Thị trường ô tô thừa 55% công suất đang chờ Vingroup
Trong khi một số nhà đầu tư có thể đang lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai, tập đoàn Vingroup quyết định khởi công tổ hợp sản xuất ô tô 3,5 tỷ USD.
800 triệu USD cho tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của Vingroup, 1 tỷ USD của Vinalines hay 600 triệu USD của Vinashin là những khoản vay vốn quốc tế lớn của các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn trong nước và ngân sách hạn hẹp. Chính phủ có chủ trương tạm dừng phê duyệt cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công năm 2017.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, để được tiếp cận nguồn vốn quốc tế thì sức khỏe của doanh nghiệp là vấn đề quan trọng nhất. Doanh nghiệp phải có lịch sử hoạt động lâu đời, ít nhất 5-10 năm, có thị phần đáng kể tại Việt Nam, tức là doanh thu lớn, tỷ lệ lợi nhuận cao, hay nhìn vào bảng cân đối kế toán thì tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tổng số nợ/vốn chủ sở hữu) phải ở mức độ hợp lý,...
Dù vậy, trong thời gian qua, một tín hiệu có thể xem là khả quan khi nhiều doanh nghiệp, nhà băng lớn trong nước đã được nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng ngoại cung cấp vốn vay với giá trị hợp đồng lên tới hàng trăm triệu USD hoặc phát hành trái phiếu thành công ra thị trường quốc tế với tổng giá trị huy động lớn.
Doanh nghiệp, ngân hàng Việt tiếp cận nguồn vốn quốc tế lớn
Năm 2011, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị 90 triệu USD, niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapour (SGX). Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,87%/năm và được tổ chức tài chính Credit Suisse đứng ra bảo lãnh.
Giữa năm 2012, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm ra thị trường quốc tế với mức lãi suất cố định 8%/năm. Đây là ngân hàng Việt đầu tiên huy động vốn thành công từ phát hành trái phiếu quốc tế.
Cũng thời gian này, tập đoàn Vingroup đã thực hiện phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với thời hạn 5 năm. Đến ngày 16/3/2016, Vingroup đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ số trái phiếu này thành cổ phần của của tập đoàn này và huỷ bỏ niêm yết. Credit Suisse là đơn vị tư vấn và bảo lãnh duy nhất cho Vingroup thực hiện đợt phát hành này.
Tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn quốc tế trị giá 105 triệu USD kỳ hạn 5 năm do Ngân hàng Cathay United của Đài Loan (CUB) làm đầu mối thu xếp. Khoản vay trị giá 105 triệu USD này có sự tham gia cho vay của 11 ngân hàng nước ngoài.
Trước đó, trong tháng 7/2015, Sacombank cũng đã nhận khoản vay 50 triệu USD từ Cathay United.
Ngân hàng Cathay United cũng là tổ chức ký hợp đồng thu xếp vốn 50 triệu USD cho LienVietPostBank với sự tham gia 8 ngân hàng Đài Loan hồi tháng 5/2017.
Tháng 3/2016, VietinBank ký hợp đồng vay vốn trị giá 200 triệu USD do BNP Paribas (Pháp) và Taipei Fubon Commercial Bank (Đài Loan) làm đầu mối thu xếp với sự tham gia 18 ngân hàng ngoại, trong đó phần lớn là các ngân hàng Đài Loan.
Trong số các tổ chức thu xếp vốn hoạt động tại Việt Nam, Credit Suisse được đánh giá là một trong những tổ chức thu xếp vốn nước ngoài lớn nhất với tổng giá trị các khoản thu xếp vốn đạt khoảng 7 tỷ USD cho Chính phủ, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam.
Ngân hàng này cũng là đối tác thu xếp vốn cho nhiều công ty, tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến như: Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Ocean Group, Vinacomin, PVN, EVN, SSI,...
