Tiêu điểm
Tiến độ trên 'mặt trận vaccine'
Cả nước đã tiêm chủng hơn 12,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại tính đến ngày 15/8.
Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng chống dịch Covid-19 gần 4 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine” với phương châm "loại vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất".
Đây được coi là hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch. Do đó, để có vaccine tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể và hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng (70% người dân được tiêm), Việt Nam cần thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước.
Ngày 13/8, Thủ tướng quyết định lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng. Hai tổ phó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Thành viên tổ công tác gồm thứ trưởng các bộ: Quốc phòng, công an, công thương, khoa học và công nghệ, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống Covid-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc từ đối tác song phương, đa phương; đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài...
Tại phiên họp Chính phủ ngày 12/8, Thủ tướng cho biết, tới nay ông đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đạt một số kết quả. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực.
Hiện đã có 6 loại vaccine Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell của Sinopharm, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất. Trừ vaccine Janssen, 5 loại vaccine còn lại đã về Việt Nam.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều; đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
Cụ thể, 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam), và đang đàm phán mua 55 triệu liều (40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ).
Mặc dù dự kiến vào tháng 8, các nguồn vaccine đã đặt mua sẽ về đều hơn, nhưng đến nay không như kỳ vọng. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong cuộc họp ngày 12/8, chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều về Việt Nam trong tháng 8. Tháng 9/2021 dự kiến có 9,3 triệu liều vaccine được nhập về. Sau tháng 10/2021, vaccine nhập về sẽ nhiều, riêng quý IV có khoảng 60 triệu liều.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 19 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại, được cung ứng từ ba nguồn là hợp đồng của VNVC, cơ chế Covax và viện trợ giữa chính phủ các nước. Trong đó, 11,5 triệu liều AstraZeneca, 12.000 liều Sputnik V, 746.000 liều Pfizer, hơn 5 triệu liều Moderna, 1,5 triệu liều Sinopharm.
Cả nước đã tiêm chủng hơn 12,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại tính đến ngày 15/8, trong đó tiêm một mũi là 11,2 triệu người, tiêm mũi 2 là 1,3 triệu người.
11 tỉnh thành gồm TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã đạt 25% dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
5 loại vaccine đã về Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer phòng Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho phép áp dụng hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 26 Luật Đấu thầu để mua thêm 19.998.810 liều vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Cùng với 31 triệu liều vaccine Pfizer đã được Bộ Y tế mua trước đó, với quyết định lần này của Chính phủ, tổng cộng Việt Nam mua 51 triệu liều vaccine Pfizer. Hiện ngoài 1 triệu liều vaccine Pfizer đã về Việt Nam trong tháng 7, khoảng 3 triệu liều về thêm trong tháng 8 và 9. Dự kiến Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong quý IV/2021.
Vào tháng 6, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca theo hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt của Luật Đấu thầu. Đây là số vaccine Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đã nhập trước đó. Số vaccine này sau đó được Chính phủ mua lại từ VNVC theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Về vaccine Moderna, mới đây, UBND TP.HCM cho biết công ty Sapharco và Tập đoàn VinaCapital đã tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma - là đại diện nhà sản xuất vaccine Moderna - để mua 5 triệu liều vaccine Moderna cho TP.HCM.
Theo thông tin ngày 11/8, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký kết thì thời gian giao vaccine dự kiến vào quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Trước mắt, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma đảm bảo cung ứng tối thiểu 2 triệu liều, giao trong tháng 10/2021.
Bên cạnh đó, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiến hành đàm phán để mua ít nhất 10 triệu liều vaccine mũi tăng cường và giao trong đầu quý II/2022, vì mũi thứ hai này rất quan trọng và hiện nay các nước đã đặt hàng nhiều.
Đồng thời, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công-tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội 1 liều”. Hiện, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng.
Về vaccine Vero Cell của Sinopharm được sản xuất tại Trung Quốc, ngày 11/8, Bộ Y tế đã đồng ý để Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu 5 triệu liều loại vaccine này.
Trước đó, ngày 31/7, Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn đã tiến hành thủ tục nhập khẩu thông quan tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và tiếp nhận 4 lô vaccine Vero Cell với tổng số lượng 1 triệu liều), bảo quản tại kho của công ty.
Sau khi được Bộ Y tế kiểm định xong, 1 triệu liều vaccine Vero Cell trên đã được TP.HCM triển khai tiêm chủng cho người dân từ ngày 12/8.
Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong 88.100 liều mũi 1 và đã tiến hành tiêm mũi 2 từ ngày 4/8.
Quyết liệt đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước
Bên cạnh mua và nhập khẩu vaccine, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước đang có vai trò rất quan trọng khi tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới diễn biến vô cùng phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm.
