Ứng phó thế nào trước "cơn lũ" hàng Thái?

Quang Vũ - 14:11, 24/10/2017

TheLEADERBộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh mới đây đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ cần phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan trong khi cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Philippines, hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại Việt Nam.

Ứng phó thế nào trước "cơn lũ" hàng Thái?
Một gian giới thiệu và bán hàng Thái Lan trong hội chợ. Ảnh: Báo Lao Động

LTS:  Nói “cơn lũ” hàng Thái không phải là kiểu nói ví von vì hàng Thái đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi cách đây hơn nửa tháng Bộ Công thương phải tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng. Hàng Thái đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ ở Việt Nam và ở các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30% đế 50%.

Đánh giá thực trạng hàng Thái ở Việt Nam và ứng phó thế nào trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng Thái? Chuyên đề "Ứng phó thế nào trước cơn lũ hàng Thái?" được TheLEADER thực hiện với các phân tích, kiến giải và đưa ra giải pháp của các chuyên gia kinh tế, nhà báo, doanh nhân.

Bài 1: Lý giải "cơn lũ" hàng Thái tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh mới đây đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ cần phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan trong khi cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Philippines, hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại Việt Nam. Lý do chắc chắn có nhiều, nhưng qua khảo sát và phân tích thực tế thị trường cũng như ghi nhận từ người tiêu dùng và ý kiến doanh nhân trong nước, có một số lý do quan trọng.

Trước hết, Chính phủ Thái Lan đã có chiến lược rất bài bản và nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm để từng bước lấn sân, xâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Bộ Thương mại Thái Lan đã đầu tư ngân sách rất lớn cho các hoạt động xúc tiến thương mại, như mỗi năm phối hợp với doanh nghiệp Thái Lan tổ chức từ 12 đến 20 hội chợ hàng Thái ở các thành phố lớn cho đến các tỉnh ở Việt Nam với quy mô từ 100 đến 300 gian hàng. Người Việt đã và đang dần quen với hàng Thái vì mẫu mã tương đồng với hàng Việt và chất lượng ổn mà giá lại không cao.

Trong lúc đó hàng Việt Nam “tấn công” qua Thái Lan lại rất yếu. Vụ Châu Á - Châu Phi của Bộ Công thương, thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp triển khai một số hội chợ giới thiệu hàng Việt ở Thái Lan nhưng thực tế cho thấy kết quả chưa như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi tham gia để thăm dò thị trường đã từ chối các lần tổ chức sau vì cho rằng đưa hàng vào Thái không khả thi.

Kế đến, hàng Thái Lan sở dĩ phát triển được sâu rộng trên thị trường Việt Nam còn do nhiều mặt hàng tiêu dùng lâu nay được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay chuyển dịch sang nhập khẩu hàng Thái, sau khi người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc vì nhiều mặt hàng có lượng không đảm bảo. Mặt khác là hàng Thái có giá phải chăng do được hưởng ưu đãi thuế theo các hiệp định hợp tác trong khu vực, nhiều mặt hàng được miễn thuế đến 90% và đến năm 2018 sẽ được miễn thuế tới 98%.

Nếu chịu khó khảo sát ở các siêu thì thì thấy những mặt hàng như máy lạnh tủ lạnh người Việt Nam chọn hàng Thái Lan hơn hàng lắp ráp tại Việt Nam vì người Việt sính hàng ngoại. Mặt khác, Việt Nam và Thái Lan nằm trong chuỗi phân phối sản phẩm toàn cầu của Nhật Bản nên sản phẩm của các hãng Toyota Mitsubishi, Sony…. lắp ráp tại Thái Lan thuận lợi để nhập khẩu vào Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao ở các siêu thị điện máy Chợ lớn, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… các mặt hàng điện máy điện tử sản xuất tại Thái Lan chiếm từ 30 đến 40%.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017 là: Hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Một vấn đề khác liên quan đến chiến lược kinh doanh và sức mạnh cạnh tranh của nhà đầu tư Thái Lan. Nhắm tới thị trường Việt Nam đang có sức tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ, các tập đoàn bán lẻ Thái Lan như TCC Group, Central Group đã liên tục thâu tóm hệ thống siêu thị của Big C, Metro, Nguyễn Kim với các thương vụ M&A trị giá tên tới trên 3 tỷ USD. 

Sau khi đã nắm được kênh phân phối, các đại gia bán lẻ Thái Lan có toàn quyền điều chỉnh chiết khấu đối với hàng hóa đưa vào siêu thị. Họ điều chỉnh mức chiết khấu nhẹ cho hàng Thái Lan và giữ mức chiết khấu cao cho hàng Việt. Nếu có dịp vào siêu thị Big C hoặc M&M (tên cũ là Metro), sẽ thấy rất nhiều quầy, kệ trưng bày hàng rất hoành tráng, nhiều mặt hàng giá rẻ bất ngờ.

Vi dụ mặt hàng cá hộp “Ba cô gái” hay cá kho tiêu giá chỉ trên 10.000đồng/hộp, trong lúc đó cá hộp cùng loại do nhà máy Việt Nam sản xuất giá trên 20.000 đồng/hộp.

Ở góc độ nhà sản xuất trong nước, có tình trạng một số cơ sở chế biến thực phẩm “tự đánh mất mình” bằng cách đưa sản phẩm vào siêu thị đặt trong bao bì Big C hoặc M&M theo yêu cầu của ban quản lý siêu thị. Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương lúc này rất cần vào cuộc kiểm tra để ngăn chặn động thái cạnh tranh không lành mạnh như vậy.

Một lý do nữa lại đến từ chính các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước. Không chỉ có mặt ở các siêu thị lớn, hàng Thái còn được bán dưới dạng chuyên doanh trên các đường phố ở thành phố lớn và len lỏi vào các tiệm bách hóa ở hang cùng ngõ hẻm. Trên mạng internet và trên Facebook hàng Thái Lan được rao bán dày đặc và người mua được mang hàng đến giao tận nhà, rất thuận tiện.

Cuối cùng, một lý do được bất cứ nhà sản xuất trong nước đều phải nói đến chính là gánh nặng thuế, phí, thủ tục kinh doanh và hành chính, lưu thông hàng hóa trên thị trường trong nước còn nhiều trở ngại về vận tải, logistics.. khiến cho nhiều hàng Việt không thua kém hàng Thái về chất lượng, kiểu dáng, bao bì, nhưng giá thành còn cao, gặp nhiều trở ngại trong “cuộc chiến” lâu dài với hàng Thái và các mặt hàng ngoại nhập khác.

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: Hàng Thái tấn công thị trường Việt