Đặc biệt, Credit Suisse từng có những hợp đồng thu xếp vốn lên tới tỷ USD cho Vinalines, Vinashin.
Gần đây, Credit Suisse đã ký thỏa thuận thu xếp vốn 100 triệu USD cho công ty bất động sản Novaland, cho công ty tài chính FE Credit (do VPBank lập ra kinh doanh) vay 100 triệu USD, thu xếp 800 triệu USD cho tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của tập đoàn Vingroup.
800 triệu USD cho Vingroup sản xuất ô tô
Ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Dự án có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu từ 1 đến 1,5 tỷ USD.
Đây là dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt đầu tiên và dự kiến ra mắt trong hai năm tới.
Về nguồn vốn, lãnh đạo Vingroup cho biết, tập đoàn đã ký thỏa thuận về thu xếp vốn với Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Suisse, theo đó, Credit Suisse "sẵn sàng thu xếp cho Vingroup một khoản tín dụng ban đầu là 800 triệu USD và có thể tăng lên theo nhu cầu phát triển của VINFAST".
Năm 2016, Vingroup cũng được Credit Suisse đứng ra thu xếp khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 300 triệu USD.
800 triệu USD là khoản thu xếp vốn lớn nhất mà Credit Suisse ký kết với Vingroup sau nhiều năm là đối tác quen thuộc. Đây cũng được xem là khoản vay vốn quốc tế lớn nhất của một doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Nói về khoản thu xếp vốn lớn này, chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc một ngân hàng Thụy Sỹ đứng ra thu xếp nguồn vốn hàng trăm triệu USD như vậy có thể xem là tín hiệu đáng mừng, một dấu hiệu tốt cho các nhà kinh doanh Việt Nam có thể huy động vốn vay từ thị trường quốc tế”.
Đánh giá về khả năng thành công của dự án này, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với việc tái thiết lập một chương trình sản xuất ô tô thương hiệu Việt đã thất bại tại Việt Nam, yếu tố thuận lợi mà Vingroup có được là kinh nghiệm xây dựng kỹ nghệ ô tô từ những công ty trong nước như Vinaxuki... và từ các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của nước ngoài.
Vingroup cũng có lợi thế khi được cung cấp nguồn vốn lớn từ các ngân hàng trên thế giới trong khi Vinaxuki trước kia gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vấn đề đặt ra là liệu sản phẩm của Vingroup có tiêu thụ được tại Việt Nam hay không và liệu Vingroup có thể sản xuất ô tô chất lượng ngang bằng với các hãng ô tô quốc tế hay không?
"Ô tô điện trên thế giới là một sản phẩm mới trong khi Vingroup chưa có kinh nghiệm trong sản xuất thì chất lượng và giá cả là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của dự án này", ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, hiệu quả của dự án cũng phụ thuộc vào qui mô, qui mô càng lớn, chí phí cố định chia cho mỗi xe càng giảm. Nếu sản xuất một ít hàng thử nghiệm, chi phí cố định cao sẽ dẫn đến giá thành cao.
Hơn nữa, khi thuế nhập khẩu ô tô trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các nước được giảm về 0%, sự cạnh tranh với ô tô nhập khẩu cũng là một thách thức đối với nhà sản xuất ô tô trong nước.
Do vậy, ông Hiếu cho rằng sẽ có không ít các thử thách đối với dự án sản xuất ô tô của Vingroup khi thị trường ô tô của Vingroup chưa có và chưa biết sản phẩm của Vingroup sẽ được thị trường chấp nhận ra sao.
"Đây là một dự án khá rủi ro cho Vingroup cũng như các tổ chức cho vay do đây là khoản vay của doanh nghiệp tư nhân, không có bảo lãnh từ Chính phủ", Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Dù vậy, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cũng phải nhìn nhận đây là một nỗ lực của Vingroup trong việc tái thiết lập một chương trình ô tô đã từng thất bại và sự hỗ trợ từ Chính phủ là cần thiết.
