Tại sao Vingroup, THACO lại quyết sản xuất ô tô trong lúc giá xe rớt thảm?
Ngọc Hải
Thứ ba, 05/09/2017 - 08:00
Vingroup và THACO đang ngược dòng so với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Vốn là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam, Vingroup đã gây sốc khi đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới là sản xuất ô tô và xe máy điện. Nhà máy ô tô Vinfast với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 - 1,5 tỷ USD được khởi công tại Hải Phòng cuối tuần qua dự kiến và sẽ “cho ra lò” xe ô tô thương hiệu Việt đầu tiên sau 2 năm nữa.
THACO cũng đã công bố kế hoạch đầu tư tới 40.000 tỷ đồng, đồng thời thu hút thêm 20.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp khác để phát triển các dự án lớn tại tỉnh Quảng Nam. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp xe con với công suất 100.000 xe/năm, xe bus – 20.000 xe/năm và xe tải – 100.000 xe/năm.
Tháng 3 vừa qua, THACO đã khởi công xây dựng nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda với công suất 100.000 xe/năm và tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn I với công suất 50.000 xe sẽ đi vào hoạt động tháng 4/2018.
Ở một thị trường mà tỷ lệ sở hữu ô tô mới chỉ đạt 23 xe/1.000 dân so với 204 xe/1.000 dân tại Thái Lan, thu nhập đang tăng và cơ sở hạ tầng bùng nổ thì cả Vingroup và THACO đều có lý do để đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhưng, không chỉ đối với “người ngoại đạo” của ngành ô tô là Vingroup mà thậm chí động thái đầu tư “khủng” của doanh nghiệp có thâm niên như THACO cũng gây ngạc nhiên bởi thị trường ô tô trong nước đang và sẽ tiếp tục biến động dữ dội trước viễn cảnh ô tô nhập khẩu tràn vào.
Sức ép từ xe nhập khẩu
Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN, từ 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm từ mức 30% hiện nay xuống còn 0%. Giá ô tô nhập khẩu vì thế sẽ giảm mạnh, đặt áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp lắp ráp trong nước.
Trước viễn cảnh này, một số doanh nghiệp liên doanh đã ngừng lắp ráp một số mẫu xe. Trong đó, Toyota và Honda đã ngừng lắp mẫu xe Fortuner và Civic, mà nhập khẩu từ các nước ASEAN để phân phối lại tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hãng xe cũng đua nhau giảm giá đến mức “không tưởng”. Chẳng hạn, mẫu xe CX5 và CRV do Vina Mazda và Honda lắp ráp trước đây có giá trên 1 tỷ đồng thì hiện nay đã giảm xuống dưới 800 triệu đồng. Mức giá này thậm chí gần tương đương với Thái Lan.
Vì thế, Vingroup và THACO sẽ không những phải cạnh tranh với những tên tuổi đã có nhà máy ở Việt Nam như Toyota, Ford, Honda… mà còn phải cạnh tranh quyết liệt với xe nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào khi thuế nhập khẩu giảm mạnh.
Tại lễ khởi công nhà máy lắp ráp xe Mazda hồi đầu năm nay, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO đã rất tin tưởng rằng, khi thuế suất xe nguyên chiếc về bằng 0 thì chắc chắn Chính phủ sẽ có điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của linh kiện có tỷ lệ giảm tương ứng nhằm khuyến khích và duy trì sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đúng như kỳ vọng của ông Dương, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về 2 phương án giảm thuế linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm, từ 2018-2022 đối với xe chở người dưới 9 chỗ ngồi và dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống và xe tải dưới 5 tấn.
Theo phương án 1, sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2 sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động và bơm cao áp từ mức 3-50% hiện nay xuống 0% và giảm thuế xuất của 42 dòng thuế thuộc nhóm bộ phận và phụ kiện từ mức 15-25% xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9-10% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải.
Một trong những điều kiện để được giảm thuế là doanh nghiệp phải đạt tỷ lệ nội địa hoá 40%, tức là đủ điều kiện xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN với mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Bộ Tài chính lập luận rằng, việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá bán để tăng cạnh tranh với xe nhập khẩu, từ đó vừa đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu.
Việt Nam sẽ xuất khẩu ô tô?
Một trong những mục tiêu mà cả Vingroup và THACO đều tuyên bố tại lễ khởi công dự án sản xuất và lắp ráp ô tô là “xuất ngược” sang các nước ASEAN.
Vào thời điểm 2018, ô tô sản xuất tại Việt Nam xuất sang các nước ASEAN cũng sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Nhưng điều kiện để được hưởng mức thuế suất này là sản phẩm phải được sản xuất trong các nước ASEAN và có tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu 40%.
Tỷ lệ nội địa hoá này đã đạt được ở các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, nhưng hiện vẫn là mục tiêu xa vời với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công thương mới đây cũng thừa nhận thất bại trong chiến lược nội địa hoá sản xuất và lắp ráp ô tô. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt 7-10% so với mục tiêu đề ra là 60% vào năm … 2010.
Để đạt được tỷ lệ nội địa hoá cao ngay lập tức là không khả thi mà theo ông Dương, quy luật chung phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới là bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, để từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô.
Đến nay, THACO đã đạt tỷ lệ nội địa hoá hơn 50% đối với xe buýt mang thương hiệu THACO, từ 30-35% đối với xe tải nhưng mới đạt 18% đối với một số mẫu xe con có sản lượng cao.
Tuy nhiên, ông Dương vẫn tự tin khẳng định: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm cũng như nền tảng cơ bản, với thị trường phát triển ổn định và gia tăng trong thời gian tới, nhất là sau 2018, thì chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu là 40% để có thể tiến đến xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực ASEAN”.
Sau 14 năm phát triển cụm sản xuất và lắp ráp ô tô rộng 400ha tại khu kinh tế Chu Lai, THACO mới đạt được tỷ lệ nội địa hoá khiêm tốn cho xe con.
Dù mới khởi công xây dựng nhà máy nhưng Vinfast đã tuyên bố sẽ vươn tới tỷ lệ nội địa hoá đầy tham vọng là 60%. Bằng cách nào một tân binh trong ngành công nghiệp có thể thu hút được các nhà sản xuất linh kiện phụ trợ để đạt tỷ lệ này hiện vẫn là câu hỏi ngỏ.
Tham vọng VinFast của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng với kế hoạch đầu tư 3,5 tỷ USD lại một lần nữa thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng ô tô "made in Vietnam". Nhưng liệu giấc mơ đó có thành hiện thực?
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, dự án xe hơi sẽ là một thách thức "rất khó khăn" đối với Vingroup, bởi lẽ Vingroup hiện chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chưa có vốn cho việc sản xuất này.
Ô tô không chỉ là phương tiện mà còn là thương hiệu quốc gia. Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng nay tại lễ khởi công dự án nhà máy Vinfast sản xuất 500.000 ô tô và xe máy điện tại Hải Phòng do Vingroup làm chủ đầu tư.
Credit Suisse sẽ thu xếp khoản vay lên tới 800 triệu USD cho Vingroup trong dự án này, sản phẩm ô tô VINFAST đầu tiên gồm xe 5 chỗ và 7 chỗ dự kiến sẽ ra mắt sau 24 tháng tới.
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.