Mặt khác, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, các loại vaccine đang được nghiên cứu, phát triển trong nước gồm: vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen; vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế
Việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước gồm: vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Vabiotech triển khai; vaccine Sputnik V (Nga) do Vabiotech và Công ty DS-Bio triển khai.
Bên cạnh đó, gần đây, Việt Nam cũng hợp tác với Nhật Bản, Cu Ba để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
"Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 tới, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp Chính phủ ngày 12/8.
Trong đó, vaccine có triển vọng nhất hiện nay là Nanocovax với một liệu trình hai liều tiêm. Ngày 7/8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đã nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và giữa giai đoạn hai, cho thấy bước đầu an toàn, có sinh miễn dịch tương đối. Dựa trên kết quả này, hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện thử nghiệm giai đoạn ba. Các giai đoạn thử nghiệm được gối đầu, để đảm bảo sớm hoàn thiện việc nghiên cứu.
Sang tuần tới, dự kiến Hội đồng đạo đức tiếp tục nghiệm thu kết quả thử nghiệm giữa giai đoạn ba vaccine Nanocovax. Nếu an toàn, tính sinh miễn dịch cao, đạt hiệu quả bảo vệ, Bộ Y tế cho biết sẽ đề xuất cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Còn vaccine Covivac đang ở giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến trong năm nay, Covivac sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba.
Vaccine thứ ba là ARCT-154, của Tập đoàn Vingroup thông qua thành viên là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare, mua của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. ARCT-154 được phát triển trên công nghệ mRNA (vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ này).
Hôm nay (15/8), Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.
Với ba vaccine nêu trên, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ được vaccine Covid-19, theo thông tin từ Bộ Y tế.
Kế hoạch tiêm vaccine tại các tỉnh thành
"Tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy", Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị với các địa phương ngày 15/8. Bộ Y tế đồng thời chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân.
Nhằm giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu ưu tiên bao phủ vaccine cho nhóm dân số trên 50 tuổi; có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi.
Tại TP.HCM, tính đến ngày 15/8, TP.HCM được cấp hơn 5 triệu liều vaccine, trong đó đã tiêm gần 4,5 triệu liều, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Tỷ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi là 64,48%. Thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm để đến cuối tháng 8 ít nhất 70% dân số có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đã tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều.
Số vaccine đã cấp cho TP.HCM còn khá nhỏ so với mức gần 13,8 triệu liệu mà Bộ Y tế dự kiến phân bổ để tiêm 2 mũi cho 99% dân số 18 tuổi trở lên tại đây.
Theo số liệu thống kê của TP.HCM, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, thành phố đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra.
Riêng đợt 5 và 6, toàn thành phố đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều, cộng với số đã tiêm đợt trước, TP.HCM có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vaccine, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Đối với TP. Hà Nội, thành phố được cấp hơn 2,9 triệu liều vaccine, đã tiêm được gần 2 triệu liều, chiếm trên 69%. Tỷ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi là 34,6%. Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm vaccine.
Kế hoạch phân bổ dự kiến cho TP. Hà Nội của Bộ Y tế là gần 11,4 triệu liều vaccine cho 99% dân số 18 tuổi trở lại.
Bình Dương – điểm nóng thứ 2 trên cả nước của đợt dịch lần này – đã được cấp gần 700.000 liều vaccine, trong đó đã tiêm gần 310.000 liều. Tỷ lệ dân số 18 tuổi trở lại đã tiêm ít nhất 1 mũi khá thấp ở mức 16,5%.
Với hơn 13.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4, Long An đang là điểm dịch nóng thứ 3 trên cả nước. Tỉnh này đã được cấp 398.000 liều vaccine, trong đó đã tiêm 384.000 liều. Tỷ lệ dân số 18 tuổi trở lại đã tiêm ít nhất 1 mũi là 30,4%.
Trong 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội, trừ 3 tỉnh thành trên, chỉ có Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp là có tỷ lệ dân số 18 tuổi trở lại đã tiêm ít nhất 1 mũi trên 20%.
Vaccine dịch vụ: Nên hay không?
Dồn lực để có vaccine sản xuất trong nước vào tháng 9/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung này tại buổi làm việc với các nhà khoa học, đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19.
Việt Nam đã tiêm được 65% số vaccine nhập về
Khi số lượng vaccine về nhiều hơn, năng lực tiêm có thể đạt tối đa 2 triệu mũi một ngày trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Bác bỏ thông tin 5.000 ca F1 liên quan y tá tiêm vaccine dương tính Covid-19
Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc xuất hiện 5.000 ca F1 liên quan đến ca dương tính Covid-19 trên địa bàn, UBND quận Đống Đa cho biết, đây là thông tin sai sự thật.
Để không lãng phí một mũi vaccine nào
Làm thế nào để thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình nguy cấp của đại dịch Covid-19.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.