Vì sao nhà đầu tư Thái Lan muốn rút khỏi Nhựa Tiền Phong?

Dương Nguyễn - 09:49, 02/10/2017

TheLEADERNhà đầu tư Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi) công bố thoái vốn khỏi Nhựa Tiền Phong sau khi một công ty con của Nhựa Tiền Phong ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với một tập đoàn Nhật Bản.

Những ngày cuối tháng 9/2017, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) là The Nawaplastic Industries (Saraburi) đăng kí bán sạch lượng cổ phiếu đang sở hữu. Họ đã bỏ nhiều công sức để gom vào cổ phiếu, vì sao lại bán ra lúc này?

Tham vọng của SCG với ngành nhựa Việt Nam

Trong suốt 5 năm qua, Tập đoàn Xi măng Siam (SCG) của Thái Lan chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu thâu tóm các doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Saraburi là công ty con của SCG, hiện là cổ đông lớn tại Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và nhiều doanh nghiệp nhựa chưa niêm yết khác.

Năm 2012, Saraburi mua lại 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần Công ty Nhựa Tiền Phong và chưa từng bán ra một cổ phiếu nào. Giữa năm 2015, SCG mua lại 80% cổ phần của Nhựa Tín Thành – doanh nghiệp đứng trong top 5 về sản xuất bao bì nhựa. Ngoài ra, họ cũng giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.

Khẳng định tham vọng này, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Tập đoàn SCG trả lời báo chí năm 2013 rằng, sẵn sàng M&A nhiều hơn nữa, đặc biệt là ngành xi măng và vật liệu xây dựng. SCG cũng không ngại chia sẻ họ muốn tăng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty nhựa Tiền Phong và Bình Minh lên 49%. Ngân sách chi cho M&A đến 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5-6 tỉ USD.

Năm 2016, Tiền Phong nắm đến 70% thị phần nhựa xây dựng phía Bắc

Cũng như Nhựa Bình Minh, khoản đầu tư tại Nhựa Tiền Phong rất đáng để SCG nắm giữ. Năm 2016, Tiền Phong nắm đến 70% thị phần nhựa xây dựng phía Bắc, Bình Minh nắm 50% phía Nam. Hai doanh nghiệp này chiếm hơn một nửa thị trường nhựa xây dựng Việt Nam, Tiền Phong chiếm 30% còn Bình Minh nắm 25%. Mặt khác, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam mới đây cho biết: "Ngành nhựa là ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2016”. Rõ ràng, SCG đã rót tiền vào đúng chỗ.

Tham vọng thống trị ngành nhựa xây dựng Việt của SCG cũng đang gặp nhiều điều kiện thuận lợi. Cổ đông nhà nước tại Tiền Phong và Bình Minh là SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) đang có kế hoạch thoái vốn. Sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Nhựa Bình Minh cũng được chấp thuận nâng lên 100% vào ngày 26/9/2017. Nghĩa là SCG có cơ hội nắm trọn doanh nghiệp này.

Mọi mặt đều thuận lợi để tiến hành thống trị ngành nhựa xây dựng Việt, bất ngờ SCG rút lui khỏi Nhựa Tiền Phong. Vì sao?

Vì sao Saraburi rút khỏi NTP?

Trả lời báo chí sau sự kiện Saraburi đăng kí thoái vốn, ông Nguyễn Văn Thức - Phó Tổng Giám đốc của Nhựa Tiền Phong nói, Công ty không rõ ý định của Saraburi và bên cổ đông ngoại cũng không nói lý do thoái vốn. Phía SCG mà đại diện là Saraburi cũng chưa có bất cứ phát ngôn nào.

Đánh giá về vấn đề này, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robeny (Canada) – người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng, cũng khó nói chính xác nguyên nhân. “Nếu nhìn vào các công ty nhựa lớn trên thế giới mà nói, mâu thuẫn thường xuất phát từ khâu quản trị”.

