TS. Cấn Văn Lực: ‘Không nên lo lắng thái quá về lạm phát’

08:04, 06/08/2022
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế

“Lo lắng thái quá hay sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì” là điều không nên, vì như thế thì kinh tế lại đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn cung và giá lại tăng. Ở Việt Nam, tâm lý lạm phát rất quan trọng, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định.

Thời gian qua, tình trạng nhiều mặt hàng, dịch vụ vẫn ‘điềm nhiên’ giữ giá và neo cao bất chấp giá xăng dầu đã giảm 4 lần liên tiếp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Mặc dù, CPI bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Con số cho thấy lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo Chuyên gia Cấn Văn Lực, “ở Việt Nam, tâm lý lạm phát rất quan trọng. Người dân để ý các phát biểu của lãnh đạo, các cơ quan bộ ngành có liên quan và lập tức có dự báo và có hành vi kinh doanh”.

‘Bóng ma’ lạm phát đang khiến nhiều người lo lắng và tìm cách đưa tài sản của mình đến kênh trú ẩn an toàn. Mặc dù giá vàng ở Việt Nam thời gian qua biến động không lớn, nhưng nhu cầu vàng của người tiêu dùng trong nước vẫn tăng 11% từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại WGC cho rằng: do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc lo lắng thái quá, sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì là không nên, vì như thế thì kinh tế lại đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn cung và giá lại tăng. Nhất là vào những thời kỳ trọng điểm như hiện nay, luôn đảm bảo đủ nguồn cung là điều rất quan trọng.

TS. Cấn Văn Lực: ‘Không nên lo lắng thái quá về lạm phát’
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: Nhật Bắc

Mục tiêu lạm phát năm nay là khoảng 4%. Tuy nhiên, trước đó, Quốc hội và Chính phủ đã tiên lượng năm nay có bối cảnh phức tạp. Theo ông Lực, “chúng ta không thể cứng nhắc dứt khoát dưới 4% trong khi lạm phát thế giới gấp đôi. Bình quân lạm phát thế giới, cả chỉ số sản xuất và chỉ số CPI tiêu dùng tăng khoảng 6,2% (năm ngoài tăng 3,8%).

Với việc hội nhập sâu rộng, độ mở kinh tế lớn, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, khăng khăng dứt khoát dưới 4% để kìm nén sản xuất kinh doanh. Như thế lại phản tác dụng, dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn cung. Mà thiếu nguồn cung lại đẩy giá lên, xuất hiện hiện tượng buôn lậu găm hàng, giữ hàng. Do đó, cần hết sức nghệ thuật điều hành trong năm nay”.

Thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát mặt bằng giá cả trong bối cảnh an ninh năng lượng (xăng dầu), an ninh lương thực (thực phẩm và thịt lợn), là vấn đề lớn của quốc tế và cả Việt Nam.

“Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản lạm phát của Việt Nam tương đối thấp so với khu vực. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì vẫn có độ trễ về lạm phát của thế giới”, ông Lực nhấn mạnh tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giảm pháp” vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Độ mở của nền kinh tế lớn nên Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu lạm phát, giá cả một số mặt hàng có thể bắt đầu tăng từ đầu tháng 7, ví dụ lương cơ bản tăng, một số khoản phí Nhà nước quản lý cũng đang trong lộ trình tăng lên, không thể kìm giữ mãi được.

Bên cạnh đó, thường về cuối năm, lượng cung tiền từ giải ngân đầu tư công, từ giải ngân FDI, lượng tiền nhiều hơn, và vòng quay tiền nhanh hơn nên không thể chủ quan với những chuyện đó, theo ông Lực.

Chính phủ có đủ cơ sở kiểm soát lạm phát năm nay ở mức khoảng 4%. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất là vượt 4% một chút, ông Lực cho rằng “cũng chấp nhận được" bởi bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, vẫn phải phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi 2 năm, nên năm nay điều hành của Chính phủ sẽ khó, phải nghệ thuật, hài hoà, cân bằng, phân tích, dự báo kịp thời để có những kịch bản ứng phó, ông Lực nhận định.