Vì sao vốn ngoại vắng bóng ở các dự án BOT giao thông?

Minh An - 16:28, 16/08/2017

TheLEADERBộ Giao thông vận tải lý giải vì sao nhà đầu tư nước ngoài từ chối tham gia cung cấp vốn cho các dự án BOT giao thông ở Việt Nam.

Vì sao vốn ngoại vắng bóng ở các dự án BOT giao thông?
Hàng trăm ôtô nối đuôi nhau để chờ qua trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường/ Zing

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã nêu rõ 3 quan ngại trong đầu tư các dự án BOT giao thông ở Việt Nam gồm: Quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; và công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ.

Đây là kết quả sau khi Bộ tổ chức tham vấn các nhà đầu tư, các ngân hàng tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế.

Cơ quan này cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng nước ngoài đều yêu cầu Chính phủ cần chia sẻ các rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý.

Trong đó các rủi ro nhất thiết cần có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 gồm: rủi ro về doanh thu; rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ; rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ; và rủi ro về tiến độ và chi phí giải phóng mặt bằng.

Riêng rủi ro cuối cùng đã được Thủ tướng Chính phủ xử lý bằng cách sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng trước cho dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Với cơ chế như hiện nay, thực tiễn đã chứng minh khả năng huy động được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn thương mại nước ngoài là không khả thi, Báo cáo của Bộ giao thông vận tải viết.

Trên thực tế, Bộ Giao thông vận tải cho biết, cơ quan này đã chủ trì phát hành hồ sơ mời sơ tuyển dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch không có các bảo lãnh trên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Về thông lệ quốc tế, đối với các nước có điều kiện tương tự Việt Nam giai đoạn đầu áp dụng mô hình PPP đều được Chính phủ cung cấp bảo lãnh.

Tại Hàn Quốc, giai đoạn năm 1999-5/2003, Chính phủ cung cấp bảo lãnh doanh thu cả vòng đời dự án (90% đối với dự án quan trọng cấp bách, 80% đối với dự án còn lại); giai đoạn 5/2003-01/2006 bảo lãnh trong vòng 15 năm (5 năm đầu bảo lãnh 90%, 5 năm tiếp theo 80%, 5 năm cuối 70 % cho tất cả các dự án); trường hợp doanh thu dưới 50% không bảo lãnh; giai đoạn 2006 chỉ cung cấp bảo lãnh cho các dự án quan trọng cấp bách trong vòng 10 năm (5 năm đầu bảo lãnh tối thiểu 75%, 5 năm tiếp theo 65%; không bảo lãnh nếu doanh thu dưới 50%).

Ngoài ra, các nước như Mehico, Ấn Độ, Philippines… cũng đều có các hình thức bảo lãnh tương tự.

Theo quy định tại Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, cơ bản các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng điều kiện được cung cấp bảo lãnh.

Để có thể huy động được nguồn vốn tín dụng nước ngoài, đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Chính phủ chấp thuận: (i) Bảo lãnh doanh thu tối thiểu; (ii) Bảo lãnh bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ nhằm huy động nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tín dụng nước ngoài.