Trái phiếu doanh nghiệp cần sớm được xếp hạng tín nhiệm

Trần Anh - 15:07, 16/08/2021

TheLEADERCác doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần một tổ chức trung gian giám sát, đánh giá chất lượng để cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cần thiết, rủi ro có thể gặp phải để bảo vệ quyền lợi của mình.

Kể từ năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và dần vượt qua quy mô phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP).

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, trong khi trái phiếu chính phủ phát hành đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Sang năm 2021, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có chững lại sau Nghị định 81 nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Trong 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 364 trái phiếu phát hành riêng lẻ (giá trị là 225.509 tỷ đồng), và 13 lô trái phiếu được phát hành ra công chúng (giá trị 9.584 tỷ đồng) và 3 đợt trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế với tổng số tiền huy động được là 1 tỷ USD.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế đã khơi thông thêm được một kênh dẫn vốn giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn... Tuy nhiên, việc một thị trường phát triển quá nhanh chóng cũng mang lại nhiều rủi ro .

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, diễn ra sáng 16/8/2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đang có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua.

“Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. 2 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Các nhà đầu tư này không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường...”, ông Độ cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì đánh giá, rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao, hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản đảm bảo.

Các nhà đầu cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không, và họ cũng có rất ít khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thể rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản

"Gần đây có một số trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành còn được đảm bảo bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Rủi ro của việc này là khi nhà phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị”, ông Hiếu cho biết.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng xét về mặt cấu trúc của giao dịch, đứng ở góc độ của một nhà đầu tư cá nhân, thì việc xử lý tài sản thế chấp là không thể.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần một tổ chức trung gian giám sát, đánh giá chất lượng để cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cần thiết, bao gồm cả rủi ro có thể gặp phải để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong báo cáo đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, ADB nhận định Việt Nam đang thiếu vắng sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhằm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như những rủi ro có thể xảy ra…

Hiện tại, Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm mới được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings và Sài Gòn Thịnh Phát. Theo quy hoạch trong 10 năm tới, cả thị trường có tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm.

Những công ty xếp hạng tín nhiệm có góc nhìn độc lập và khác biệt so với các nhà đầu tư cá thông thường. Chẳng hạn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT của FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo vẫn có rủi ro lớn bởi trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm, cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư, thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp đối với ngân hàng hoặc phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không tìm hiểu mà chỉ lựa chọn dựa vào lãi suất cao cũng sẽ gặp rủi ro lớn.

“Nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên nếu không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại sẽ không "ting ting" nữa mà không biết kêu ai”, ông Thuận cảnh báo.

Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm đi kèm lộ trình thực hiện.

Điều này nhằm từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2023, khi doanh nghiệp chào bán trái phiếu, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.