Đứng ở góc độ này, có thể đoán rằng mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn tại Nhựa Tiền Phong đã xuất hiện từ lâu. Bằng chứng cho chuyện “cơm không lành canh không ngọt” này là sự kiện Nhựa Tiền Phong kí kết hợp tác ở mức độ “chiến lược toàn diện” với một đối tác khác Saraburi, là Công ty Sekisui Chemical của Nhật Bản vào đầu tháng 7/2017.

Đơn vị ra mặt là công ty con của Nhựa Tiền Phong - Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam (Tiền Phong Nam). Hợp tác cho biết Tiền Phong Nam sẽ tận dụng thế mạnh công nghệ từ Sekisui để sản xuất và cung ứng những sản phẩm mới chất lượng cao, nhiều tiện ích cho người tiêu dùng Việt. Sekisui Chemical là công ty hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ngành nước và môi trường, doanh thu năm 2016 đạt 10 tỉ USD.

Chuyện mâu thuẫn nội bộ có thể được Saraburi khắc phục bằng cách mua lại số cổ phần SCIC thoái ra để nắm quyền chi phối. Ngặt nỗi SCIC vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn cụ thể tại Nhựa Tiền Phong, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vẫn nằm ở mức 49%. Những rào cản này cũng có thể là nguyên nhân đáng chú ý khiến Saraburi nản lòng.

Trong 5 năm gần đây, dù doanh thu luôn cao hơn đối thủ, nhưng lợi nhuận sau thuế và tốc độ tăng trưởng của Nhựa Tiền Phong chưa khi nào bằng Nhựa Bình Minh. Ảnh: Nhà máy Nhựa Bình Minh

Ngoài những lý do trên, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) cho biết, nguyên nhân chính là Saraburi thấy mục tiêu sáp nhập Nhựa Tiền Phong và Bình Minh khó thành hiện thực. Vietnam Capital Partners từng tư vấn thành công nhiều vụ M&A của các doanh nghiệp Thái Lan tại thị trường Việt Nam. Điển hình nhất chính là thương vụ Saraburi mua lại 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần Công ty Nhựa Tiền Phong vào năm 2012.

Nếu Saraburi nắm chi phối cả hai doanh nghiệp đầu ngành này, sẽ trở thành đơn vị thống lĩnh thị trường, với tổng thị phần trên 50%. Theo Luật Cạnh Tranh năm 2004, do Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương trực tiếp quản lý, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, ba doanh nghiệp nắm 65% và bốn doanh nghiệp nắm 75% thị phần trở lên trên thị trường liên quan. Các nhóm doanh nghiệp này bị cấm các hành động gây hạn chế cạnh tranh, tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh và gây thiệt hại cho khách hàng.

Saraburi đang là cổ đông lớn ở hai doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, khả năng sở hữu chi phối ở cả hai có thể xảy ra, khi SCIC thoái vốn. Mặc dù điều đó chưa xảy ra nhưng lo ngại về nó là có thật, nhất là trong bối cảnh nhiều ông lớn nước ngoài thâu tóm những thương hiệu lớn của Việt Nam. Theo một giám đốc công ty tư vấn M&A lâu năm ở Việt Nam, thể Saraburi đã nhận được “tín hiệu” từ cơ quan chức năng để thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong. Tuy nhiên, điều này chỉ là giả thuyết.

Theo ông Sơn, “Saraburi giữ lại cổ phần ở Nhựa Bình Minh vì doanh nghiệp này có cách quản trị hiện đại, thân thiện và hiệu quả kinh doanh khả quan hơn Nhựa Tiền Phong”.

Trong 5 năm gần đây, dù doanh thu luôn cao hơn đối thủ, nhưng lợi nhuận sau thuế và tốc độ tăng trưởng của Nhựa Tiền Phong chưa khi nào bằng Nhựa Bình Minh. Chẳng hạn năm 2016, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu 4.365 tỉ đồng và lợi nhuận 398 tỉ đồng. Nhựa Bình Minh dù chỉ đạt doanh thu 3.678 tỉ đồng nhưng có lợi nhuận đến 627 tỉ đồng, cao hơn nhiều lợi nhuận Nhựa Tiền Phong.