Từng một thời không người Hà Nội nào không biết, kem Thủy Tạ đang dần mai một

Trần Dũng - 15:28, 22/03/2018

TheLEADERThương hiệu từng thống lĩnh thị trường kem Hà Nội nay chỉ còn là dĩ vãng khi thị phần ngày càng giảm, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi thế thương hiệu và mặt bằng đẹp quanh Hồ Gươm.

Từng một thời không người Hà Nội nào không biết, kem Thủy Tạ đang dần mai một
Công ty Thủy Tạ sở hữu mặt bằng đẹp quanh hồ Gươm, Hà Nội.

Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước, từng có 3 thương hiệu kem cực kỳ nổi tiếng không ai không biết. Đó là kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ và kem Bodega. Nếu kem Tràng Tiền là sản phẩm bình dân được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, thì kem Thủy Tạ được xem là cao cấp hơn cả, khi chỉ những người có tiền mới đủ khả năng thưởng thức ly kem trên nhà hàng bên Hồ Gươm.

Tuy nhiên, theo thời gian, những thương hiệu kem nổi tiếng một thời đều đã suy yếu. Kem Bodega và kem Thủy Tạ dần đi vào quên lãng còn kem Tràng Tiền chỉ đủ sức duy trì một lượng khách nhất định.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Công ty cổ phần Thủy Tạ cho thấy, doanh thu của công ty trong năm 2017 chỉ đạt 102 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước đó. Hai mảng hoạt động chính của công ty là bán kem và kinh doanh nhà hàng đều cho thấy sự sụt giảm. 

Riêng mảng bán kem, Thủy Tạ thu về 47,5 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2016. Mảng nhà hàng mang lại 34 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2016. Hiện công ty đang vận hàng 3 nhà hàng Đình Làng, Mamarosa và Long Vân trên đường Lê Thái Tổ, ven hồ Gươm.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động của Thủy Tạ ở mức cầm chừng khi doanh thu của công ty quanh mức 100 tỷ đồng mỗi năm. Công ty cũng không có hoạt động mở rộng kinh doanh mà tập trung vào việc khai thác lợi thế thương hiệu và mặt bằng.

Với quy mô ngành kem năm 2017 khoảng 3 nghìn tỷ đồng, Thủy Tạ hiện chỉ chiếm khoảng 3% thị phần. Sự đi xuống của những thương hiệu lâu đời như Thủy Tạ lại đang tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển chung của thị trường kem trong nước.

Theo báo cáo của Euromonitor, ngành kem và thực phẩm từ sữa tiêp tục phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 7% trong vòng 5 năm tới. Dự kiến tới năm 2022, thị trường này sẽ có quy mô khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, Kinh Đô Food (KDF) đang là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành kem với gần 40% thị phần nhờ sở hữu những thương hiệu mạnh như Celano và Merino. Theo sau KDF là Unilever (kem Wall’s, Corneto, Paddle Pop), Vinamilk, và hàng loạt các thương hiệu quốc tế khác như Haagen-Dazs, New Zealand Natural,…

Đặc điểm chung của những doanh nghiệp kem lớn là hệ thống phân phối rộng khắp, đi vào được các nhà hàng, siêu thị trên khắp cả nước. Đặc biệt TP.HCM là thị trường đầy tiềm năng nhờ khí hậu thuận lợi cho việc tiêu thụ kem và thói quen tiêu dùng thích trải nghiệm. 

Trong khi đó, Thủy Tạ, Tràng Tiền và Bodega đều bó hẹp hoạt động kinh doanh, không mở rộng điểm bán mà tập trung chủ yếu ở khu vực quanh Hồ Gươm và đường Lê Thái Tổ.