – 4.500 ca mắc mới mỗi ngày. Ảnh: Lao động

Do đó, để nâng cao hiệu quả chống dịch và phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra “kiểm soát được dịch trước ngày 15/9”, ông Hải cho biết UBND TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao, siết chặt với phương châm "mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch", gồm 5 giải pháp.

Thứ nhất, người dân TP.HCM đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn.

Thứ hai, tập trung chăm lo bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tử vong. Thứ ba, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 TP.HCM. Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân.

Cuối cùng, TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn.

Người dân được yêu cầu thực hiện 5K, không tập trung mua gom lương thực, thực phẩm. Thành phố đã chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp nêu trên.

Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, những biện pháp này là bước nâng cao, tập trung, đẩy mạnh hơn để thực hiện hiệu quả nhất các chỉ đạo UBND thành phố. Chính phủ yêu cầu trước 15/9 thành phố phải kiểm soát được dịch, do vậy 5 giải pháp trên sẽ bắt đầu từ 0h ngày 23/8.

Theo ông Khuê, không có chuyện "đóng cửa (lockdown) TP.HCM như lời đồn mà thành phố tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát". Theo đó, thành phố tập trung, chuyên sâu, nâng cao hơn các giải pháp chống dịch để tiến tới kiểm soát dịch đến 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 19/8, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND và trung tâm y tế TP. Thủ Đức về việc triển khai lập trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn để chăm sóc sức khỏe F0 cách ly tại nhà.

Việc này nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân …. để làm trụ sở hoạt động của trạm y tế lưu động.

Mỗi trạm y tế lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị,... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.

Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0. Về nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng từ trạm y tế, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, trung ương (khi thật sự cần thiết); 3 - 4 nhân sự khác (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động người F0 đã khỏi bệnh, có nguyện vọng chăm sóc người F0) do UBND phường, xã, thị trấn đề xuất.

Mỗi trạm y tế lưu động có 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo Sp02, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.