Nhìn lại khoản vay 1 tỷ USD của Vinalines, 600 triệu USD của Vinashin
Năm 2005, Credit Suisse giữ vai trò bảo lãnh chính đối với đợt phát hành 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên ra thị trường quốc tế.
750 triệu USD này được ủy thác toàn bộ cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Tại thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT Vinashin - ông Phạm Thanh Bình (người đang thụ án 20 năm tù do những sai phạm trong đại án Vinashin) cho biết, 750 triệu USD chỉ chiếm 1/4 tổng số vốn doanh nghiệp này cần (ước khoảng 3 tỷ USD). Số tiền này được đầu tư cho các nhà máy đóng tàu xuất khẩu và mở rộng các nhà máy.
Năm 2007, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm ở Davos, Thụy Sỹ, trong cuộc tiếp Tổng giám đốc Ngân hàng Credit Suisse, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận thu xếp vốn giữa ngân hàng này với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, thời điểm ông Dương Chí Dũng – người đã bị kết án tử hình và 18 năm tù trong vụ án mua ụ nổi gây thất thoát của Nhà nước gần 400 tỷ đồng, tham ô 1,66 triệu USD - làm Chủ tịch HĐQT).
Theo đó, ngân hàng Thụy Sỹ đã ký thỏa thuận thu xếp vốn trị giá 1 tỷ USD với Vinalines cho các dự án phát triển đội tàu vận tải biển, dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khác.
Đồng thời, ngân hàng này cũng ký thỏa thuận thu xếp vốn 700 triệu USD cho Vinashin để phát triển các cơ sở đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ. Khoản vay này có thời hạn 6 năm với sự tham gia của hơn 20 ngân hàng, phần lớn là ngân hàng thương mại.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong hợp đồng ký ngày 24/5/2007 của Vinashin và Credit Suisse cho khoản vay 600 triệu USD, bên vay bắt đầu trả nợ 10% giá trị khoản vay từ tháng thứ 42 kể từ ngày sử dụng vốn. Kể từ thời điểm này trở đi, cứ 6 tháng một lần Vinashin trả tiếp 10% khoản vay tức 60 triệu USD/lần.
Tuy nhiên, cũng theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dù chưa đến hạn trả nợ nhưng trong suốt tháng 8 và 9/2010, Credit Suisse Singapore đã liên tục gửi thư cho Vinashin yêu cầu giải thích, cung cấp, hoặc làm rõ thông tin về tình hình kinh doanh cũng như tái cơ cấu và khả năng trả nợ của tập đoàn.
Đến tháng 12/2010, Vinashin lẽ ra phải thanh toán khoản đầu tiên trị giá 60 triệu USD của gói vay này nhưng không thực hiện được nghĩa vụ.
Tháng 11/2011, Quỹ đầu cơ Elliott Advisers – một trong những chủ nợ của Vinashin – đã nộp đơn kiện lên tòa án London ở Anh nhằm đòi số tiền 13,2 triệu USD cả gốc lẫn lãi mà Vinashin bị cho là nợ quỹ này. Đây là số tiền nằm trong khoản vay quốc tế 600 triệu USD mà Credit Suisse làm đầu mối để một số chủ nợ quốc tế, trong đó có Elliott, cho Vinashin vay hồi năm 2007.
Đến tháng 4/2012, nguồn tin từ Wall Street Journal cho biết, Elliott đã chấm dứt vụ kiện Vinashin tại Anh. Ngân hàng Maybank của Malaysia - một trong các trái chủ tham gia cung cấp vốn vay cho Vinashin trong khoản vay 600 triệu USD – thì tuyên bố, giá trị khoản vay mà họ cấp cho Vinashin là rất nhỏ.
Thời điểm mà các chủ nợ Vinashin lên tiếng trùng với thời điểm vừa kết thúc vụ xét xử các cựu quan chức của Vinashin.
Tháng 2/2013, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, Credit Suisse đã gửi một lá thư đến 20 chủ nợ khác của Vinashin, thông báo kế hoạch chấp nhận đề xuất tái cơ cấu của Vinashin. Theo lời đề nghị của Vinashin, khoản nợ trị giá 600 triệu USD cùng với lãi suất tích lũy chưa được trả sẽ được hoán đổi bằng trái phiếu được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính.
Đến tháng 10/2013, sau 3 năm đàm phán đầy căng thẳng và phải trải qua một loạt các vụ kiện do một số chủ nợ tiến hành tại tòa án Anh quốc, Vinashin chính thức thông báo, khoản nợ 600 triệu USD do Credit Suisse làm đại lý và ngân hàng thu xếp đã được tái cơ cấu thông qua phát hành trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ do Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC - thuộc Bộ Tài chính) phát hành.
Trái phiếu mới có giá trị hơn 600 triệu USD với lãi suất 1%/năm, có kỳ hạn 12 năm và cả gốc và lãi sẽ được trả 1 lần vào năm 2025.
Tháng 10/2013, Vinashin "thay tên đổi họ" thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tuy nhiên nợ của Vinashin thì vẫn còn đó. Trong trường hợp, SBIC không trả được khoản nợ trái phiếu này thì Bộ Tài chính sẽ ứng tiền trả thay, khi SBIC có nguồn sẽ trả sau.
Năm 2016, tại một báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách với Quốc hội, cơ quan này dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới cho SBIC là 63.200 tỷ đồng.
Về vấn đề này, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng vay của doanh nghiệp nhà nước dù có bảo lãnh hay không bảo lãnh thì cuối cùng Nhà nước vẫn phải trả.
“Vay của doanh nghiệp nhà nước nếu không trả sẽ bị kiện ra tòa, tòa có thể ra quyết định tạm giữ một máy bay của hàng không Việt Nam hay tạm giữ một tàu thủy, thậm chí tạm giữ một nhà cửa sứ quán. Với doanh nghiệp tư nhân, họ có thể tìm cách phong tỏa tài khoản”, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.
Có thể thấy, nhu cầu vay vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế như Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên để vay được vốn trên thị trường vốn quốc tế là không đơn giản bởi các điều kiện ngặt nghèo; bên cạnh đó việc sử dụng hiệu quả và tuân thủ nghiêm các quy chuẩn của các nguồn vốn vay quốc tế cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có năng lực quản trị và kiểm soát nội bộ phù hợp để tránh các "vết xe đổ Vinalines, Vinashin"!
Trong khi một số nhà đầu tư có thể đang lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai, tập đoàn Vingroup quyết định khởi công tổ hợp sản xuất ô tô 3,5 tỷ USD.
Một khoản vay 300 triệu USD đã được Credit Suisse AG thu xếp vào năm 2016.
Vingroup và THACO đang ngược dòng so với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
"Quản trị chiến lược thực chiến" không chỉ là cuốn sách mà là kim chỉ nam để doanh nghiệp của bạn vững bước vượt qua mọi thử thách trên con đường phát triển.
Chỉ có gần 80% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Con số này giảm đáng kể so với tỷ lệ 86,2% của kỳ điều tra trước.
Chàng trai Hà Tĩnh ngày nào giờ đã startup tiến vào một "đại dương xanh" với mô hình chuỗi tinh dầu phục vụ các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và spa.
Bán lẻ và năng lượng là những ngành then chốt tại Đức và cũng là những lĩnh vực mà FPT Software đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyển đổi số.
Trong 17 năm qua, Masan đã huy động vốn thành công xấp xỉ 5 tỷ USD. Các nhà đầu tư như KKR, TPG, SK group đều đầu tư nhiều lần vào Masan và hướng tới sự hợp tác lâu dài.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã nhận xét như vậy khi chứng kiến các chu kỳ biến động của thị trường bất động sản.
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.